leftcenterrightdel
 Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Đặng Minh Khôi thăm gian hàng Việt Nam tại Trung tâm Thương mại Hà Nội-Moscow.

Lao động Việt Nam được ưa chuộng

Tổ hợp chế biến thịt Velikylucky Kombinat là một doanh nghiệp lớn thứ năm về chế biến thịt lợn toàn nước Nga, nằm ở Vùng Pskov, phía Tây Bắc nước Nga thường xuyên thiếu lao động và phải thu hút nhân lực nước ngoài với số lượng lớn. Hiện nay tại đây có khoảng 800 lao động Việt Nam đang làm việc, anh Dũng phụ trách nhân sự người Việt cho biết. Doanh nghiệp này là nơi thu hút lao động Việt Nam lớn nhất toàn nước Nga, và có thể là cả châu Âu.

Theo luật Nga, công nhân nước ngoài ký hợp đồng lao động hàng năm và có thể gia hạn nhiều lần. Có những người đã làm ở đây trên 10 năm và chưa có ý định dời nhà máy, anh Dũng nói, bởi ở đây thu nhập tốt, nhận lương tương ứng bằng đô la Mỹ và được chủ nhà máy trân trọng. “Chúng tôi tuyển dụng lao động từ các vùng, tỉnh nghèo của Việt Nam nên họ rất chăm chỉ, hiền lành và ít chịu ảnh hưởng bởi những tệ nạn xấu hay mắc phải của những người xa xứ như rượu chè, cờ bạc, bỏ trốn”, anh Dũng cho biết.

Thời trước Covid-19 lương của lao động trung bình trên 600 USD/tháng, nhưng những năm gần đây thu nhập đạt mức khoảng 850 USD, và có thể còn cao hơn nếu lao động muốn làm thêm. Kí túc xá được doanh nghiệp cung cấp, còn sinh hoạt không tốn nhiều nên mỗi tháng anh Dũng chuyển cho gia đình của họ ở trong nước tương ứng 800 USD. “Công việc cũng khá vất vả nhưng mức thu nhập ổn định, sau một vài năm người lao động có thể kiếm được một khoản kha khá, đặc biệt đối với gia đình các khó khăn, vùng cao”, anh Dũng nói.

Ở doanh nghiệp này, chủ doanh nghiệp người Nga đánh giá cao lao động Việt Nam và mong muốn tiếp nhận thêm. Hạn mức số lao động Việt Nam hàng năm là trên 1.000 nhưng anh Dũng nói cũng khó tuyển dụng bởi nhiều người sợ xa nhà, không chịu được thời tiết lạnh giá của nước Nga. Thời thế đã thay đổi nên đã có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Thời những năm 80 của thế kỷ trước có những nhà máy dệt, may, giày dép tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nhận hàng trăm, hàng nghìn công nhân Việt Nam làm việc.

Hiện nay, số lao động Việt Nam làm việc tại LB Nga đã giảm đi rất nhiều, trong đó có lĩnh vực máy dệt may. Tuy nhiên, một sự khác biệt lớn đó là lao động Việt Nam giờ đây đa số làm việc cho các xưởng may, các công ty may do người Việt Nam làm chủ hoặc đầu tư. Những công ty may này đóng góp không nhỏ vào ngân sách địa phương cũng như thu hút cả lao động địa phương, trong bối cảnh lao động Nga hiện không hứng thú với lĩnh vực này bởi sự vất vả và mức độ khéo léo. Hiện ở vùng Tula cách trung tâm Moscow khoảng gần 200 km tập trung hàng chục xưởng may của người Việt Nam thu hút hàng nghìn lao động từ Việt Nam sang cũng như người bản địa. Thu nhập của các công nhân may khoảng từ 500 USD trở lên, có người trên 1.000 USD, phụ thuộc tay nghề và thời gian may.

Nhiều xưởng may gia công cho các cơ quan đoàn thể của Nga, nhưng hiện có nhiều công ty đã có những thương hiệu riêng. Anh Phan Mạnh Hùng, CEO của Công ty Ruviteks ở TP Nara Phomin cách Moscow 70 km cho biết, công ty anh có thương hiệu về thời trang thể thao riêng, sản xuất ra không đáp ứng đủ cho thị trường nhưng sẵn sàng tham gia vào việc sản xuất các mặt hàng do một số bộ ngành của LB Nga đặt hàng, mặc dù lợi nhuận không cao.

Ngoài những lao động làm việc tại các nhà máy, rất đông cộng đồng người Việt Nam đang làm việc tại các chợ khắp LB Nga. Hai khu chợ lớn nhất Moscow là chợ Liublino và chợ Sadovod (mà người Việt gọi là chợ Chim và chợ Liu) có khoảng vài nghìn nghìn Việt đang kinh doanh, chủ yếu là bán vải, mở nhà hàng. Những năm 2010 việc bán hàng tại các chợ rất tốt, từ bán buôn lẫn bán lẻ. Nhiều người Việt lẫn khách Tây từ các vùng xa xôi từ phía Nam như Krasnodar, Rostov và vùng Siberia lạnh giá đến các chợ đầu mối này cất hàng về cung cấp tại địa phương.

Biết nhau qua hoạn nạn

leftcenterrightdel
 Một quán Phở Bò của người Việt tại thủ đô Moscow, LB Nga.

Thời gian gần đây, do các lệnh trừng phạt của phương Tây, các doanh nghiệp của các nước “không thân thiện” rút khỏi Nga hàng loạt, thu nhập của người dân Nga có giảm sút nên sức mua kém hơn, việc kinh doanh tại các chợ trở nên khó khăn. Có thời điểm, giá các kiosk tại hai chợ trên có giá trên 100.000 USD nhưng nay chỉ còn một nửa, thậm chí thấp hơn nữa. Tuy nhiên, người Việt rất nhanh nhạy, việc kinh doanh hàng vải từ thuê việc mặt bằng tại chợ đã chuyển sang bán online là chủ yếu.

Một trong những lĩnh vực kinh doanh của người Việt chuyển hướng gần chục năm nay là mở hàng ăn. Hiện một số thương hiệu quán ăn của Việt Nam như Phở Ngon, Phở bò, Việt Ngon, Sông Lam, Xin Chào khá đình đám ở Moscow và Saint Petersburg. Hầu như tất cả các trung tâm thương mại, chợ lớn ở thủ đô nước Nga đều có quán Việt Nam, tính tổng cộng khoảng vài trăm quán. Lúc trước, các quán tập trung phục vụ nhiều cho khách du lịch Việt Nam nhưng giờ đây khách Nga là chủ yếu. Những thương hiệu ẩm thực như Phở, Nem, Bánh mỳ, Tôm... đã dần dần quen thuộc với người dân nơi đây. Anh Tùng chủ chuỗi quán Phở Ngon còn rất trẻ, 30 tuổi, cho biết hệ thống nhà hàng của anh có vài chục, mỗi quán có trên dưới 10 đầu bếp, quản lý từ Việt Nam sang, rồi nhân viên phục vụ địa phương, hiện làm ăn khá tốt.

Tuy nhiên, sau sự kiện vụ khủng bố tại Nhà hát Crocus ngày 22/3 vừa qua, lượng người đi mua sắm tại các Trung tâm thương mại giảm sút, thu nhập của các nhà hàng ăn uống cũng theo đó kém đi. Mặt khác việc thu hút lao động từ trong nước sang khó khăn hơn bởi chính quyền Nga yêu cầu lao động nước ngoài phải thi đạt điểm về tiếng Nga và một số kiến thức lịch sử, đất nước Nga, mới được quyền làm việc tại LB Nga.

Ông Đào Đại Hải từ Hội người Việt Nam tại Saint Petersburg cho biết, người Việt mới sang rất khó vượt qua 20 câu hỏi kiểm tra, thậm chí cả những người ở lâu hàng năm, nhưng nếu chịu khó ôn luyện trong một tháng nhập cảnh thì có thể đạt chuẩn. Ông Hải hy vọng với những ai dự định ở lại nước Nga làm ăn lâu dài thì cần tập trung học tiếng Nga, điều mà cộng đồng người Việt đang cố gắng giúp đỡ lẫn nhau hiện nay. Ông Hải và nhiều người từng học tập ở Nga lâu năm đang dạy online miễn phí cho nhiều lao động Việt Nam. Với một số lượng lớn người mới sang thì đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng ông Hải tin rằng cộng đồng người Việt sẽ hỗ trợ nhau khắc phục trở ngại này.

leftcenterrightdel
Ông Phan Mạnh Hùng với thương hiệu hàng thể thao tại thị trường Nga. 

Cộng đồng người Việt ở LB Nga là một cộng đồng lớn, mạnh và rất đoàn kết. Trước đây số lượng người Việt tại LB Nga khoảng 100.000 người. Nhưng do tình hình làm ăn khó khăn sau năm 2014 và cả dịch Covid 19, số người Việt ở Nga đã giảm đi đáng kể vài chục ngàn người. Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn, người Việt lại càng cố gắng giúp nhau trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Khi đại dịch Covid 19 xảy ra, Hội Người Việt tại các tỉnh thành LB Nga đều kết nối giúp đỡ đồng bào về tài chính, chữa trị, tâm lý cho những người mắc bệnh. Khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, bà con cộng động tại các vùng biên giới và Thủ đô Moscow đã hỗ trợ hết lòng cho công dân Việt Nam từ Ukraine qua Nga về nước. Không chỉ hỗ trợ người Việt, bà con cũng sẵn lòng giúp đỡ những người bạn Nga trong các thời khắc khó khăn

Tất cả những hoạt động này đều nhận được sự chỉ đạo và phối hợp từ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cũng như sự hỗ trợ của các cấp chính quyền Nga. Sâu thẳm hơn, mối quan hệ truyền thống sâu đậm giữa đất nước và nhân dân Việt Nam và Liên Xô trước đây cũng như LB Nga ngày nay chính là nền tảng vững chắc cho cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin từ 19-20/6 sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, trong đó có hợp tác, giao lưu nhân dân.

Theo baoquocte