Người Việt trẻ khởi nghiệp tại Nhật Bản

Chiều 19.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới Hiroshima, bắt đầu lịch trình làm việc tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.

Tại cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu báo cáo Thủ tướng, với hơn 500.000 người đang học tập, sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, người Việt cũng là cộng đồng nước ngoài đông thứ 2 tại Nhật Bản.

Kiều bào mong muốn với Thủ tướng có 'phố Việt Nam tại Nhật Bản' - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng kiều bào Việt tại Nhật

NHẬT BẮC

“Sau hơn 20 năm đã hình thành thế hệ người việt thứ 2, thậm chí thứ 3 tại Nhật. Cộng đồng người Việt luôn hướng về giữ gìn bản sắc dân tộc. Gần như ở đâu trên đất Nhật có người Việt đều có các hội đoàn. Người Việt tại Nhật đa phần trẻ nhưng luôn hướng về quê hương, đất nước và mong muốn đóng góp qua nhiều hình thức khác nhau”, ông Hiệu chia sẻ.

Dưới góc độ nhà khoa học, GS-TS Trần Đắc Xuân, Chủ tịch Hội Người Việt tại vùng nam trung Nhật Bản, cho biết cộng đồng các nhà khoa học tại Nhật luôn hướng về quê hương.

Ông cùng với các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều ý tưởng, nghiên cứu các dự án có thể ứng dụng tại Việt Nam như giống lúa mới ngon vượt trội; hay kêu gọi các tập đoàn Nhật Bản trong lĩnh vực điện gió tham gia hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Fukuoka, cho biết cộng đồng người Việt tại Fukuoka đã tổ chức nhiều chương trình dạy tiếng Việt cho thế hệ người Việt thứ 2 tại đây. Đặc biệt, mỗi tháng có khoảng 10 doanh nghiệp Việt được thành lập tại Fukuoka.

“Chúng tôi mong muốn có phố Việt Nam tại Nhật Bản đầu tiên tại Fukuoka. Để thực hiện được điều này, rất mong có sự giúp đỡ của Thủ tướng và Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nhật”, ông Duy Anh đề xuất.

Chia sẻ với Thủ tướng, ông Hoàng Tuấn Anh, Hiệp hội Thương mại Nhật - Việt tại Osaka, bày tỏ mong muốn có thêm nhiều chương trình văn hóa, festival Việt Nam tại Nhật Bản để giúp người dân hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam.

Đặc biệt, có cơ chế giúp đội ngũ trí thức đóng góp nhiều hơn. Lực lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản chiếm tới 1/4 người Việt tại đây, trong đó phần lớn là thực tập sinh. “Rất mong Chính phủ tạo điều kiện cho các lực lượng này khi về nước góp sức cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Đây là lực lượng đã trải qua môi trường làm việc có tiêu chuẩn cao, mang tính kỷ luật”, ông Hoàng Tuấn Anh nói.

Bà Cấn Thanh Huyền, Chủ tịch Hội Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản, chia sẻ thế hệ trẻ Việt Nam quan tâm tới phát triển khởi nghiệp, sáng tạo. Khởi nghiệp không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh, còn là công cụ gắn kết cộng đồng. Bản thân bà Huyền cùng nhiều bạn trẻ trong hội sau thời gian học tập tại Nhật Bản, tích lũy kinh nghiệm quyết tâm làm gì đó cho đất nước, nên dấn thân lập doanh nghiệp tại Nhật Bản.

Kiều bào mong muốn với Thủ tướng có 'phố Việt Nam tại Nhật Bản' - Ảnh 2.

Bà Cấn Thanh Huyền, Chủ tịch Hội Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản

HOÀI THU

Theo bà Huyền, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Nhật Bản phải đối mặt với nhiều khó khăn, văn hóa kinh doanh và luật pháp nước sở tại. Hội ra đời với mục tiêu hỗ trợ các vấn đề về tài chính, luật pháp, mạng lưới quan hệ và văn hóa đầu tư cho các doanh nghiêp khởi nghiệp của người Việt tại Nhật Bản.

Tới đây, hội mong muốn sẽ kết nối các doanh nghiệp, quỹ đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. “Mong Thủ tướng trong các cuộc gặp với lãnh đạo nước sở tại, đề xuất họ tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp tại Nhật Bản”, bà Huyền kiến nghị.

Việt Nam - Nhật Bản có mối "duyên nợ từ lâu"

Lắng nghe những chia sẻ và đề xuất của kiều bào, đa số đều là những người rất trẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng cho biết điều này phản ánh xu thế người Việt đến Nhật Bản những năm gần đây. Cách đây 10 năm, rất ít người Việt tới Nhật Bản nhưng hiện đã thành cộng đồng lớn thứ 2 tại Nhật Bản, chỉ sau Mỹ; đồng thời chiếm 1/10 số lượng người Việt sinh sống trên thế giới.

Nhấn mạnh đến mối quan hệ “duyên nợ từ lâu” giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng nhắc lại người Nhật đã vào Việt Nam xây dựng phổ cổ Hội An, nay thành di sản thế giới.

“Giao lưu kinh tế, văn hóa của 2 nước đã có từ lâu, duyên nợ của 2 dân tộc cũng bắt nguồn từ lâu, dù mỗi thời kỳ có những biến động khác nhau nhưng chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay”, Thủ tướng cho hay.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, chỉ mới 1,5 năm từ thời điểm ông Kishida Fumio lên làm Thủ tướng Nhật Bản cuối năm 2021, hai thủ tướng đã gặp song phương 6 lần và “lúc nào cũng đầy ắp công việc phải bàn”. Các cuộc gặp đều đi thẳng vào các vấn đề như dự án hợp tác, đúng với ý nghĩa hợp tác chiến lược sâu rộng giữa 2 nước.

Thủ tướng khẳng định thế hệ lãnh đạo hiện nay của 2 nước đang tiếp tục phát huy "tinh thần hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian".

Nhật Bản là đối tác ODA lớn nhất của Việt Nam, tới đây sẽ đề nghị nối lại ODA cho hạ tầng. Nhật Bản cũng đồng thời là đối tác lớn thứ 2 về lao động, thứ 3 về đầu tư và thứ 4 về thương mại. “Bốn vị trí này khẳng định vai trò và tầm quan trọng trong quan hệ của 2 nước”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho hay, khi quan hệ 2 nước tốt đẹp, vấn đề công dân của 2 nước cũng tốt đẹp theo.

Kiều bào mong muốn với Thủ tướng có 'phố Việt Nam tại Nhật Bản' - Ảnh 3.

Theo Thủ tướng, người Việt dù ở đâu luôn hướng về, đóng góp cho quê hương chính là yêu nước

NHẬT BẮC

“Đảng, Nhà nước có trách nhiệm với công dân Việt tại nước ngoài và ngược lại người Việt tại nước ngoài cũng có trách nhiệm với Tổ quốc, quê hương. Thế hệ công dân dù là thứ 2, thứ 3 cũng luôn nuôi dưỡng lòng yêu nước, mong muốn cống hiến cho đất nước”, Thủ tướng khẳng định và cho rằng “dân tộc Việt Nam dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào không bao giờ chịu khuất phục, không bao giờ chịu áp bức của dân tộc nào. Người Việt dù ở đâu, đóng góp cho quê hương, đất nước chính là yêu nước".

Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần đổi mới sáng tạo, lập nghiêp của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, muốn phát triển nhanh và bền vững phải dựa vào đổi mới sáng tạo. Ông cũng căn dặn các anh chị em kiều bào cần tuân thủ luật pháp sở tại, hỗ trợ để cùng nhau tốt hơn.

Cán bộ đại sứ quán xem bà con như anh em, chị em trong nhà khi giải quyết, xử lý vấn đề. Có như vậy mới xử lý được việc, mới khiến bà con xem đại sứ quán là nhà.

Theo Thanh niên