leftcenterrightdel
Showroom gian hàng quốc gia Việt Nam tại Trung Quốc của Tiến sĩ Trà My gây ấn tượng với khách tham quan với không gian mang “hồn cốt” Việt. 

Hồn cốt Việt trên đất nước tỷ dân Trung Quốc

Hơn 15 năm sinh sống tại phía Bắc Trung Quốc, TS Trà My mỗi lần ra siêu thị tìm chai nước mắm, lại phải mua hàng Made in Thailand. Và chị quyết định đầu tư xây dựng một Showroom gian hàng quốc gia Việt Nam chính thức tại Trung Quốc.

Hiện tại, showroom đã hỗ trợ cho trên 260 doanh nghiệp Việt Nam và trưng bày 500 dòng sản phẩm Việt. Trong đó, chủ yếu là các hàng nông sản như cà phê, gia vị Việt, trái cây sấy khô hoặc sấy dẻo hay đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ mây tre đan, khăn lụa Hà Đông, đệm gối cao su thiên nhiên của Việt Nam.

Showroom còn thiết kế khu giới thiệu về 10 địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam ta trải dài từ Bắc tới Nam. TS Trà My chia sẻ, từ khi khai trương đến nay, showroom đã đón trên 5.000 đoàn khách đến thăm. Trong đó chủ yếu là những đoàn khách doanh nghiệp phía Bắc Trung Quốc muốn tìm kiếm nguồn hàng của Việt Nam. Bên cạnh đó, showroom cũng phục vụ cho người dân bản địa và những khách du lịch đến thành phố biển Yên Đài.

Mặc áo dài biểu diễn võ thuật cổ truyền cho bạn bè quốc tế

Hình ảnh chị Mỹ Duyên mặc áo dài biểu diễn võ thuật gây ấn tượng mạnh với người xem tại Lễ hội các dân tộc ở Borgomanero trung tuần tháng 5/2023 tại Milano, Italia. Được biết, chị và chồng Zucca Riccardo, thuộc môn phái Thanh Long Võ Đạo đang hàng ngày quảng bá môn võ cổ truyền Việt Nam tại Italia.

Hiện ở Italia có 5 võ đường đang trực tiếp dạy môn phái Thanh Long Võ Đạo với gần 100 học viên theo học tại các thành phố khác nhau. Mỹ Duyên và chồng Zucca Riccardo trực tiếp dạy 3 võ đường, 2 võ đường còn lại là học trò lâu năm của môn phái phụ trách. Võ sinh nhỏ nhất của võ đường mới 4 tuổi và lớn nhất hơn 60 tuổi, đa phần là người Italia. Các võ đường hoạt động vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6. Thứ 7, Chủ nhật là những ngày tập huấn dành cho các huấn luyện viên, võ sư.

Chị Mỹ Duyên cho biết, người dân Italia rất thích võ thuật Việt Nam, nên hai vợ chồng chị hy vọng võ thuật Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trong những năm qua tại Anh, 2 cô bé Emily Nguyễn và Anna Hoàng đã giới thiệu nhiều bộ sưu tập áo dài truyền thống và hiện đại tới giới thời trang tại Anh. Các bộ sưu tập Love Áo Dài, All My Love, Những sắc màu đáng yêu đều nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn bao gồm các giám đốc chương trình, nhà thiết kế, người mẫu nhí và sự yêu thích của khán giả quốc tế. Sự kết hợp các công trình nổi tiếng ở Anh như đồng hồ Big Ben và cánh cổng làng ở Việt Nam của hai cô bé là ý tưởng rất sáng tạo, thông minh.

leftcenterrightdel
Áo Dài Việt Nam rực rỡ trước cung điện Buckingham UK. 

Sắp tới, Emily và Anna có dự định ước mơ lớn hơn là đưa các thiết kế áo dài của mình đến nhiều nước trên thế giới để giới thiệu vẻ đẹp về văn hoá , đất nước con người Việt Nam thông qua thời trang.

Đưa ẩm thực Việt ra khắp năm châu

Ở tỉnh Udonthani hay bất cứ đâu trên đất Thái Lan, khi nhắc đến tên Hồ Văn Lâm có thể nhiều người chưa biết, nhưng nói đến Thương hiệu “VT nem nướng” không chỉ người Việt mà đến những thực khách Thái cũng không còn xa lạ.

Ông Hồ Văn Lâm là Việt kiều đời thứ 3 tại Thái Lan. Ông là chủ của khu ẩm thực rộng hơn 6 héc ta, hàng ngày nườm nượp khách ra vào này. Trung tâm ẩm thực kết hợp với thương mại bán hàng Việt nam từ các mặt hàng thời trang: là quần áo, nón lá và đặc biệt là áo dài, cho tới các sản phẩm gia dụng Việt như: chén bát, đồ lưu niệm và đặt tên từng phòng ăn hạng VIP là: Sài Gòn, Hà Nội, Huế….

leftcenterrightdel
Người dân Thái Lan thưởng thức ẩm thực Việt Nam. 

Không chỉ nổi tiếng tại địa phương, thương hiệu VT nem nướng có đến 40 cửa hàng trên các tỉnh tại Thái Lan, xuất hàng sang cả Singapore và Lào.

Nem nướng không chỉ mang lại tiếng thơm cho người Việt trên đất Thái mà đó còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực Việt đang được cộng đồng quốc tế đón nhận. Thông qua món ăn nổi tiếng này, người Thái có được cái nhìn đa chiều hơn về ẩm thực truyền thống của Việt Nam.

“Tôi muốn giới thiệu tới người dân Thái và khách quốc tế rằng Việt Nam không chỉ có món ăn ngon mà còn có những miền di sản, phong cảnh đẹp, có những địa danh mê đắm lòng người như: Huế, Sài Gòn, Hà Nội, Hạ Long; là những tà áo dài thướt tha, nón lá yêu kiều. Bên cạnh đó là tinh thần vươn lên của người Việt và đời sống văn hóa phong phú của người Việt”.

Tiếng Việt – nhịp cầu kết nối văn hóa Việt với thế giới

Là thế hệ thứ hai sinh ra, lớn lên tại Tân Chúc, Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) nhưng Phạm Ngạn Cẩn (13 tuổi) có thể nói tiếng Việt lưu loát, thậm chí có thể ca hát, đọc thơ, hiểu biết các phong tục tập quán của người Việt Nam. Có được thành quả trên là nỗ lực rất lớn của chị Phạm Mỹ Dung – mẹ của Cẩn.

Chị Mỹ Dung chia sẻ, năm 2000, khi mới sang Đài Loan, để hòa nhập với cộng đồng, chị cùng các chị em người Việt đi làm tình nguyện viên trong các trường đại học cộng đồng, trung tâm văn hóa của từng khu vực. Trong các hoạt động chăm sóc, tạo niềm vui cho người già, chúng tôi tổ chức dạy hát, dạy tiếng Việt cho họ.

leftcenterrightdel
Chị Phạm Mỹ Dung kể về Tết trung thu Việt Nam trong một tiết học tiếng Việt. 

“Chúng tôi cũng chuẩn bị các trang phục Việt Nam để mỗi khi có các hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt, chúng tôi sẽ chia sẻ, mời các bạn Đài Loan cùng mặc thử, tìm hiểu, trải nghiệm trang phục truyền thống của người Việt.

Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Đài Loan tương đối lớn (khoảng 470.000 người, bao gồm cả cô dâu Việt, lao động, tân di dân - theo số liệu của Tổng hội Việt kiều tại Đài Loan –PV). Việc giúp người già hiểu được tiếng Việt để họ có thể giao tiếp với con dâu, kết nối tình cảm, rút ngắn khoảng cách ngôn ngữ trong gia đình được chính cộng đồng người Đài Loan có con dâu Việt Nam đánh giá cao”, chị Dung chia sẻ.

Năm 2012, chị Phạm Mỹ Dung thành lập Hiệp hội quảng bá và phát triển văn hóa Tân di dân huyện Tân Trúc. Hiện Hiệp hội có 500 hội viên đến từ các nước ASEAN trong đó có tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa, ẩm thực và dạy tiếng Việt. Theo chị Dung, ở Đài Loan, tiếng Việt là ngôn ngữ được nhiều người theo học hơn so với các ngôn ngữ khác… Qua mỗi buổi dạy tiếng Việt những người dân xứ Đài có dịp hiểu hơn về văn hóa, phong tục của người Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước NVNONN Mai Phan Dũng cho biết: Hiện có 5,3 triệu NVNONN sinh sống và làm việc tại 130 nước và vùng lãnh thổ. NVNONN đều phải được gây dựng và trợ giúp để trở thành những "Đại sứ văn hóa Việt Nam" ở nước ngoài. Thông qua những vị Đại sứ này, chúng ta sẽ đạt được thành tựu và hiệu quả cao nhất trong công việc quảng bá văn hóa Việt Nam ở các nước sở tại”.

Theo thoidai