leftcenterrightdel
 Ông Lê Hồng Cường (áo trắng) - Đội trưởng đội lao động và ông Nguyễn Trọng Bùi (áo đen) - phiên dịch đội lao động cùng các lao động nữ thuộc chương trình hợp tác lao động Việt Nam - Đức. Ảnh: Phương Hoa - P/v TTXVN tại Đức
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, khác với những lần gặp trước, cuộc hội ngộ năm nay không chỉ là dịp để ôn lại những kỷ niệm, ngày tháng vất vả, những biến cố và nỗ lực vươn lên trong những ngày đầu đặt chân đến nước Đức, mà các thành viên - từng là lao động hợp tác trước đây - còn chia sẻ, động viên và giúp đỡ nhau sau những khó khăn và mất mát do đại dịch COVID-19 kéo dài suốt hơn 2 năm qua gây ra cho toàn thế giới nói chung và cộng đồng người Việt nói riêng.

Tại buổi gặp mặt, ông Wolfgang Bock - chuyên gia luật hành chính, một trong những người tham gia và tìm hiểu luật về thỏa thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam và CHDC Đức trước đây - chia sẻ: “Từ thời CHDC Đức, hai nước đã có mối quan hệ và trang lịch sử tốt đẹp, chúng ta giúp đỡ nhau trên nhiều lĩnh vực, trong chiến tranh, sau chiến tranh, xây dựng lại đất nước và hợp tác lao động. Tất cả các bạn ngồi đây, đều là những người đã sang hợp tác lao động, đó là một tình cảm, sự gắn bó và sự hợp tác giữa hai nhà nước với nhau. Hôm nay được gặp lại ở đây, chúng tôi rất vui mừng để nhắc lại điều đó”.

Là một luật sư làm việc tại Berlin, nhưng với tình cảm yêu mến và mong muốn vun đắp tình hữu nghị Việt - Đức, ông Wolfgang luôn quan tâm giúp đỡ để những người Việt Nam có nguyện vọng tiếp tục ở lại học tập, sinh sống và làm việc hợp pháp tại nước Đức thực hiện được mong muốn của mình. Dựa vào kiến thức pháp luật, ông đã đấu tranh với Sở Ngoại kiều Wilthen - Bautzen, vùng công nghiệp rộng lớn có đông người Việt sinh sống nhất nhì tại CHLB Đức, để những người lao động ngày đó được ở lại nước Đức một cách hợp pháp.

Đã 35 năm trôi qua, từ những chàng trai cô gái, lúc ra đi còn rất trẻ, hồn nhiên, mang theo nhiều mơ ước, khát vọng... nay đã lên ông lên bà, vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến, đóng góp một phần nhỏ bé xây dựng, vun đắp quê hương thứ hai, cũng là nơi học tập, sinh sống và tổ ấm của những thế hệ thứ hai, thứ ba của họ.
leftcenterrightdel
 Những người Việt Nam thuộc chương trình lao động hợp tác Việt Nam - Đức những năm 1980. Ảnh: Phương Hoa - P/v TTXVN tại Đức

Ông Đào Ngọc Xuyên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Wilthen - Bautzen bày tỏ: “Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Hội người Việt Nam tại thành phố Wilthen - Bautzen, đã phát huy truyền thống đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái. 35 năm trôi qua đủ để ghi dấu bước trưởng thành của một đời người và cho đến hôm nay, hầu hết anh chị em đã ổn định cuộc sống, lên ông lên bà và đặc biệt con cháu họ trưởng thành đóng góp cho xã hội Đức, đó là một thành công tuyệt vời dành cho các gia đình và cộng đồng chúng ta”.

Cũng tại buổi hội ngộ, thay mặt những người lao động, ông Nguyễn Trọng Bùi - Đội trưởng phiên dịch lao động xúc động chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến nước Đức, chúng tôi như được đi trong một giấc mơ, trên thiên đường của sự sống bởi lúc đó ở quê nhà đang vô cùng khó khăn.

Mỗi người đều có những hoàn cảnh đặc biệt, xa quê hương, xa gia đình, người thân, mang theo bao nỗi niềm nhớ nhung vô tận, chính vì lẽ đó, mỗi chúng tôi, đều mang theo khát vọng đổi đời, cần mẫn trong công việc, chắt chiu, dành dụm, vất vả để gửi những đồng lương ít ỏi về giúp đỡ quê hương, người thân.

Bên cạnh đó, được sống trong một môi trường mới, tiếp xúc với một xã hội văn minh, con người văn minh đã cho chúng tôi nhận thức, trải nghiệm về một cuộc sống với tư duy mới. Chính vì lẽ đó, bản thân mỗi chúng tôi đã trưởng thành và thay đổi rất nhiều trong cuộc sống, tư duy, hành động trong công việc để có được thành công như ngày hôm nay”.

Theo baotintuc