Đối với Mike Nguyen, chủ nhà hàng Noodle Tree ở thành phố San Antonio, mối đe dọa đã nổi rõ. Hôm 14/3, ông Mike phát hiện nhiều bức graffiti mang tính phân biệt chủng tộc trên cửa sổ nhà hàng. Ông còn thấy một dòng chữ sơn đỏ: “Mong ông chết đi”.
Ông Mike cảm thấy bàng hoàng, bị tổn thương rồi chuyển sang tức giận. Sau khi ông trình báo về vụ phá hoại tài sản, cảnh sát địa phương và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đều cam kết sẽ tăng cường tuần tra. Song phần lớn thời gian, ông Mike và nhân viên vẫn phải “tự lực cánh sinh”.
|
Mike Nguyen, chủ nhà hàng Noodle Tree ở thành phố San Antonio. Ảnh:NBC. |
Sau vụ phá hoại ngày 14/3, ông Mike tiếp tục nhận được nhiều lời đe dọa đến cuộc sống và công việc kinh doanh.
Hồi tuần trước, một tài khoản đã bình luận trên trang Instagram của nhà hàng: “Hy vọng nó bị đốt cháy". Ông Mike còn nhận được một cuộc gọi ẩn danh, đe dọa “sẽ tìm đến” nhà riêng. “Các mối đe dọa ngày càng trở nên bạo lực và cực đoan hơn”, ông Mike Nguyen, 33 tuổi, chia sẻ:
Tác động kinh tế
Giống như ông Mike, nhiều doanh nhân người Mỹ gốc Á đang đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc gia tăng. Doanh nghiệp của họ bị tấn công song chính quyền chưa nghiêm túc xử lý vấn đề, dù vụ xả súng ở Atlanta đang gây chấn động dư luận.
Trong bối cảnh lo ngại gia tăng, nhiều chủ doanh nghiệp gốc Á phải thuê dịch vụ an ninh riêng, trang bị thêm súng và cắt giảm giờ hoạt động hay chương trình quảng cáo. Đây đều là những biện pháp tốn kém, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận và hoạt động của doanh nghiệp.
Khi đại dịch Covid-19 hoành hành ở Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump nhiều lần sử dụng các cụm từ mang tính kỳ thị như “virus Trung Quốc” hay “cúm Kung”. Thái độ bài xích này đã khiến các hộ kinh doanh của người gốc Á gặp khó khăn.
Giờ đây, nạn kỳ thị chủng tộc gia tăng, tiếp tục cản trở quá trình phục hồi của các doanh nghiệp gốc Á.
|
Ông Mike phát hiện nhiều bức graffiti mang tính phân biệt chủng tộc trên cửa sổ nhà hàng. Ảnh:NBC. |
Chủ tịch Lamar Heystek của tổ chức phi lợi nhuận ASIAN Inc nhận xét: “Vụ xả súng ở Atlanta là một ví dụ nghiêm trọng, cho thấy mối đe dọa đến cuộc sống con người”. ASIAN Inc đang phối hợp với chính phủ Mỹ để phát triển cơ hội làm kinh tế cho người gốc Á và nhiều nhóm thiểu số khác.
“Mọi người phải hiểu rằng người gốc Á đang cố gắng vươn lên sau đại dịch, đồng thời phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khác”, ông Lamar Heystek phân tích. “Không cần một nhà kinh tế học, chúng ta cũng thấy tình hình hiện tại gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và sự phục hồi kinh tế nói chung”.
Dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số cho thấy người gốc Á làm chủ hơn 10% tổng số doanh nghiệp ở Mỹ vào năm 2018. Các công ty này có doanh thu là 863 tỷ USD, đồng thời cung cấp việc làm cho khoảng 5,1 triệu người.
"Sự đóng góp này đang bị ngăn chặn vì lòng hận thù, xu hướng phân biệt đối xử và bạo lực", ông Heystek lên án gay gắt. “Chúng ta cần nghiêm túc xem xét tác động của những vụ quấy rối nhắm vào doanh nghiệp gốc Á”.
Nhà hàng mì ramen của ông Mike Nguyen đang có nhiều hình vẽ nguệch ngoạc, nhắc nhở ông “Hãy quay về Trung Quốc”. Trên thực tế, ông Mike Nguyen là người mang hai dòng máu Việt và Pháp.
Do tình hình bất ổn hiện tại, ông Mike Nguyen luôn lo sợ về mạng sống của mình. Ông tự nhận mình dần trở nên “hoang tưởng” đến mức không cho ai đến gần.
Sau vụ phá hoại tài sản ở nhà hàng Noodle Tree, Sở Cảnh sát thành phố San Antonio đã đưa một tuyên bố bằng văn bản. Theo đó, “các sĩ quan sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời giữ liên hệ với cộng đồng để ghi nhận bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào và phản ứng kịp thời”.
Cũng theo phía cảnh sát, vụ quấy rối nhà hàng Noodle Tree “vẫn đang được điều tra tích cực”. Họ cũng khuyến khích bất kỳ cá nhân nào có thông tin đến trình báo.
Doanh nghiệp tự vệ
Các doanh nghiệp bán lẻ, nhà hàng ăn uống và hàng quán vỉa hè là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trong thời gian gần đây, nhiều chủ doanh nghiệp phải đóng cửa, gỡ bỏ biển quảng cáo để phòng tránh rủi ro bị tấn công.
|
Người biểu tình chống nạn kỳ thị chủng tộc nhắm vào người gốc Á. Ảnh:Getty. |
“Giờ đây, chúng tôi luôn đề cao cảnh giác”, dẫn lời ông Kevin Chan, chủ cửa hàng bánh ngọt Golden Gate Fortune tại khu phố Tàu, thành phố San Francisco. Ông Chan đã bị đe dọa sau khi ông ngăn cản một vụ tấn công khách châu Á tại cửa hàng của mình.
Ông Chan quyết định đóng cửa hàng vào 17h, trong khi giờ hoạt động thông thường là đến 21h. “Chúng tôi không có nhiều tự do. Chúng tôi luôn phải cẩn thận. Đây là cảm nhận của tôi, với tư cách là một người Mỹ nhập cư”, ông chia sẻ.
Người lao động gốc Á cũng cảnh giác hơn mỗi khi sử dụng phương tiện công cộng. Việc thay đổi giờ làm việc giúp họ không phải ra đường quá sớm hoặc đi về quá muộn. Họ luôn lo lắng khi xem nhiều đoạn video hành hung người châu Á trên đường phố.
Ông Lamar Heystek của ASIAN Inc cho biết: “Chúng ta cần phải xác định tác động kinh tế của nạn thù hận chủng tộc. Chúng ta không thể bỏ qua mối đe dọa nghiêm trọng này đối với nền kinh tế chung”.
Tại Mỹ, sự thù hận với người gốc Á vốn đã tồn tại từ lâu. Họ thường xuyên phải chịu thiệt thòi mỗi khi đất nước trải qua khủng hoảng kinh tế hay bùng phát dịch bệnh. Ngày nay, các vụ tấn công chủng tộc thường được ghi hình và phát tán trên mạng xã hội, làm gia tăng nỗi sợ trong cộng đồng gốc Á.
Hiện chưa có dữ liệu toàn diện để xác định sự thù hận nhắm vào người gốc Á trong thời đại dịch. Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của các tổ chức kinh doanh thiểu số, cứ 3 nữ doanh nhân gốc Á thì có một người từng bị kỳ thị chủng tộc.
Mới đây, nhà nghiên cứu gốc Á Russell Jeung từ Đại học bang San Francisco đã công bố một báo cáo về vấn đề này. Theo đó, có ít nhất 3.800 vụ quấy rối hoặc hành hung nhắm vào người gốc Á, kể từ tháng 3/2020.
Các chuyên gia cho biết hầu hết vụ việc không được trình báo cho cơ quan hành pháp.
Trên thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp gốc Á không trình báo cảnh sát, mà tìm sự giúp đỡ từ những tổ chức phù hợp như ASIAN Inc. Theo ông Lamar Heystek, họ lo ngại việc công khai thông tin sẽ gây nguy hiểm cho các nhân viên.
Tổ chức ASIAN Inc đang đảm bảo nguồn tài trợ, giúp các chủ doanh nghiệp lắp đặt camera an ninh ghi lại hình ảnh và âm thanh, phân phối thiết bị báo động cá nhân và cung cấp khóa học tự vệ cho nhân viên.
Hồi tuần trước, phòng Thương mại Doanh nhân các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã tổ chức một hội nghị trực tuyến khẩn cấp, nhằm thảo luận về nạn thù hận người châu Á và vụ xả súng Atlanta. Sự kiện này đã thu hút hơn 40 nhà lãnh đạo gốc Á.
Theo Zing