Cuộc sống của người Việt tại Kharkov trong một năm trở lại đây ra sao trong bối cảnh dịch Covid-19, thưa ông?
Có thể nói, hơn một năm qua, đời sống bà con người Việt có nhiều xáo trộn nhất định và gặp nhiều khó khăn trong học tập, sinh sống, đặc biệt công việc buôn bán, kinh doanh.
Hiện cộng đồng người Việt tại đây có khoảng hơn 4.000 người. Thời gian qua, các cháu học sinh chủ yếu phải học online, các khu trung tâm thương mại phải đóng cửa, việc học tiếng Việt cũng phải thực hiện trong hoàn cảnh cách ly.
|
Chủ tịch Hội người Việt tại Kharkov Trần Đức Tựa (hàng đầu, thứ hai từ trái) cùng cộng đồng người Việt. |
Dù vậy, bà con người Việt vẫn có những hoạt động hỗ trợ lẫn nhau và hướng về quê nhà?
Khi dịch Covid-19 xảy ra, Ban lãnh đạo Hội người Việt tại tỉnh Kharkov đã thành lập Ban phòng chống Covid-19. Chúng tôi có những tình nguyện viên phiên dịch và hỗ trợ bà con những người ốm đau trong thời gian có dịch. Cộng đồng còn tham gia phát động đóng góp vào Quỹ phòng chống Covid-19 để giúp đỡ trực tiếp những bà con bị nhiễm bệnh ở Kharkov.
Ngoài Quỹ phòng chống Covid-19, Hội còn có Quỹ nghĩa tình để giúp đỡ những người Việt khó khăn khi bị ốm đau, trong cuộc sống.
Mặt khác, khi được Nhà nước kêu gọi đóng góp vào Quỹ phòng chống Covid-19 ở Việt Nam thì cộng đồng cũng phát động phong trào ủng hộ, kêu gọi bà con.
Trong khoảng 10 ngày, chúng tôi đã quyên góp được 100 triệu đồng góp sức cho quê nhà. Số tiền tuy nhỏ nhưng đây là tình cảm và tấm lòng của bà con luôn hướng về quê hương, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đồng bào trong nước.
Với tinh thần hướng về quê nhà, cộng đồng có chương trình gì để cùng với nước sở tại chống dịch và hiện tại cuộc sống của bà con thế nào?
Sinh sống ở quê hương thứ hai, chúng tôi luôn có ý thức tự giác chấp hành các giãn cách xã hội của địa phương kết hợp với những chỉ đạo của Đại sứ quán Việt Nam.
Hiện nay do dịch Covid-19 còn kéo dài nên cuộc sống của bà con thực sự rất khó khăn. Nhiều người bị mất việc làm và có nguyện vọng được về nước trong thời gian này để khắc phục hoàn cảnh trước mắt do ốm đau, việc học của con cái bị gián đoạn và công việc bị ngưng trệ.
Ngoài ra, bà con có nguyện vọng hồi hương cũng rất tin tưởng và tự hào về tinh thần, sự đoàn kết chống dịch của cả nước.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19, việc triển khai các hoạt động Hội và phát động các chương trình quyên góp hẳn gặp không ít thách thức, thưa ông?
Trước hết, chúng tôi muốn cảm ơn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và các cơ quan trong nước luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt ở Kharkov nói riêng và Ukraine nói riêng.
Điểm mạnh của chúng tôi có một cộng đồng rất đoàn kết, luôn một lòng hướng về quê hương đất nước. Dù khó khăn thế nào bà con cũng muốn được chung tay với đồng bào trong nước vượt qua dịch bệnh này. Bởi vậy, mỗi khi Hội phát động, chúng tôi rất cảm động vì bà con đều tham gia ủng hộ nhiệt tình, từ Quỹ phòng chống Covid-19 cho cộng đồng đến Quỹ phòng chống Covid-19 trong nước.
Có thể nói, chúng tôi cũng giống như một Việt Nam thu nhỏ với các tổ chức: Đảng, Đoàn thanh niên, Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Phật tử, và các Hội đồng hương... Tất cả đã tạo được khối đoàn kết, sức mạnh của tiếng nói chung để hoạt động hiệu quả.
Chúng tôi đánh giá cao vai trò của các hội đoàn người Việt được thành lập từ nguyện vọng chính đáng của bà con, đáp ứng nhu cầu của mọi người được giao lưu, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, tương trợ lẫn nhau, qua đó góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của các thành viên trong cộng đồng.
Mỗi tổ chức dù có tôn chỉ mục đích riêng, nhưng chúng tôi đều có một điểm chung lớn nhất và quan trọng nhất là mong muốn làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!
Theo baoquocte.vn