Vợ chồng Giáo sư Ngô Thanh Nhàn trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
                      và  Đại sứ Nguyễn Phương Nga tại New York (Mỹ), tháng 5/2017

Dù ở tuổi hưu nhưng Giáo sư vẫn đang đảm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau. Ông có thể chia sẻ về các công việc này?

Tôi hiện đang sống tại Lower East Side (khu của người di cư), phía Đông Nam quận Manhattan, New York. Tôi vẫn đang làm việc tại Viện Toán Courant (nghiên cứu về chuỗi ngôn ngữ học để xử lý ngôn ngữ tự nhiên ngành y) của Đại học New York. Tôi dùng các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ để nghiên cứu các vấn đề lý thuyết về cơ sở tri thức cho Nôm học và dân nhạc Việt Nam.


Được biết, Giáo sư còn ấp ủ ý tưởng “toàn cầu hóa” chữ Nôm. Theo ông, đâu là triển vọng để có thể hiện thực hóa ý tưởng này?

Ở Đại học Temple, tôi làm việc tại Trung tâm Triết học, Văn hoá và Xã hội với việc ứng dụng những kết quả tại Đại học New York. Tôi lập các cơ sở dữ liệu mạng, dùng kho tư liệu mở đưa các văn bản chữ Nôm và dân nhạc cho nghiên cứu về Việt Nam. Tôi cũng may mắn được mời dạy hai lớp đàn tranh cho 24 em tiểu học và trung học cơ sở tại Trường Hiến chương Nghệ thuật Dân gian – Kho tàng Văn hóa tại thành phố Philadelphia gần 10 năm nay.

Năm 1985, khi đang nghiên cứu lý thuyết ngôn ngữ tại Đại học New York, trong buổi gặp mặt với Viện Tính toán và Điều khiển, tôi được cho xem một quyển sách chữ Nôm và người ta đã hỏi tôi có cách nào để đọc tự động quyển sách này. Tôi nghĩ, đầu tiên cần phải tập trung làm chuẩn mã Unicode chữ quốc ngữ và sau đó làm chuẩn mã Unicode chữ Nôm. Nhờ có Chương trình Công nghệ Thông tin (1990-1995) do GS. Phan Đình Diệu chủ trì cùng với GS. Trần Lưu Chương và TS. Ngô Trung Việt tại Việt Nam, tôi và các cộng sự đã cộng tác với Viện Nghiên cứu Hán Nôm để hoàn thành bảng mã chữ Nôm đầu tiên năm 1993.


Không chỉ trăn trở với chữ Nôm, Giáo sư còn là đồng điều phối viên trong "Cuộc Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam" tại Mỹ. Xin ông cho biết về chương trình này?

Sau khi có bảng mã Unicode và ISO/IEC 10646, chúng tôi xem xét và thử nghiệm các chuẩn mạng email và internet để phù hợp thông suốt với chữ Quốc ngữ và chữ Nôm. Hiện nay, vấn đề lớn nhất là làm sao đưa các sách vở tư liệu chữ Nôm vào mạng, theo các yêu cầu hiện đại nhất của thư viện tri thức thông tin mở (OAI - Open Archives Initiative). Theo tôi, mất mát lớn thứ hai - sau mất mát về của cải, con người và môi trường do chiến tranh tạo ra, là kho tàng tri thức và văn hoá Việt Nam bị mai một và huỷ hoại. Và chỉ công nghệ thông tin mới có thể hồi phục lại phần nào, một cách nhanh chóng nhất.

Người dân Mỹ đã chú ý và tìm nhiều cách ngăn chặn sử dụng chất da cam có chứa dioxin là chất độc hại nhất từ những năm chiến tranh. Các tổ chức chống chiến tranh đã buộc Chính phủ Mỹ chấm dứt sử dụng năm 1971 sau 10 năm vì nó vi phạm luật quốc tế, quyền con người, quyền sống của người Việt Nam.

Chúng tôi đã theo dõi các tác hại của chất độc này qua nhiều năm, cho đến khi có vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi đầu tiên để các cựu chiến binh vì hoà bình đứng ra thành lập Cuộc Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với Nạn nhân da cam Việt Nam, nhân ngày đoàn nạn nhân da cam sang Mỹ lần đầu ngày 27/1/2005.  Đây là tổ chức cơ sở, sử dụng hội viên của hàng trăm chi nhánh của Hội Cựu chiến binh Vì Hoà bình (Veterans For Peace), Hội Luật gia Mỹ (National Lawyers Guild), và Hội Cựu chiến binh chống Chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans against the War) và nhiều hội địa phương khác. Cuộc Vận động may mắn có thêm một hội phối hợp mạnh và uy tín là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. 

Giáo sư Ngô Thanh Nhàn sinh năm 1948, cựu Phó Chủ tịch Hội bảo tồn Di sản chữ Nôm tại Mỹ (1999-2007). Ông nhận học bổng của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận bằng cử nhân tiếng Nga (1972) và bằng cao học trong môn ngôn ngữ lý thuyết (1977) tại Đại học California ở San José, nhận bằng tiến sĩ ngôn ngữ học tại Đại học New York (1984).

Từ năm 1968 - 1972, ông tham gia phong trào chống chiến tranh Việt Nam tại Mỹ và tham gia sáng lập "Liên hiệp Việt kiều tại Mỹ" (1972-1976), giúp sáng lập "Hội Việt kiều Yêu nước tại Mỹ" (1976-1979), sau đó đổi thành "Hội Người Việt Nam tại Mỹ" để kêu gọi Chính phủ Mỹ bình thường hoá, bãi bỏ cấm vận với Việt Nam.

Ông hiện là đồng phối hợp Cuộc Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với Nạn nhân da cam Việt Nam.

Cuộc Vận động nhằm thẳng vào Chính phủ và Quốc hội Mỹ, trước khi quy “trách nhiệm” là phải có trách nhiệm “cứu trợ”. Chúng tôi đã tổ chức hơn 10 chuyến diễu hành của nạn nhân da cam Việt Nam tại Mỹ và đã thành công trong việc đưa vấn đề da cam thành nghị quyết của Hội Y tế Cộng đồng Mỹ. Cuộc Vận động cũng đã được Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội chú ý và liên tục có các báo cáo cho Quốc hội. Vì vậy, dự luật Quốc hội về da cam đã được ra đời qua nhiều đời tổng thống, đòi chính phủ Mỹ có trách nhiệm với cựu chiến binh Mỹ, nạn nhân người Việt tại Mỹ, nạn nhân và môi trường tại Việt Nam...  Một lợi thế khác trong cuộc chiến này là các cựu chiến binh Mỹ chịu đứng chung với nạn nhân Việt Nam, làm tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Từng tham gia sáng lập "Hội Người Việt Nam tại Mỹ", Giáo sư có nhận xét gì về sự phát triển cộng đồng người Việt tại Mỹ hiện nay?

Người Việt tại Mỹ sau hơn 40 năm vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại của chiến tranh, nhưng đã bớt đi những vấn đề chính trị thời Chiến tranh Lạnh. Gần đây, những người trẻ trong cộng đồng có khuynh hướng tiến bộ, bắt đầu đặt câu hỏi và muốn tìm hiểu về Việt Nam... Đặc biệt, họ đã bắt đầu nghiên cứu về Liên hiệp Việt kiều tại Mỹ, Hội Việt kiều Yêu nước tại Mỹ và Hội Người Việt Nam tại Mỹ, coi đó là một phần lịch sử tiến bộ của cộng đồng.

Giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm hội nhập cho những người Việt trẻ có dự định tới Mỹ?

Ngày nay, người dân Việt Nam có thể đi bất cứ đâu, làm những gì mình muốn - đó là một điều thật vui. Tôi cho rằng, các bạn trẻ có thể bớt coi việc định cư tại Mỹ là một cái đích phải hy sinh tất cả. Nhập cư vào nước Mỹ cần có “phường” để xây dựng kinh tế cộng đồng và “tự vệ” khi kinh tế khó khăn và kỳ thị chủng tộc tăng lên. 

Thực tế cho thấy, cộng đồng người Việt đã tạo nên kỹ nghệ làm móng tay, ngày nay có tổng thu nhập lên đến 7-8 tỉ USD mỗi năm, nhờ đó họ có thể sinh sống và có tiền cho con đi học... Tuy nhiên, nghề này rất có thể bị xoá sổ vì các tiêu chuẩn mới đặt ra quá cao. Những người Việt trẻ tại Mỹ đang chống chính sách bảo thủ về nhập cư. Đây là động cơ tiến bộ với mong muốn việc nhập cư sẽ dễ hơn. Kinh tế Mỹ cần người nhập cư. Tuy nhiên, chính sách dán nhãn “không hợp pháp” cho người mới nhập cư lại khiến họ phải làm việc, đóng thuế với thu nhập thấp hơn mức tối thiểu và không có quyền đòi hỏi các phúc lợi xã hội phổ quát. Do đó, hoạt động chống chính sách này và bảo vệ nghề làm móng tay của người Việt là nhằm bảo vệ cộng đồng và giúp đỡ người mới nhập cư.

Giáo sư có suy nghĩ gì về việc vận động và thúc đẩy việc nghiên cứu về Việt Nam ở Mỹ, cũng như vận động người Việt ở Mỹ về Việt Nam nghiên cứu khoa học?

Tôi rất mừng khi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) được thành lập. Đây có thể là một cách để thu hút người tài và cũng giúp phát triển khoa học ở Việt Nam cao và nhanh hơn. Tuy nhiên, Quỹ cần thu hút nhiều hơn những người Việt Nam ở nước ngoài về cộng tác trong nước.

Lấy ví dụ của riêng mình, tôi có thể về Việt Nam ở và làm việc nhưng bạn bè khuyên rằng, những việc tôi làm ở bên Mỹ, nhưng liên quan, hướng về Việt Nam cũng là có đóng góp nào đó trực tiếp cho trong nước. Cụ thể, tôi nghiên cứu về chuẩn tiếng Việt cho máy tính, tức là tôi đang giúp cho quê hương. Tôi được Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội mời để trao đổi về tập thơ tuyệt vời Spring Essence: The poetry of Ho Xuan Huong - tập thơ mà tôi đã dựng mẫu chữ Nôm. Khi nghiên cứu để số hoá dân nhạc Việt Nam, tôi được Đại sứ Nguyễn Phương Nga và Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc hỗ trợ hết sức... Nhờ đó, chúng tôi đã đưa các nghiên cứu về dân nhạc Việt đến các hội nghị quốc tế tại Mỹ. Tôi rất cảm kích và cho đó là cách nhìn xa.

Xin cảm ơn Giáo sư!

                                                           Theo Thế giới và Việt Nam