Ngày 30/9, đài NHK Nhật Bản phát bản tin dài hơn 2 phút giới thiệu về chàng trai Việt có tên Lê Thanh Hiệu đam mê nấu món ăn tí hon và quay Vlog. "Sau một năm thực hiện, số lượng món ăn siêu nhỏ, bé bằng đầu ngón tay Hiệu làm đã hơn 100, rất công phu và tỉ mỉ", bản tin cho biết.
Sau đó một ngày, đài Nippon TV cũng nói về những món ăn của chàng kỹ sư công nghệ thông tin quê Quảng Ngãi, đang làm việc tại tỉnh Kanagawa (Nhật Bản). Đài này còn giới thiệu kênh YouTube của anh đạt hơn 110.000 người theo dõi, trong đó 75% là người Nhật.
Ý tưởng làm các món ăn kích thước siêu nhỏ đến với Lê Thanh Hiệu, 31 tuổi cách đây hai năm sau lần xem một video nấu ăn siêu tí hon trên mạng.
“Tôi thích nấu ăn. Hơn nữa những món ăn siêu nhỏ ít người làm nên tôi nghĩ sẽ được đón nhận”, Hiệu nói.
Tháng 12/2019, Hiệu bắt tay vào làm món ăn tí hon đầu tiên. Đó là món bánh chưng nhằm giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam tới người Nhật. Sau đó anh làm thêm một số món ăn cổ truyền khác như canh khổ qua, phở, bánh cuốn...
Dụng cụ nấu ăn được đặt mua tại cửa hàng miniature chuyên dụng tại Nhật và nước ngoài. Dù nhỏ nhưng giá thành khá cao. Ví dụ một cái nồi kim loại tinh chế có giá 400.000 đồng, cao hơn giá nồi cỡ thường. Những món đồ không tìm mua được, Hiệu thường tự làm. Cách đây không lâu, anh mua một chiếc đĩa nhôm về chế tạo khuôn làm bánh cuốn vì kiếm không ra.
Không phải làm bếp chuyên nghiệp nhưng anh có đam mê nấu nướng từ bé. Nhưng việc nấu những món tí hon khó hơn món thông thường rất nhiều. “Đa phần tôi chỉ ước lượng bằng mắt và dựa theo kinh nghiệm bản thân”, Hiệu nói.
Thời gian đầu chưa quen, nguyên liệu quá ít hoặc quá nhiều, thành phẩm ra đời không được ưng ý. Cũng bởi dụng cụ bé, khi thất lạc rất khó tìm. hay nồi dầu chiên chỉ cần lỡ tay đụng nhẹ đã văng tung tóe.
Việc tìm kiếm nguyên liệu cũng là vấn đề đau đầu với chàng trai. Ở Nhật, những loại rau củ cỡ bé rất khó mua. Có những loại không tìm được ở siêu thị, Hiệu tự trồng tại nhà như cà tím, táo, dưa chuột hay thanh long mini. Với những thực phẩm khác, anh thường mua trực tuyến. Mỗi lần mua phải tính theo cân, dù quay video chỉ sử dụng số lượng rất nhỏ.
Trong ảnh là táo mini Hiệu tự trồng tại nhà.
Thời điểm đầu Hiệu dùng than để đun nấu. Nhưng một lần làm bánh bamkuchen (một loại bánh cuộn), do lửa than quá nóng nên làm cháy đen sàn bếp, từ đó anh chuyển sang dùng nến. Việc điều chỉnh lửa khi đun nấu thức ăn siêu nhỏ cũng là một thách thức.
Ví dụ món Takoyaki của Nhật với đường kính 5 mm, chỉ dùng hơi nóng rất nhẹ để nướng, không được dùng lửa trực tiếp sẽ khiến bánh nhanh cháy. Để làm món ăn này, Hiệu phải dùng bạch tuộc cỡ nhỏ kèm với những cọng hành tí xíu. Khuôn sử dụng cho món ăn được anh đánh giá “bé nhất thế giới”, đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao độ.
Mỗi video ra đời đều phụ thuộc vào nguyên liệu tìm được nên Hiệu không lên trước kịch bản. Mỗi khi tìm được thực phẩm phù hợp, anh mới tìm công thức nấu ăn liên quan và bắt đầu nấu nướng, quay video.
Đặt tiêu chí món ăn “dù nhỏ nhưng ngon” nên anh luôn tuân thủ tất cả các bước. Mỗi lần quay cũng thay đổi không gian bếp, tạo nên sự mới mẻ cho người xem. Trong gian bếp của Hiệu thường xuất hiện những chú búp bê dễ thương. "Giống như chơi đồ hàng hồi nhỏ", anh cười nói.
Chỉ có một mình, mỗi lần quay video mất 3-5 tiếng, cộng thêm thời gian để chỉnh sửa nên Hiệu chỉ quay một lần duy nhất. Những video đầu tiên ra đời, khán giả nhận xét lẫn nhiều tạp âm và màu sắc hơi đậm, Hiệu đã thay đổi micro và tùy chỉnh màu sắc phù hợp.
“Thời điểm đầu thực hiện video, hình ảnh và nội dung rất ngây ngô, cách đặt bố cục không đẹp, thành phẩm cuối cùng không được như ý muốn. Nhưng nó lại rất ý nghĩa để tôi học hỏi và thay đổi, cố gắng cho tới tận bây giờ”, chàng trai nói.
Lúc đầu lượng view cho mỗi video rất thấp, thậm chí có video up lên chẳng ai xem nên Hiệu nhụt chí, từng có ý định từ bỏ. Sau này, ngoài kênh YouTube, anh còn đăng video trên nhiều nền tảng khác nhau, được khán giả biết tới rộng rãi hơn.
Khi nổi tiếng hơn, nhiều khán giả đất nước mặt trời mọc nhắn tin với chàng trai Việt nói tối nào họ cũng xem video của anh trước khi đi ngủ để thư giãn. “Tôi rất vui vì làm cho mọi người thấy hạnh phúc”, Hiệu nói.
Nhận được sự chú ý từ truyền thông Nhật Bản, Hiệu nói đây là niềm tự hào không phải người Việt ở Nhật nào cũng có được. Chàng trai này cũng mong muốn, kênh nấu món siêu nhỏ của mình sẽ góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Theo vnexpress