|
|
Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Trí Dũng. |
Những dự án của tấm lòng
Chúng tôi gặp Việt kiều Nguyễn Trí Dũng ở một khu vườn có gắn biển “vườn Minh Trân” . Ông có dáng người hơi gầy, nói nhỏ. Ông giới thiệu khu vườn thiết kế theo ý tưởng làng quê ba miền Bắc – Trung – Nam thu nhỏ với những chiếc lu nước xếp dưới hàng cây cổ thụ, ngôi nhà cổ Huế, nhà sàn Tây Nguyên, bàn ghế tre, hoa sen mộc… Khu vườn là một không gian sinh thái sáng tạo văn hóa, giáo dục, khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học - công nghệ. Ông đặt tên là Vườn ươm giấc mơ Việt Nam...
Hiện nay, mỗi năm khu vườn tiếp khoảng 2.000 lượt khách là các nhà trí thức, nhà khoa học đến thảo luận các sáng kiến để ứng dụng ở Việt Nam. Từ vườn ươm này nhiều ứng dụng đã đi vào thực tế giúp Việt Nam phát triển hơn.
Theo đuổi khát vọng thúc đẩy những giá trị tốt đẹp ở quê nhà, ngoài dự án Vườn ươm giấc mơ Việt Nam, năm 1988 ông Dũng lập mạng lưới kết nối Nhật - Việt Nam JAVINET nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về kỹ thuật, chuyên viên, mô hình, kinh nghiệm sản xuất... như hệ thống tư duy Kaizen, 5S... Nhờ mạng lưới này nhiều doanh nghiệp cải thiện được năng lực, có cơ hội xuất khẩu.
Việt kiều Nguyễn Trí Dũng sống tại Nhật Bản từ năm 1967. Ông là một điển hình của phong trào Kiều bào về nước đầu tư. Với ông và như nhiều bà con khác, đầu tư về nước thường tập trung vào những lĩnh vực nâng cao trình độ, mức sống, sinh thái của nhân dân. Họ không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Đồng thời dồn tâm sức, nguồn lực cao nhất để thực hiện ước mơ đóng góp cho quê hương.
Giống câu chuyện trên, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - kiều bào ở Canada đã về nước khởi nghiệp ở tuổi 60 với mong ước góp phần cải thiện đời sống nông dân quê mình. Công ty RYNAN Technologies của ông Mỹ tại Trà Vinh, sản xuất phân bón thông minh, phần mềm thông minh đo độ mặn của nước, điều khiển tưới tiêu và đánh giá ô nhiễm môi trường. Công nghệ mới này được giới chuyên môn đánh giá đã góp phần vực dậy nền nông nghiệp của các tỉnh bị nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện cả nước đã có 365 dự án của kiều bào đầu tư tại 27 tỉnh/thành.
Ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, đầu tư tại Việt Nam khẳng định nhiều giá trị, đó là quê nhà, nỗ lực và sáng tạo. Ông cho rằng, việc cùng ngôn ngữ, văn hóa đã có 50% cơ hội thành công cho doanh nghiệp. Hơn nữa, hiện nay Chính phủ đã và đang tạo nhiều cơ chế thuận lợi để đầu tư tại Việt Nam.
“Bầu bí” thương nhau
Chiều ngày 29/1/2021, doanh nhân Việt kiều Canada, gốc Hải Dương, Chủ tịch HĐQT công ty Đại Sơn - ông Nguyễn Hoài Bắc nhận được điện thoại của lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa phương. Khó khăn là thiếu địa điểm làm khu cách ly tập trung, thành lập bệnh viện dã chiến, mong ông giúp đỡ. Sau 5 phút trao đổi nội bộ, ông Nguyễn Hoài Bắc đồng ý. Lập tức, trụ sở Trường Trung cấp nghề Việt Nam - Canada (Chí Linh, Hải Dương) thuộc sở hữu của Công ty Đại Sơn đã trở thành nơi cách ly tập trung cho công nhân của Công ty TNHH Điện tử Poyul Việt Nam.
Tiếp theo, ông Bắc kêu gọi bạn bè giải cứu nông sản và ủng hộ nông dân một số xã, huyện ở Hải Dương 1 tỷ đồng. Thời gian sau ông liên tục giúp tiền, vật chất cho các tỉnh Ninh Thuận, Bắc Ninh, Bắc Giang chống đỡ dịch bệnh
“Chia lửa” cùng quê mẹ
Giữa năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam. Ngày 15/6/2014, tại Berlin (Đức), khoảng 7.000 người Việt và bạn bè quốc tế tham gia biểu tình, tuần hành phản đối hành vi này.
Cùng thời điểm, rất đông người Việt Nam ở Frankfurt đã biểu tình. Ai cũng mặc trên mình những trang phục màu đỏ thắm để thể hiện màu cờ tổ quốc. Mọi người mang băng-rôn, cờ, biểu ngữ, những câu khẩu hiệu và tấm lòng chia lửa với quê nhà để biểu tình.
Việt kiều tại Ý, Séc, Úc và Pháp cũng nhất tề xuống đường ủng hộ chủ quyền đất nước.
|
|
Anh Trần Thắng, Việt kiều Mỹ sở hữu bộ sưu tập gồm 150 bản đồ và Atlas chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. |
Về tình yêu biển đảo và quyết tâm đấu tranh, bảo vệ chủ quyền tổ quốc thì câu chuyện đáng khâm phục nhất là bộ sưu tập bản đồ Hoàng Sa của anh Trần Thắng, Việt kiều Mỹ. Bộ sưu tập gồm 150 bản đồ và Atlas. Trong đó có ba sách Atlas của nhà nước Trung Hoa dân quốc, Phái bộ truyền giáo London và 80 bản đồ Tây phương do 50 nhà xuất bản ấn hành. Điểm chung của những tấm bản đồ này là nó chỉ rõ miền Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam, còn hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thì thuộc Việt Nam. Ngoài ra, có 50 bản đồ Hoàng Sa và 20 bản đồ cổ của các nước thể hiện Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Anh Thắng gửi tặng toàn bộ cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng.
Anh Thắng kể, cuối tháng 7/2011 anh đã tìm khắp thị trường và thấy có người rao bán vài tấm bản đồ cổ của Tây phương về lãnh thổ của Trung Quốc. Anh liên hệ mua lại. Tuy nhiên, do giá các cuốn sách cổ (bản đồ cổ Tây phương là bản đồ nằm trong sách) này rất đắt. Không đủ tiền, anh Thắng kêu gọi đóng góp. Việc này được thực hiện bí mật, phòng khi thông tin lan rộng người khác mua mất. “Trong 2 tuần chờ tiền tôi rất hồi hộp. Ngày nào cũng đi làm về sớm xem sách còn trên mạng không. Khi cầm được sách trên tay tôi mới thanh thản”, vị kỹ sư trải lòng.
Mua được bản đồ quý, anh kiểm tra, ghi chép tỉ mỉ các thông tin, làm khung, bọc giấy kính bảo quản. Từ đó anh bắt đầu giới thiệu cho công chúng Việt Nam và nước ngoài biết về Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Toàn bộ hình ảnh về bộ sưu tập này được lưu lại tại trang web http://www.ivce.org/ của Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ.
Ông Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng khẳng định đó là những tấm bản đồ quý, đang rất cần cho công tác nghiên cứu, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Giữ gìn hồn cốt quê hương
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Nga (Việt kiều Pháp) được nhiều người nhắc đến với dự án Bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên. Dự án này gồm 5 hạng mục. Cải tạo thành cầu đi bộ và Bảo tàng ký ức thế kỷ XX. Khôi phục cầu nguyên trạng, tạo không gian 12.500m² để trưng bày ký ức các cuộc đấu tranh vệ quốc của dân tộc.
|
|
KTS Nguyễn Nga rất tâm huyết với Dự án bảo tồn cầu Long Biên. |
Hai bên thành cầu được nới rộng tạo không gian đi bộ. Cầu chỉ sử dụng năng lượng xanh từ mặt trời, gió và nước sông Hồng.
Điểm nhấn thứ 2 là Phố nghề nghệ thuật. Trong đó 130 vòm cầu cạn đang bịt kín sẽ được mở ra làm 130 cửa hiệu giới thiệu 100 làng nghề Việt Nam và 30 làng nghề quốc tế. Nằm trên 130 vòm cầu cạn là một vườn treo nối cầu Long Biên đến ga Hàng Cỏ, để du khách du ngoạn và ngắm cảnh.
Thứ 3 là bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành Công viên Trung tâm (Centre Park). Đây sẽ trở thành lá phổi của Thành phố, nơi dạo chơi của người dân và khách du lịch, hoặc tổ chức những sự kiện quốc tế lớn. Tại đây có bảo tàng nông nghiệp quốc gia, khu nuôi tằm, dệt lụa, khu biểu diễn nhạc ngoài trời...
Hạng mục thứ 4 là Tháp Sen 9 tầng, một bảo tàng nghệ thuật đương đại và cũng là tác phẩm biểu tượng quốc hoa Việt Nam.
Hạng mục thứ 5 là bảo tàng cổ vật Việt Nam trong tháp nước Hàng Đậu. Giữ nguyên hiện trạng tháp nước, trưng bày theo chủ đề, theo niên đại.
Bà Nga kể: Tôi đã phải bán cả tài sản để thực hiện dự án. Nhưng tôi đã dành nửa cuộc đời để theo đuổi nó nên không dừng lại. Hiện nay nhóm thực hiện dự án đã xây dựng xong nghiên cứu tiền khả thi.
“Dự án khai thác cầu Long Biên trở thành Bảo tàng lịch sử cận đại do KTS Nguyễn Nga khởi xướng độc đáo và có giá trị nhân văn, cần được phát triển, thực hiện” – Thạc sĩ, KTS Lã Kim Ngân (Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội).
Theo thoidai