leftcenterrightdel
Khung cảnh các thành phố của Đức trong mùa dịch. Ảnh: NVCC. 

Hôm 10/11, Bộ Y tế Czech cho biết số ca mắc mới hàng ngày đạt 14.539. Trong khi đó, quốc gia láng giềng Đức ghi nhận 50.196 ca Covid-19 mới, tăng vọt so với trung bình hơn 33.000 ca/ngày một tuần trước đó. Với con số này, Đức vượt Nga trở thành điểm nóng Covid-19 căng thẳng nhất châu Âu.

“Bản thân tôi nếu không cập nhật số ca nhiễm cũng không biết Đức sắp bước vào làn sóng dịch thứ 4”, Thùy Quyên - người Việt sinh sống tại thủ đô Berlin, Đức - nói với Zing.

Trong khi đó, Tâm Nguyễn - sinh viên tại Ústí nad Labem, Cộng hòa Czech - cho biết phần lớn người dân ở thành phố của cô "quá quen với Covid-19" nên vẫn sinh hoạt bình thường. "Người dân xem chính phủ yêu cầu gì thì làm nấy, chứ ai cũng bình chân như vại".

Một số người Việt khác tại hai điểm nóng dịch bệnh ở châu Âu cũng cảm nhận cuộc sống không có nhiều thay đổi. Nơi vui chơi, giải trí, mua sắm mở cửa đón khách và đa phần không giới hạn người vào. Nhiều người ứng xử, sinh hoạt như trước khi có đại dịch.

Áp dụng biện pháp "3G"

Vào đầu tháng 3, hơn 20.000 chữ thập trắng được vẽ trên quảng trường ở trung tâm thành phố Praha của Cộng hòa Czech. Mỗi chữ thập tượng trưng cho một bệnh nhân qua đời vì Covid-19, cho thấy sức tàn phá kinh hoàng của đại dịch tại quốc gia châu Âu.

Vài tháng sau, dấu vết của những chữ thập dần biến mất, người dân bắt đầu quay trở lại nhịp sống bình thường. Âm nhạc lại nổi lên ở các hộp đêm trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, niềm vui mừng chưa kéo dài được bao lâu thì tình hình dịch Covid-19 tại Czech nói riêng và khắp châu Âu nói chung đang chuyển biến xấu đi nhanh chóng.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều bang tại Đức đã siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Tại thành phố Mannheim, bang Baden-Württemberg ở phía tây nước Đức, Phương Thảo cho biết ngoại trừ siêu thị, các dịch vụ giải trí như nhà hàng hay quán bar áp dụng quy tắc 3G - Geimpft, Getestet, Genesen - nghĩa là đã tiêm, đã xét nghiệm và đã chữa khỏi bệnh trong vòng 6 tháng.

Trong khi đó ở thủ đô Berlin, quy tắc này có nới lỏng hơn khi chỉ áp dụng 2G - cho phép những người đã tiêm vaccine hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 được phép sử dụng các dịch vụ trên, theo Quyên.

“Ở Berlin, luật 2G mới chính thức được thi hành từ hôm 8/11 nhưng hầu hết quán ăn, bar, club dán thông báo áp dụng từ 2 tuần gần đây rồi”, Thùy Quyên nói.

Trên đường phố, Phương Thảo quan sát vẫn có một số người không đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Tùy vào khu vực mới treo biển “bắt buộc đeo khẩu trang”, còn thành phố cô sinh sống không có quy định này.

Berlin có quy định đeo khẩu trang khi tham gia phương tiện công cộng, trong trung tâm thương mại, siêu thị từ làn sóng dịch đầu tiên.

Trước dịch, cảnh chen lấn giành chỗ ngồi trên tàu điện là điều thường thấy. Trong đợt phong tỏa đầu tiên và thứ hai, người dân ngồi cách xa nhau hoặc đứng để hạn chế việc lây nhiễm.

“Còn bây giờ, tình trạng chen lấn đông đúc vào giờ cao điểm lại giống như trước. Lượng người đi làm trở lại quá đông nên mọi người ngồi kín ghế để những người còn lại có chỗ đứng. Khi không đông đúc như vậy, mọi người lại ngồi cách nhau 1-2 ghế để đảm bảo khoảng cách an toàn”, Quyên cho biết.

Ở một số nơi, nhân viên bảo vệ sẽ nhắc nhở khi khách hàng không sử dụng đúng loại khẩu trang hay đeo sai cách, như kéo khẩu trang xuống dưới mũi.

leftcenterrightdel

Thùy Quyên tại Đại học Humboldt ở Berlin, Đức. Ảnh: NVCC.

Thùy Quyên nhiều lần chứng kiến tình huống người dân nhắc nhở người không đeo khẩu trang. Đôi lúc, thiện chí biến thành một cuộc cãi vã lớn.

Đại học của Thùy Quyên học trực tiếp từ đầu kỳ, một số môn được dạy online. Trường quy định sinh viên phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ngồi học và khi đi lại trong khuôn viên. Sinh viên đã tiêm đủ mũi hay từng mắc Covid-19 phải lấy dấu xác nhận trong ngày đầu tiên đi học. Người nào không thuộc hai nhóm trên phải xét nghiệm nhanh và có giấy xác nhận bởi nhân viên của trường.

“Một tuần trở lại đây, cả sinh viên lẫn giáo sư đều lo ngại tình hình dịch bệnh nên một số lớp đã chuyển sang học trực tuyến”, cô nói.

Với lớp học tại trường, Quyên phải xuất trình dấu xác nhận đã tiêm phòng, xét nghiệm âm tính hoặc đã hồi phục. Trước từng tiết học, sinh viên phải đăng ký thông tin cá nhân bằng cách quét mã QR của phòng học để hệ thống nắm được có bao nhiêu người và những ai có mặt.

Thùy Quyên nhận định việc xét nghiệm nhanh Covid-19 ở Berlin rất dễ dàng. Người dân có thể mua bộ tự xét nghiệm tại nhà ở các siêu thị và hiệu thuốc.

Ngoài ra, trong trường học, cạnh trung tâm thương mại hay khu mua sắm đều có điểm xét nghiệm. Kết quả có ngay sau 15 phút và có mất phí.

Tại nước láng giềng của Đức, Cộng hòa Czech vừa trải qua tuần dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ tháng 3.

Trong những ngày qua, Czech liên tiếp lập các kỷ lục đáng buồn trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19. Các bệnh viện ghi nhận số ca nhập viện vì Covid-19 cao nhất trong vòng 6 tháng, trong khi số trường hợp tử vong cũng đang tăng lên.

Theo Tâm Nguyễn, dù không sử dụng ngoài trời, khẩu trang như một vật bất ly thân với người Czech khi họ bước vào không gian kín như trong siêu thị, phương tiện công cộng hoặc nhà hàng.

Việc đeo khẩu trang chỉ dừng ở mức khuyến khích chứ không phải là quy định bắt buộc. Giới chức cũng yêu cầu khách hàng khi tới quán ăn hay rạp chiếu phim phải xuất trình giấy tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm âm tính.

Tuy vậy, chính phủ Czech không sẵn sàng áp đặt những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn hoặc đóng cửa một phần nền kinh tế, mà thay vào đó tập trung vào việc nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine.

Tuần này, Bộ Y tế Czech bắt đầu một chiến dịch tiêm chủng mới, sử dụng các bức ảnh của các nạn nhân Covid-19 kèm theo khẩu hiệu như: "Đây là người không có thời gian để tiêm chủng".

Nhiều người vẫn còn chủ quan

Phương Thảo cho biết sau 3 làn sóng dịch Covid-19 ở Đức, cuộc sống của cô gần như bị đảo lộn.

“Làm gì, đi đâu cũng phải đeo khẩu trang, bịt kín người nên rất khó thở”, Thảo nói. Dẫu vậy, giống như mọi người, cô đã học cách làm quen, chấp nhận và coi nó như một phần cuộc sống.

“Mình cũng lo lắng khi số ca mắc tăng, nhưng sau khi sống chung với dịch hơn một năm thì bớt căng thẳng hơn giai đoạn đầu. Một phần vì quen và một phần vì mình cũng đã biết cách bảo vệ bản thân trước con virus này”, Thảo chia sẻ.

Đối với Quyên, dịch bệnh quay lại khiến cô lo ngại hơn mỗi khi đến nơi đông người. Việc mời khách tới nhà trở thành câu chuyện tế nhị. Thậm chí, Covid-19 còn khiến cô bỏ lỡ dịp đặc biệt bên người thân.

Quyên cho biết năm ngoái, trong tâm trạng hào hứng, cô sắp xếp đồ đạc để chuyển từ Marburg về hẳn nhà bác ở Berlin vào dịp Giáng sinh. Tất cả hành lý đồ đạc đã chuyển về Berlin, hợp đồng nhà cũng chấm dứt xong xuôi.

“Thế nhưng, gần đến ngày khởi hành thì người thân gọi điện, nói rằng lo ngại tình hình dịch bệnh khi tôi đi cả quãng đường xa như vậy. Cuối cùng chúng tôi nhất trí rằng tôi tiếp tục ở lại Marburg cho tới khi mọi thứ ổn định hơn”. Quyên nói. “Lúc đó, tôi chỉ để lại đủ đồ đạc dùng trong mấy ngày, hơn nữa lại chuẩn bị tới Tết Nguyên đán nên càng buồn”.

Khi đó, may mắn là chủ nhà cũ vẫn chưa tìm được người cho thuê nên Quyên vẫn được ở tiếp, không lo ngại vấn đề nhà cửa.

leftcenterrightdel
Người dân xếp hàng mua đồ tại Czech. Ảnh: Reuters. 

Tương tự tại Czech, Tâm Nguyễn từng lên kế hoạch đi các nước châu Âu để đón Giáng sinh, nhưng vấp phải sự phản đối của người thân do lo ngại mắc bệnh.

Biến chủng mới, sự chủ quan của người dân và do dự không tiêm vaccine vẫn là những nguyên nhân chính mà một số người Việt nghĩ đến khi nói về đợt dịch mới.

"Một số bạn người Đức của mình vẫn nhất quyết không chịu tiêm, chỉ vì 'sợ chết'", Thảo cho hay.

Đồng quan điểm, Quyên cho biết một phần người dân nghi ngờ rằng rủi ro lớn hơn lợi ích từ việc tiêm. Mặt khác, việc mất niềm tin vào chính quyền, cách phản ứng và các biện pháp của họ trong khoảng thời gian giữa đợt phong tỏa lần thứ nhất và lần thứ hai cũng khiến nhiều người không sẵn sàng để tiêm vaccine.

Theo Quyên, quy định phong tỏa, hạn chế số người tụ tập, giờ giới nghiêm trước đó ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, đời sống tinh thần và sức khỏe của nhiều người.

“Trường học, nhà trẻ đóng cửa khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của trẻ, hay việc không được đi dạo ngoài thiên nhiên cũng khiến nhiều người thấy bức bối”, Quyên cho biết.

Trong khi đó, Tâm đã dự đoán được khả năng xảy ra đợt dịch mới ở châu Âu sau kỳ nghỉ hè và người dân đi du lịch về. Dù số ca mắc liên tục tăng, cô cho biết “người dân mặc kệ dịch” chứ không còn cảnh cố chất đồ ăn hay dự trữ như trước nữa.

Theo zingnews