Triển lãm thu hút khá nhiều người Séc và khách du lịch muốn tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc vừa tổ chức triển lãm ảnh và tư liệu về biển, đảo của Việt Nam tại thủ đô Praha từ ngày 12-14/7. Đây là lần đầu tiên một triển lãm ảnh và tư liệu quy mô lớn về biển, đảo được tổ chức ở nước ngoài, và Cộng hòa Séc là nước đầu tiên được lựa chọn để trưng bày bộ sưu tập đồ sộ này.

Ngoài ý nghĩa quảng bá hình ảnh đất nước, triển lãm còn giúp làm sống lại, hun đúc thêm tình yêu của người Việt tại Séc đối với biển, đảo Tổ quốc, trong đó có Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Có lẽ đã lâu lắm rồi người Việt Nam tại Cộng hòa Séc mới được tận mắt nhìn thấy những bức ảnh đẹp, sống động và đầy màu sắc về biển, đảo của Tổ quốc, trong đó có những bức ảnh mô tả chân thực đến từng chi tiết cuộc sống của những chiến sĩ đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ qquần đảo Trường Sa, một phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Và cũng có lẽ đây là lần đầu tiên phần lớn người Việt Nam tại Cộng hòa Séc có dịp được tận mắt nhìn thấy những tài liệu cổ quí hiếm, có giá trị pháp lý được trưng bày, khẳng định chủ quyền không thể chối cãi đối với hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Còn nhớ cách đây vài năm khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa của Việt Nam, hay tiến hành cải tạo bồi đắp các cấu trúc địa lý tại Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam một cách trái phép, cùng với đồng bào ở trong nước và nước ngoài, người Việt Nam tại Cộng hòa Séc tổ chức nhiều hoạt động phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ trong trái tim đến khối óc, họ luôn tâm niệm một điều Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, là chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc.

Vì vậy, khi nghe tin có triển lãm về biển, đảo của Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Praha, trong đó có nhiều ảnh và tư liệu cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây đã đến xem, và điều đọng lại trong họ chính là sự hãnh diện, niềm tin, tình yêu và mong muốn đóng góp quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương.

Đã từng là người lính tham gia quân ngũ trong những năm tháng chiến tranh ở Việt Nam, ông Đoàn Cát luôn thấu hiểu được cái giá phải trả cho sự hy sinh của người lính, của dân tộc để bảo vệ từng tấc đất, lãnh hải của Tổ quốc. Dù chưa một lần đặt chân tới Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng ông không khỏi xúc động khi được nhìn thấy những bức ảnh thật và tư liệu quý về hai quần đảo này.

Ông Đoàn Cát chia sẻ: "Là một người lính từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tôi rất xúc động khi đến thăm triển lãm. Nó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, mà lần này là Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa những tư liệu về đất nước của chúng ta, đặc biệt là về biển đảo, đến với bà con ở xa Tổ quốc. Những tư liệu quý báu này giúp cho cộng đồng chúng tôi một lần nữa hiểu thêm về biển, đảo của Việt Nam. Trong tâm trí của Kiều bào ở xa Tổ quốc thì một tấc đất hay hải lý cũng là thiêng liêng, cần phải gìn giữ".

Chị Phượng - thứ ba từ trái - trên đường ra thăm các chiến sĩ Trường Sa. 

Không giống như ông Cát, chị Nguyễn Thanh Phượng lại may mắn có dịp cùng đoàn công tác Việt Kiều các nước trực tiếp ra Trường Sa thăm hỏi, động viên và trao quà cho các chiến sĩ ngày đêm canh gác vùng biển, vùng trời của Tổ quốc vào cuối tháng Tư, đầu tháng Năm vừa qua. Triển lãm ảnh một lần nữa làm sống lại trong chị những cảm xúc không thể nào quên về cuộc sống gian khổ, nhưng đầy niềm kiêu hãnh, tự hào của những người lính sống trên đảo thực hiện nhiệm vụ cao cả mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó.

Chị cho biết: "Tôi đã có một chuyến đi nhớ đời, bởi đây là lần đầu tiên tôi được ra thăm, được tận mắt nhìn thấy đảo, được sống, sinh hoạt và giao lưu cùng các chiến sĩ. Lúc đó tôi mới thấm thía được hết những gian khổ mà người lính biển phải chịu đựng để bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Nó giúp tôi hiểu hơn được tại sao Hoàng Sa hay Trường Sa lại có ý nghĩa lớn như vậy đối với người dân Việt Nam. Đó là một phần đất mẹ không thể tách rời của Tổ quốc hình chữ S và chúng ta phải có nghĩa vụ chung tay bảo vệ bằng được".

Suy nghĩ của ông Cát hay chị Phượng cũng là suy nghĩ chung của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Tuy sống xa Tổ quốc, những người Việt tại đây luôn đoàn kết một lòng hướng về quê hương, đất nước, về biển, đảo thân yêu. Đã có nhiều hoạt động ủng hộ các chiến sĩ ở Trường Sa, ủng hộ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo được tổ chức và họ đều là những người tham gia nhiệt tình, đóng góp hiệu quả vào các hoạt động này.

Dù triển lãm đã chính thức khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn còn ghi dấu trong tim và khối óc những người con Việt trên đất Séc về một thực tế Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, và họ sẵn sàng chung tay cùng đồng bào trong nước và nước ngoài quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá.

Được biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định trao tặng lại toàn bộ 250 bức ảnh và tư liệu về biển, đảo của triển lãm lần này cho Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc để trưng bày, quảng bá hình ảnh về biển, đảo của Việt Nam cho người dân sở tại và cộng đồng người Việt Nam tại đây trong các sự kiện văn hóa sắp tới./.

Theo VOV.VN