Thế hệ trẻ người Việt Nam tại Séc được đánh giá là hội nhập tốt vào nước sở tại
Ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội người Việt Nam tại Séc trong một phỏng vấn với phóng viên VOV tại Praha nhân kỷ niệm lần thứ 16 ngày thành lập Hội (15/11/1999) cho biết, mặc dù còn có nhiều khó khăn, cộng đồng người Việt Nam tại Séc đang ngày càng chứng tỏ là một cộng đồng năng động, thích nghi nhanh và hội nhập sâu rộng vào xã hội nước sở tại, đồng thời tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
PV: Ông có thể cho biết một vài nét về cộng đồng người Việt Nam tại Séc và sự thành lập của Hội?
Ông Hoàng Đình Thắng: Cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc được hình thành vào những năm 1950 vào thế kỷ trước, tăng dần số lượng vào những năm 1980 khi hai nhà nước Việt Nam và Tiệp Khắc lúc đó có Hiệp định tương trợ lao động.
Cộng đồng phát triển dần dần và đến nay thì có khoảng 65.000 người, chưa kể những người Séc gốc Việt. Với sự phát triển của cộng đồng thì năm 1999 Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc được thành lập, đến nay được 16 năm.
Khi được thành lập, Hội củng cố tổ chức để vận động, tập hợp cộng đồng, trước hết là công việc nội bộ, ví dụ như các phong trào văn hóa-văn nghệ, thể thao, từ thiện, khuyến học… và sau đó thì làm các công tác đối ngoại.
Với sự cố gắng sau rất nhiều năm thì tôi nghĩ có một thành công trong công tác đối ngoại đáng ghi nhận. Đấy là năm 2007 Hội người Việt Nam tại Séc chính thức đệ đơn đề nghị Chính phủ Séc công nhận cộng đồng người Việt Nam tại Séc là một dân tộc thiểu số của nước này. Tháng 7/2013, chính phủ đã công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số thứ 14 của Séc.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về hoạt động của Hội trong thời gian vừa qua và sự kiện nào có ảnh hưởng tới cộng đồng mà ông ấn tượng hơn cả?
Ông Hoàng Đình Thắng: Như tôi đã nói thì trong thời gian vừa qua, Hội người Việt Nam tại Séc với đóng góp tích cực của các ủy viên Ban chấp Trung ương (TW) Hội và các chi hội dưới địa phương, sự ủng hộ của toàn bà con trong cộng đồng thì đã làm được rất nhiều việc rất đáng ghi nhận, và có nhiều thành công trong nhiều lĩnh vực.
Chúng tôi phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Séc tổ chức được rất nhiều Ngày văn hóa, Tuần văn hóa VN ở rất nhiều nơi trên lãnh thổ Séc.
Chúng tôi tiến hành rất nhiều các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với chính quyền nước sở tại cũng như trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông của Séc với mục đích làm cho chính quyền Séc, nhân dân Séc hiểu rõ hơn về cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Séc cũng như hiểu thêm về vẻ đẹp, đất nước, phong tục tập quán của con người Việt Nam, các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Điều tương đối ấn tượng mà ít cộng đồng có được đó là việc chính phủ Cộng hòa Séc công nhận cộng đồng người Việt Nam tại Séc là dân tộc thiểu số thứ 14 của họ, và có lẽ đây cũng là cộng đồng người Việt Nam đầu tiên được chính phủ (nước ngoài) công nhận như vậy.
PV: Thưa ông kể từ khi được công nhận là một dân tộc thiểu số, ông có nhận xét như thế nào về sự hội nhập của người Việt Nam tại Séc? Hội đã làm gì để thúc đẩy quá trình hội nhập này?
Ông Hoàng Đình Thắng: Thực sự việc công nhận là một dân tộc thiểu số có rất nhiều điều kiện, nhưng có thể nói hai điều kiện cơ bản để cộng đồng người Việt Nam được công nhận.
Điều kiện thứ nhất là lịch sử thì tôi đã nói ở trên tức là cộng đồng được hình thành tương đối lâu rồi, và điều kiện thứ hai rất quan trọng, đó là tính hội nhập của cộng đồng vào xã hội Séc. Trước khi được công nhận, chúng tôi đã cùng với Bộ nội vụ và Hội đồng dân tộc thiểu số tổ chức khảo sát 10 chuyến đánh giá về sự hội nhập của cộng đồng người Việt Nam ở 10 địa phương tại Cộng hòa Séc. Sau khảo sát đó thì cộng đồng được ghi nhận là một cộng đồng hội nhập rất tốt.
Thứ 2, trong quá trình hội nhập thì có thể nói là thế hệ thứ hai của cộng đồng được đánh giá là chăm ngoan, học giỏi, và các cháu sinh ra ở đây thì sự hội nhập của các cháu là rất tốt.
Thứ 3, đối với công tác Hội thì chúng tôi chú trọng rất nhiều đến công tác thanh thiếu niên ở tại đây bởi vì định hướng cho các cháu một mặt hội nhập với nước sở tại, mặt khác muốn duy trì bản sắc dân tộc và giữ gìn Tiếng Việt ở tại đất nước này.
Từ khi được công nhận thì chúng tôi bắt đầu nhận được các dự án của chính phủ Séc để thúc đẩy việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy quá trình hội nhập của cộng đồng người nước ngoài nói chung và người Việt Nam nói riêng vào xã hội Séc tốt hơn.
Có thể kể ra đây vài dự án ví dụ như tạp chí Hương Sen bằng tiếng Việt nhận được khoảng 400.000 Curon hay là Câu lạc bộ âm nhạc ở đây cũng nhận được khoảng hơn 60.000 Curon, và gần đây nhất là dự án từ điển Séc-Việt cũng nhận được số tiền của chính phủ Séc là khoảng 1.5 triệu Curon.
Và nhiều dự án ở các địa phương khác. Tôi nghĩ là khi hoạt động của cộng đồng có sự gắn bó hơn, có sự quan tâm của phía Séc thì các dự án thúc đẩy hội nhập, thúc đẩy giữ gìn bản sắc dân tộc sẽ tốt hơn.
PV: Đâu là những khó khăn và thách thức đối với cộng đồng hiện nay và hướng giải quyết của hội là gì?
Ông Hoàng Đình Thắng: Theo đánh giá của tôi thì khó khăn có nhiều vấn đề mà mình phải quan tâm đến.
Với khối doanh nghiệp thì thực trạng hiện nay thì người Việt Nam tại Séc buôn bán ở những qui mô lớn nhỏ khác nhau. Với sự cạnh tranh khốc liệt của các đại siêu thị tại Séc thì thị trường của khối doanh nghiệp người Việt này thì cũng bị chiếm đi rất là nhiều.
Thứ hai luật pháp thì càng ngày càng chặt chẽ hơn. Hiện nay chính phủ Séc định đưa luật hệ thống thanh toán kết nối với mạng điện tử để Bộ tài chính quản lý, và nó sẽ gây khá phiền hà cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ. Dự luật này hiện nay chưa được thông qua, nhưng vấn đề chỉ là thời gian.
Vẫn còn một điều làm xấu đi hình ảnh cộng đồng người Việt Nam tại Séc, đó là, mặc dầu có giảm bớt nhưng hiện nay hiện tượng trồng cần sa và buôn bán thuốc gây nghiện vẫn còn.
Bản thân Hội người Việt Nam và Đại sứ quán tìm rất nhiều biện pháp để ngăn chặn, giảm bớt tệ nạn này đến mức tối thiểu. Chúng tôi cũng đã làm việc với Bộ nội vụ Séc cũng như là với Bộ Công an và Tổng cục cảnh sát Việt Nam để làm sao ngăn chặn nạn trồng cần sa và buôn bán thuốc gây nghiện vì hành động này nó gây tiếng rất xấu đối với cộng đồng vốn được xây dựng bởi sự đóng góp của rất nhiều người để có vị thế như ngày hôm nay.
PV: Như ông vừa nói trước sự cạnh tranh của các đại siêu thị thì các tiểu thương của ta bắt đầu chuyển hướng kinh doanh, vậy hội đã làm gì giúp họ làm ăn ổn định và kinh doanh lâu dài tại Séc?
Ông Hoàng Đình Thắng: Khi bị cạnh tranh khốc liệt thì điểm rất đáng trân trọng đối với người Việt là tính năng động, tính cần cù của họ. Khi gặp những điều kiện không thuận lợi thì sự thích nghi của họ tương đối cao.
Hiện nay khi bị cạnh tranh mạnh thì bà con bắt đầu chuyển đổi hình thức kinh doanh. Ví dụ sau năm 1989, nhiều người Việt kinh doanh hàng may mặc, hàng giày dép vì lúc đó lợi nhuận của những mặt hàng này rất cao. Khi bị cạnh tranh nhiều rồi thì họ chuyển sang buôn bán hàng thực phẩm, làm quán ăn, buôn bán rau quả để thích nghi và tránh sự cạnh tranh mạnh của các đại siêu thị.
Trong quá trình sắp đặt như vậy thì về cơ bản là tương đối ổn. Còn tôi nghĩ rằng về mặt kinh doanh thì ngày càng khó khăn, nên hội cũng kêu gọi, định hướng cho bà con bây giờ phải làm ăn bài bản và muốn trụ ở đây lâu dài thì phải có tầm nhìn tương đối chiến lược về kinh doanh.
PV: Xin chân thành cám ơn ông./.
Theo VOVNews