Tháng 4/2015, Việt Nam cử 3 sĩ quan đầu tiên là Trung tá Nguyễn Xuân Thành, Thiếu tá Vũ Văn Hiệp và Thiếu tá Hoàng Trung Kiên đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA). Trong một lần tình cờ, các sĩ quan Việt Nam biết được có cụ bà Nguyễn Thị Luyến là người Việt Nam đang sống ở Bangui. Dịp Tết Dương lịch năm 2016, các anh đã qua nhà thăm bà, kể cho bà nghe về sự đổi thay ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên sau gần 70 năm bà mới được gặp lại người Việt Nam. Tuy nhiên, do công việc và điều kiện đi lại khó khăn nơi đây, các sĩ quan nhiệm kỳ tiếp theo đã bị mất liên lạc với bà Luyến.

Tìm lại người Việt duy nhất ở Bangui

Năm 2017, Việt Nam cử 5 sĩ quan gồm Trung tá Lê Ngọc Sơn, Thiếu tá Trần Văn Giang, các Đại úy: Đinh Đức Long, Hồ Tiến Hưng và Nguyễn Quốc Khánh sang làm nhiệm vụ tại Phái bộ MINUSCA. Các anh đã cố gắng tìm kiếm nhưng không có thông tin về bà. Rồi tình cờ một lần ra vùng ngoại ô của Thủ đô Bangui, các anh đã gặp chị Amandine là cháu bà Luyến. 

Ngay sau đó một tuần, các anh đã đến thăm bà. Khi biết thông tin được gặp lại người Việt Nam, bà Luyến đã nhấp nhổm mong ngóng từ sớm mặc dù chưa đến giờ hẹn. Bà mặc một áo phông có in cờ đỏ sao vàng của Việt Nam trước ngực. Gặp các sĩ quan bà xúc động lắm dù không nói được nhiều tiếng Việt, vẫn phải chèn nhiều câu tiếng Pháp. Rồi họ đã kể cho nhau nghe về cuộc sống ở hai nơi. Bà Luyến mong các sĩ quan có thể qua chơi thường xuyên để bà được gặp người Việt Nam và được nói tiếng Việt.

Bà Luyến hiện sống trong căn nhà cấp 4 ở quận 2 của Thủ đô Bangui. Ngoài ra, bà còn có hai cái nhà khác với 6 phòng cho thuê cũng ở Thủ đô Bangui. Từng theo chồng là lính Lê Dương sang Trung Phi từ năm 18 tuổi, đến nay bà đã sống ở đây 69 năm. Bà có 4 người con (1 trai, 3 gái) và có tới 34 đứa cháu và chắt (trong đó có 25 nam và 9 nữ). Đáng chú ý, con cháu bà đều thành đạt trong các nghề: luật sư, hải quan, bác sĩ, thẩm phán… Ai cũng có cơ ngơi riêng với nhà, xe hơi, cuộc sống sung túc tại Pháp và Trung Phi. Chị Amandine còn bán đồ ăn trưa trong Trụ sở của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).

Trong điều kiện đất nước khó khăn, an ninh bất ổn, sinh hoạt thiếu thốn của người dân Trung Phi, bà Luyến vẫn mang trong mình đức tính cần cù, vượt khó của người Việt. Bà nuôi một chuồng gà ta và một chuồng nuôi gà công nghiệp, đồng thời thuê gần 20 người làm đồ ăn hàng ngày để cung cấp cho các nhà hàng trong khu vực với các món bò, dê, gà, cá nướng, hấp, sốt cà chua… Và món đặc biệt nhất vẫn là nem rán. Các thực phẩm và gia vị để làm món Việt Nam bà bảo con cháu mua từ Pháp. Dù con cháu bà không nói được tiếng Việt, nhưng đều được bà dạy làm những món ăn Việt Nam.

Bà Luyến và gia đình đón Tết truyền thống cùng các sĩ quan.


Phẩm chất của phụ nữ Việt

Mỗi lần con cháu từ Pháp về đều mang theo những đồ Việt Nam, vì họ biết bà rất trân trọng, yêu quý những gì thuộc Việt Nam. Ngoài đồ ăn, thực phẩm để làm các món ăn Việt bán tại Trung Phi, bà còn nói con cháu mua những quần áo có nguồn gốc từ Việt Nam. Bà lôi trong tủ ra mấy bộ quần áo được gấp ngay ngắn và khoe “con cháu nó mua quần áo của Việt Nam từ bên Pháp đấy”. Ngay cả cái áo in cờ Việt Nam bà hay mặc cũng được mua từ bên Pháp.

Bà Luyến còn mang ra một túi bột bánh bao đã hết hạn sử dụng từ gần một năm trước và nói đó là bột mua từ Pháp. Khi hỏi bà sao không ăn đi mà để bây giờ hết hạn sử dụng, bà nghẹn ngào:  “bà đã làm bánh nhưng luôn giữ lại một gói làm kỷ niệm. Lâu rồi các cháu nó bận không về được, không có bột mới, nên gói bột này đã hết hạn sử dụng”.

Lần khác đến chơi, bà dẫn các sĩ quan đi xem hết cơ sở của nhà bà. Ở góc sân nhỏ là Shanon - cô chắt gái của bà, đang say sưa làm món nem. Sau buổi học tại trường, cháu đều dành thời gian giúp gia đình, làm các món ăn đã được cụ truyền dạy. Trong nhà là hai khay lớn đầy nem đã cuộn. Từ trong bếp, mùi thơm của món thịt, cá nướng lan ra khắp sân. Hàng ngày, bà đều thuê người làm đồ ăn cung cấp cho nhà hàng quanh khu vực.

Rồi bà đem ra một đĩa nem mời các sĩ quan. Bà muốn họ được thưởng thức món nem Việt Nam tại Trung Phi do chính tay bà làm - món không thể thiếu trong những bữa tiệc sinh nhật của các thành viên trong gia đình hoặc vào các dịp lễ, tết. Có lần tới thăm, bà còn gói cho các sĩ quan mấy con cá nướng, hoặc khay trứng gà để họ cải thiện cuối tuần. Lần khác, các sĩ quan lại mời gia đình bà qua nhà trọ và “chiêu đãi” bằng những món ăn Việt Nam do họ chuẩn bị như phở bò, xôi đỗ xanh, chè đỗ đen-hạt sen… Bà  rất thích và cứ khen ngon mãi.

Vào đúng dịp Noel 2017, các sĩ quan mang biếu bà mấy túi bột bánh bao, túi gạo nếp và chai nước mắm Nam Ngư. Nhìn thấy chai nước mắm bà thốt lên “nước mắm!”. Bà rất vui mừng nhận món quà vì tại Trung Phi không hề có gạo nếp và nước mắm.

Dịp Tết âm lịch vừa qua, các sĩ quan còn chuẩn bị chu đáo một Tết truyền thống và mời bà qua đón Tết. Họ muốn gợi lại ký ức của bà gần 70 năm về trước về một cái Tết với bánh chưng, mâm ngũ quả, cành đào, câu đối tết… mà bà đã rất mong chờ, cố gắng nhớ lại bao năm qua nhưng ký ức cứ nhạt nhoà phai mờ dần.

Sống lại Tết truyền thống

Bà Luyến gửi trứng gà cho các sĩ quan.

Tại buổi đón Tết, bà Luyến lặng người khi thắp nén hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà xúc động nói: “Cảm ơn các cháu đã cho bà cơ hội nhớ lại những ký ức của 70 năm về trước, cho bà được đón một cái tết truyền thống của dân tộc Việt Nam ngay tại Trung Phi, điều mà trước đây bà nghĩ có lẽ đến khi qua đời cũng không bao giờ có được”.

Thay mặt Tổ công tác, Trung tá Lê Ngọc Sơn đã chúc sức khoẻ bà và mọi người, giới thiệu về truyền thống tết của Việt Nam cùng ý nghĩa của các đồ trang trí, các câu chúc tết, các đồ bày trên bàn thờ và các món ăn ngày tết. Thưởng thức các món ăn truyền thống Việt Nam, mọi người đều trầm trồ khen ngon, nhất là món nem rán và bánh chưng. Trong bữa ăn, các sĩ quan cũng chia sẻ về mục đích đến Cộng hoà Trung Phi là góp phần gìn giữ hoà bình, mong xã hội và người dân Trung Phi phát triển.

“Với chúng tôi, bà không những như là một người bà đáng kính trong gia đình, mà còn là một tấm gương giàu nghị lực, chăm chỉ, vượt khó của người phụ nữ Việt Nam. Mong rằng những tháng ngày làm nhiệm vụ để đem lại hoà bình nơi đây cũng là những tháng ngày đem lại niềm vui, kỷ niệm về quê hương cho một người Việt Nam xa xứ”, Trung tá Sơn tâm sự.

Theo THế giới và Việt Nam