Họa sĩ Đặng Thông Tuyến và vợ tại triển lãm “Thiếu nữ, trăng và hoa”.

Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng họa sĩ Đặng Thông Tuyến đã định cư tại Áo từ hơn 40 năm trước. Cứ mỗi khi nhớ về quê hương, ông lại vẽ, mà chỉ vẽ về thiếu nữ.

Có lẽ vì nỗi nhớ quê khiến cảm xúc càng thêm mãnh liệt nên Đặng Thông Tuyến hầu như chỉ vẽ khi ở đất khách. Nhưng điều khiến tranh ông đặc biệt hơn là ông đa phần vẽ về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. “Thiếu nữ, trăng và hoa” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không phải là triển lãm tranh đầu tiên về phụ nữ của ông ở trong nước. “Phụ nữ là đề tài muôn thuở của các họa sĩ. Càng xa quê lâu, càng tiếp xúc với nhiều phụ nữ khác nhau, tôi lại càng thấy yêu và trân trọng phụ nữ Việt”, Đặng Thông Tuyến chia sẻ lý do vẽ tranh về phụ nữ.

Đúng là khi cảm xúc đã đến thì thời gian và không gian đều chẳng còn quan trọng. Tuy nhiên, với một họa sĩ phải sống xa quê thì nỗi nhớ còn là “chất xúc tác” khiến cảm xúc thêm mãnh liệt. Thế nên, nếu tinh ý sẽ thấy tác giả rất tinh tế khi lựa chọn hình ảnh trăng và hoa thể hiện trong triển lãm, vì theo quan niệm của người Việt, người phụ nữ luôn được ví với tinh hoa của đất trời. Song, phụ nữ trong tranh Đặng Thông Tuyến không chỉ đẹp đơn thuần về diện mạo, đường cong mà còn mang những tâm sự chất chứa qua nét mặt, ánh mắt; mang sự rực lửa, nồng nàn trong tâm hồn qua những gam màu đỏ...

32 bức tranh mang đến cho người xem sự an nhiên, tĩnh lặng nhưng đôi lúc cũng khiến lòng họ xáo trộn khi dừng chân ở những bức đỏ rực như: Hai cô gái, Chân dung vợ 1 hay những bức có sự chuyển động mạnh như: Đôi mắt, Sinh nhật. “Phụ nữ Việt đẹp vì họ luôn mềm mại, dịu dàng. Dù tôi vẽ họ bằng màu đỏ nhưng màu sắc tưởng chừng ấm nóng ấy không làm mất “chất” nhẹ nhàng đặc trưng. Màu đỏ chỉ để thể hiện sự cháy bỏng, quyết liệt của họ trong tình yêu”, Đặng Thông Tuyến chia sẻ.

32 bức tranh được tác giả thực hiện trong thời gian khá dài. Có những bức thậm chí được vẽ từ 20 năm trước - như bức Sinh nhật - nhưng vẫn “hợp thời”. Thông thường, khi cảm xúc đã đến thì tác giả chỉ mất từ 1 tuần tới 10 ngày là hoàn thành bức vẽ. “Lúc nào thăng hoa, tôi còn vẽ liền 2-3 bức. Tức là bức này chưa khô đã lập tức vẽ bức khác. Nó giống như việc cảm xúc quá tràn trề và bạn phải “xả” bằng các tác phẩm”, ông kể.

Tuy nhiên, cũng có những bức khiến người họa sĩ với hơn 40 năm kinh nghiệm như ông phải vật vã. Như bức Hai cô gái, Đặng Thông Tuyến vốn định vẽ bằng 2 màu vàng, xanh nhưng sau khi vẽ xong xuôi, ông vẫn cảm thấy bức tranh không thể hiện được “thần thái” của tác phẩm nên lại vẽ đè lên bằng sắc đỏ rực rỡ. Hay như bức Chân dung vợ 2, dù kích cỡ rất nhỏ nhưng lại “ngốn” không ít thời gian vì phải vẽ chồng màu. Nhiều lớp màu chồng lên nhau khiến chân dung người vợ của ông sâu và có hồn.

Đặng Thông Tuyến bảo, vẽ phụ nữ là khó nhất, khó hơn cả vẽ người già, trẻ nhỏ... vì họ quá đẹp. Vẽ sao để toát lên đường cong là thách thức không nhỏ đối với người họa sĩ, vì kỹ thuật chưa “tới” thì khó lòng hấp dẫn người xem. Nhiều khi, chỉ nhấn vào đường cong, khuôn mặt cũng khiến khán giả nao lòng. Song, vẻ đẹp đó tuyệt đối không đến từ một hình mẫu cụ thể mà được gợi nên từ nỗi nhớ quê hương nói chung.

Lối vẽ tinh giản, cách đặt tên đơn giản (như Thiếu nữ và trái xoài, Thiếu nữ và hoa sen, Thiếu nữ mũ xanh...) là chủ ý của tác giả. Ít người biết rằng, những ngày còn trẻ, ông thường chọn các màu sắc, hình họa, đường nét mạnh mẽ qua phong cách trừu tượng. Nhưng rồi, sau khi nếm trải tất cả, ông dần muốn mang đến cho người xem sự bình an, tĩnh lặng khi ngắm tranh mình. Đặng Thông Tuyến tâm sự: “Đơn giản không có nghĩa là đơn điệu. Nhiều khi sự tối giản nhất lại là đỉnh cao của nghệ thuật”.

Một số tác phẩm tại triển lãm














    Hoài Anh