|
|
Cư dân trong chung cư của bà Oanh xuống hầm trú ẩn từ tối qua (theo giờ Ukraine) - NGUYỄN THỊ OANH |
Mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến
Trao đổi với Thanh Niên lúc 12 giờ hôm nay (gần 7 giờ sáng giờ Ukraine), bà Nguyễn Thị Oanh (54 tuổi) sống trong một chung cư trên đường Hvardiitsiv Shyronintsiv, TP.Kharkov cho biết từ chiều 24.2 cả nhà 6 người đã từ tầng 7 mang theo quần áo, thực phẩm di tản xuống tầng hầm phía dưới. Bà Oanh cho biết tầng hầm tương đối rộng rãi, có sức chứa khoảng hơn 1.000 người.
“Nhưng dưới đó lạnh quá trong khi nhà có con nít, có con dâu tôi đang mang thai 8 tháng nữa nên chừng 20 giờ tối cả nhà lại di chuyển lên trên. Dù vậy chúng tôi vẫn sẵn sàng sơ tán xuống dưới trở lại khi tình hình nghiêm trọng hơn. Hiện vẫn có nhiều gia đình khác ở dưới tầng hầm chung cư”, bà tâm sự.
Đêm qua, dù lo lắng nhưng cả nhà bà ai cũng tranh thủ chợp mắt vì “có lo cũng không làm được gì, chỉ cố gắng không suy nghĩ nhiều, lạc quan và cầu mong mọi chuyện sẽ ổn với tất cả người dân Ukraine”.
Đến sáng nay, nhìn xuống đường phố vắng vẻ, bà cho biết ngoài tiếng nổ lớn đã nghe tối qua, hiện mọi thứ xung quanh vẫn đang rất yên ắng. 3 gia đình người Việt sống tại chung cư cũng như những hàng xóm ở chung cư kế bên vẫn giữ bình tĩnh, cố gắng ở yên trong nhà.
Trước thông tin Ukraine ra lệnh tổng động viên, cấm nam giới 18-60 tuổi ra nước ngoài, buộc tất cả những người trong độ tuổi đi lính và lính dự bị ở trong tất cả các vùng của Ukraine sẽ được kêu gọi nhập ngũ, bà Oanh khá có chút lo lắng dù con trai nằm trong diện này vì đã có quốc tịch Ukraine.
“Nếu con phải nhập ngũ, tôi cũng sẵn sàng để con đi nhưng vẫn thấy lo lắng. Sức khỏe của cháu yếu, vợ thì sắp sinh nên cũng không biết như thế nào. Mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến”, nhìn gia đình con trai vẫn đang còn ngủ trong phòng, người phụ nữ bày tỏ.
"Còn đồ ăn, tránh được bom đạn là còn ổn"
10 giờ sáng 25.2 theo giờ Việt Nam, chị Nguyễn Huyền Anh (ở TP Kharkiv, Ukraine) cho biết, hiện giờ vợ chồng chị vẫn trú ẩn ở tầng metro gần nhà. Vùng chị ở có khoảng 3.000 người Việt với công việc bán hàng ở chợ.
Chị theo gia đình sang định cư từ năm lớp 7, tính đến nay đã được 14 năm nhưng đây là lần đầu tiên chị rơi vào hoàn cảnh này. Năm 2014, ở Ukraine đã có những cuộc bạo loạn nhưng không đến mức nghiêm trọng, lúc đó chị chỉ ngồi im trong nhà. Hiện tại, quanh khu chị sống vẫn yên lặng nhưng chị đọc tin và biết thủ đô Kiev – cách chỗ chị khoảng 500 km đang cũng đang có quân Nga tiến về.
|
|
Họ vẫn có đồ ăn, thức uống khi xuống trú ẩn dưới tầng hầm - NGUYỄN THỊ OANH |
“Tôi hiện giờ vẫn ở dưới tầng hầm metro, trải chiếu nằm ở đây. Vì nhà tôi ở tầng 7 chạy lên chạy xuống rất mệt. Hôm qua lúc chạy về nhà lấy đồ, tôi cũng lo. Tôi vẫn có chỗ để nằm, hơi khó chịu nhưng không còn cách nào khác. Tôi có làm bánh mì kẹp, cơm nắm mang theo, ăn uống đơn giản”, chị nói.
Cũng theo chị Huyền Anh, bên ngoài, từ 22 giờ đêm qua (theo giờ Ukraine) đã có lệnh cấm người dân không được ra ngoài trừ trường hợp khẩn cấp. Đêm qua chị chỉ chợp mắt được một lúc, ngủ trong lo sợ. Chị và chồng đều làm bác sĩ nên tinh thần vững, cố gắng để mọi người ở không phải lo lắng cho nhau.
|
|
Ở hầm metro chị và mọi người được phát nước và có chỗ nghỉ tạm - NGUYỄN HUYỀN ANH |
“Tôi và các người Việt khác cũng chỉ biết giữ liên lạc. Đồ ăn chắc chỉ đủ 3 ngày nên nếu hôm nay được ra ngoài tôi sẽ về nhà nấu thêm cơm. Ở đây họ mở các hầm trú ẩn, có công an canh tuần, có người mang nước đến miễn phí, có người sắp xếp chỗ ngồi cho người già, trẻ em, bà bầu. Còn đồ ăn, đồ uống, còn chỗ ngủ, tránh được bom đạn, còn thuốc để dùng là còn sống, tôi vẫn gọi về quê nhà Việt Nam nói là ổn”, chị nói.
|
|
Hình ảnh tại hầm metro nơi chị Huyền Anh trú ẩn (ảnh chụp vào 5 giờ 30 sáng theo giờ Ukraine) - NGUYỄN HUYỀN ANH |
Chị Huyền Anh thường xuyên tương tác trên các hội nhóm người Việt để thông báo tình hình với bà con. Theo chị, có một số người Việt vẫn đang điều trị bệnh nên cũng hơi lo sợ vì theo lịch cần đi khám nhưng không đi được. Chị cũng đăng lên hội nhóm nhắc bà con đem theo các loại thuốc khi đi trú ẩn ở các tầng hầm như: thuốc giảm sốt, giảm đau, chống tiêu chảy, điện giải, chống dị ứng,… và nhắc nhở mọi người giữ liên lạc với nhau.
Theo thanhnien