leftcenterrightdel
 

Lên đường du học sau khi tốt nghiệp trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trần Vũ hiện làm chuyên viên tư vấn mua bán sáp nhập tại Macquarie-tập đoàn dịch vụ tài chính và quản lý quỹ hàng đầu của Australia, văn phòng tại New York.

Cố gắng là người "dũng cảm nhất"

Từng là du học sinh ngành Kế toán và Tài chính tại Villanova University, Pennsylvania, Vũ bắt đầu chinh phục “giấc mơ Mỹ” bằng kỳ thực tập tại tập đoàn PricewaterhouseCoopers LLP New York (PwC) – một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay cùng với Deloitte, Ernst & Young và KPMG (hay còn gọi là Big4).

Tuy nhiên, Vũ cho rằng, mỗi giai đoạn sẽ có những khó khăn khác nhau, đòi hỏi những kỹ năng khác nhau để vượt qua.

Thời điểm mới bước chân sang Mỹ – lúc ấy chàng trai Hà Nội 18 tuổi, mang bao ước mơ và hoài bão vô cùng bỡ ngỡ khi phải tập quen dần với môi trường học tập nước ngoài. Anh nhớ lại: “Các bạn sinh viên người bản xứ ở đây rất năng động, đã quen môi trường và giao tiếp tốt, nhiều bạn gia đình có bố mẹ làm ngành liên quan hay có nhiều quan hệ nên họ có những lợi thế hơn mình”.

Thời điểm bắt đầu đi làm ở PwC, dù đã dần quen với môi trường làm việc ở nước ngoài, song Vũ vẫn phải tự học tập những kỹ năng văn phòng, học cách cân bằng công việc và cuộc sống riêng, đồng thời xây dựng các mối quan hệ cho bản thân.

Sau khi tốt nghiệp, Vũ quay lại làm việc chính thức ở vị trí tư vấn tài chính của PwC trong vòng hai năm rưỡi trước khi chuyển sang Macquarie.

Là nhân viên kỳ cựu bốn năm của Macquarie, Vũ cho biết, anh cảm thấy rất áp lực bởi sự kỳ vọng cao của cấp trên và khách hàng. Anh chia sẻ: “Ngành ngân hàng đòi hỏi sự toàn diện về cả kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm, thiếu một trong hai thì không thể thăng tiến được. Chưa kể, đây là công việc chịu áp lực thời gian – tùy theo thương vụ, nhiều thứ yêu cầu phải làm trong thời gian sớm nhất có thể. Có khi mình nhận email lúc 9h tối và làm việc cho đến sáng”.

Với công việc hiện tại, anh bắt buộc phải nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý đào tạo. Sau bao năm trong nghề, nếm trải nhiều khó khăn, Vũ hay nói với mọi người rằng, mình không phải là người giỏi nhất hay thông minh nhất, nhưng sẽ cố gắng là người “dũng cảm nhất” mỗi khi làm điều gì đó. Môi trường ở Mỹ thực sự rất áp lực. Từ hồi sinh viên đến lúc đi làm, ngoài sự chuẩn bị tốt và một thái độ liều lĩnh thì cần có sự hỗ trợ từ gia đình, những người bạn hoặc những tiền bối đi trước.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 cũng đã làm ảnh hướng rất nhiều đến công việc của Vũ. Là người làm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính, Vũ cho biết bản thân phải đảm nhiệm khá nhiều công việc sau khi dịch bệnh dần ổn định trở lại bởi có khá nhiều nhân viên nghỉ việc. Đương nhiên, anh vừa phải đảm nhiệm thay công việc của họ, vừa phải phụ trách công việc tuyển nhân sự mới.

Trưởng thành cùng dự án cộng đồng

Hành trình lập nghiệp tại Mỹ đầy áp lực như vậy nhưng từ cuối năm 2018, chàng trai Việt đã đồng sáng lập tổ chức Vietnam Finance Society (VFS) cùng với hai đồng nghiệp cũ ở PwC.

Nói về việc thành lập tổ chức, Vũ cho biết: “Theo tôi quan sát, có rất ít người Việt làm trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ. Hơn nữa, tôi nhận thấy chưa có một hệ thống hoàn chỉnh nào có thể giúp đỡ các sinh viên muốn làm về tài chính và giúp đỡ cộng đồng người Việt đang làm trong lĩnh vực này có nhu cầu thăng tiến nhưng thiếu các kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong môi trường ngân hàng.

Vì vậy, tôi muốn lập ra một tổ chức để mọi người có thể cùng học hỏi, tìm hiểu, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển hơn trong ngành này”.

Từ năm 2018-2021, anh tích cực tham gia xây dựng và điều hành tổ chức VFS. Năm 2021, anh chuyển giao trọng trách quản lý VFS cho các cộng sự thân cận và bước sang một dấu mốc khác trong hành trình hoạt động cộng đồng của mình bằng việc đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Career Opportunities in Vietnam (COVN) cùng với một người bạn ở Việt Nam.

Tổ chức COVN được thành lập năm 2021, sau khi Vũ rời VFS để tạo điều kiện cho thế hệ sau tiếp tục xây dựng. Tương tự mục đích giúp đỡ và kết nối người Việt ở nước ngoài, COVN mang sứ mệnh giới thiệu cơ hội việc làm ở Việt Nam cho các bạn du học sinh ở nước ngoài, đồng thời là cộng đồng để các du học sinh quyết định về Việt Nam đóng góp cho quê hương có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các thế hệ sau.

Vũ nhận thấy thành tựu lớn nhất khi thành lập nên VFS là tạo ra được văn hóa “cho đi” và “xây dựng quan hệ”. Những sinh viên trước đó đã được giúp đỡ để xin việc thành công trong ngành tài chính sẽ trở thành những người hướng dẫn cho các sinh viên khác muốn theo đuổi con đường này. Anh vô cùng tự hào khi thấy thành công cũng như sự trưởng thành của các bạn sinh viên sau khi tham gia VFS.

Hiểu được cảm giác rụt rè, bỡ ngỡ và cần có người hướng dẫn của những bạn sinh viên năm nhất, anh biến điều này thành động lực xây dựng nên các dự án cộng đồng dành cho sinh viên.

Ngoài ra, Trần Vũ vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động khác nhau của Hội Thanh niên Sinh viên tại Mỹ với vai trò thành viên của Ban tổ chức, cố vấn hay là dẫn chương trình. Là một trong số những người Việt luôn tiên phong xây dựng các hoạt động kết nối cộng đồng học sinh - sinh viên Việt Nam, anh cho hay mình rất biết ơn vì các hoạt động này đã giúp anh trưởng thành lên từng ngày trên đất Mỹ.

Theo baoquocte