|
|
Giá cả thực phẩm tại Australia tăng mạnh dưới tác động của lạm phát. Ảnh minh họa:Upsplash. |
Hà Đặng (23 tuổi, du học sinh tại Đại học Deakin - Melbourne, Australia) cảm nhận sự thay đổi giá cả rõ rệt khi đi chợ trong khoảng hơn một tháng nay. Một số mặt hàng như rau củ tăng khoảng 30%, thậm chí nhiều loại như chuối, khoai tây cũng bị cháy hàng.
“Mọi thứ đều tăng giá, mà tăng ngày càng nhiều chứ không ít, một cốc cà phê tại khu mình sống hiện cũng tăng vài chục xu", Hà Đặng chia sẻ với Zing.
Thực phẩm tăng giá
Tại một siêu thị ở Melbourne (Australia), một gói khoai tây chiên được bán với mức giá 7,6 AUD - cao hơn 71% so cùng kỳ năm 2020, Straits Times đưa tin.
Là du học sinh tại thành phố này, Minh Đức (23 tuổi) phải thốt lên “rau đắt hơn thịt". Sống tại Melbourne từ năm 18 tuổi, chi phí ăn uống của Đức tăng dần theo từng năm, thực phẩm ngày một đội giá, nhất là khi lạm phát tăng cao, biến đổi khí hậu tàn phá mùa màng khiến giá rau củ tăng nhiều nhất.
“Tiền ăn của mình tăng dần, mới đầu là 300 AUD/tháng, đầu năm ngoái mình nhớ là 600 AUD/tháng, còn hiện tại đã lên khoảng gần 1.000 AUD/tháng. Đây là chi phí lớn bởi sức mình ăn khá nhiều”, Đức nói và cho biết rau là thứ cậu cắt giảm nhiều nhất trong bữa ăn hàng ngày.
Thay vào đó, cậu ăn bổ sung một số loại hoa quả có giá thấp hơn và dùng thêm các loại chất xơ xay nhuyễn đóng gói.
Tương tự, sống tại Sydney 6 năm, anh Trần Phúc (26 tuổi) cho biết giá thực phẩm tại khu vực anh sống tăng mạnh nhất trong vài năm gần đây.
“Trước đây, với 40-50 AUD, mình đủ mua thực phẩm trong một tuần. Nhưng hiện tại, cùng số tiền đó, mình chỉ đủ mua cho 2-3 ngày. So với năm 2020, giá thịt, cá tăng khoảng 30%, còn rau củ tươi tăng mạnh, mình nghĩ phải khoảng 50%”, anh Phúc cho biết.
Theo anh Phúc, một số loại rau người Việt hay ăn như bắp cải, cải thảo thường có giá cao hơn do trái mùa, nhưng hiện tại, mức tăng còn cao hơn trước đây. Vì vậy, nhiều du học sinh, cũng như người bản xứ, thường sử dụng rau đông lạnh vì rẻ nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng.
|
|
Hà Đặng thường lên kế hoạch trước khi đi mua thực phẩm, kết hợp mua tại cả chợ và siêu thị để có mức chi hợp lý. Ảnh:NVCC. |
Tính toán cẩn thận khi đi chợ
Trong khi đó, sống theo chế độ ăn chay, Hà Đặng cũng phải cân đo cho mỗi lần đi mua thực phẩm. Nữ sinh cho biết nếu mua đồ hoàn toàn trong siêu thị, giá sẽ rất đắt. Vì vậy, cô thường kết hợp đi cả các chợ châu Á, giá sẽ thấp hơn một chút.
Trước khi đi mua thực phẩm, Hà cũng phải cân đối số lượng thực phẩm, giới hạn tiền chi tiêu để điều phối đủ chi phí trong một tháng.
“Mình thường xem lại tuần vừa rồi mua gì. Ví dụ, nếu tủ vẫn còn rau, mình sẽ mua thêm củ quả để đa dạng. Nếu loại rau đó đắt quá, mình xem xét có đáng để mua hoặc có lựa chọn thay thế nào. Mình cũng hay mua các loại rau có thể chế biến thành nhiều món hoặc có thể chia nhỏ sử dụng trong nhiều ngày", Hà kể.
Tương tự Phúc, Hà cũng thường xuyên mua rau củ đông lạnh để tiết kiệm chi phí, dù chất lượng không thể bằng đồ tươi.
Tuy nhiên, Hà cho biết gần một tháng nay, khoai tây chiên đông lạnh vốn là thứ dễ mua nhất tại Australia cũng thường xuyên cháy hàng. Chuối, dưa hấu thường rất rẻ nhưng hiện tại, giá cũng rất đắt.
“Có hôm, mình cần chuối để tăng protein cho bữa ăn. Tuy nhiên, chuối mắc quá, mình thấy không đáng khi bỏ số tiền lớn để mua chuối mà chỉ để xay detox. Thay vào đó, mình mua chuối đông lạnh sẽ hợp lý hơn", Hà kể.
Ngoài ra, Hà còn thay nấm - loại thực phẩm thường có trong bữa ăn chay trước đây - thành củ sen đông lạnh để có thể dự trữ lâu hơn. Bên cạnh đó, tận dụng mùa nào thức nấy, Hà chủ động điều chỉnh sử dụng rau củ theo mùa để tươi và rẻ, thay vì chỉ ăn rau châu Á.
Tương tự, Minh Tùng (23 tuổi, du học sinh tại Sydney) cho biết mỗi lần đi siêu thị, cậu phải để ý và chọn lọc các mặt hàng có giá cả phù hợp. Hiện, cậu phải chi thêm 30 AUD/tuần cho thực phẩm, đẩy chi phí ăn uống lên 100-150 AUD/tuần.
“Có đợt, rau xà lách tăng gấp 3-4 lần. Mình thường thay thế bằng bắp cải và lên trước thực đơn với những loại rau khác có giá cả hợp lý”, Tùng chia sẻ.
Ngoài ra, Tùng cũng chọn đi các khu chợ rẻ hơn, dù phải mất 30 phút đi tàu. Điều này giúp cậu tiết kiệm khoảng 10-20 AUD trên tổng hóa đơn.
Tìm cách tăng thu nhập
Vật giá tại Australia ngày một cao, cùng với tiết kiệm, Hà và Đức tăng thu nhập bằng cách tăng giờ làm thêm.
Hà Đặng cho biết hiện tại, cô đang làm công việc bán thời gian 33 giờ/tuần. Một tuần, cô đi làm 3 ngày, 11h-22h. Ngoài ra, cô cũng nhận thêm công việc thời vụ tại các trường đại học và giảm đi chơi, ăn uống ngoài hàng, hạn chế mua sắm các khoản không cần thiết.
“Từ cuối tháng 12/2022, mình tăng giờ làm thêm. Trước đó, mình chỉ làm tối đa 20 giờ/tuần. Nhìn chung, giá tăng song mình vẫn kiểm soát được thu chi, thỉnh thoảng vẫn có dư dù không nhiều", Hà chia sẻ.
Tương tự, xác định nếu làm công việc chạy bàn, phục vụ 20 giờ/tuần, Minh Đức không đủ chi tiêu sinh hoạt. Vì vậy, cậu thay đổi công việc, 30 giờ/tuần, cậu làm nghiên cứu và trợ giảng tại trường đại học. Tuy nhiên, tùy thời điểm mà mức lương nhiều hay ít, Đức cũng chỉ đủ chi tiêu chứ không thể dư ra.
Trong khi đó, bận đi học, Minh Tùng cũng cố gắng làm thêm gần 20 giờ/tuần. Thu nhập hiện tại của cậu chỉ đủ đóng tiền thuê nhà, những chi phí sinh hoạt khác vẫn cần sự hỗ trợ từ gia đình.
Trong khi đó, ngoài công việc đang làm, Trần Phúc tăng thu nhập bằng cách làm thêm công việc bán hàng online. Thu nhập thêm từ công việc này đủ để anh chi trả tiền ăn uống hàng tháng.
Theo zingnews