Nhiều tháng nay, chị Tuyết Lan (sinh năm 1978) ngày nào cũng có mặt tại khu tạm trú của người tị nạn ở biên giới Séc để mang thực phẩm, thuốc men và quần áo giúp đỡ họ. Chị Lan có mẹ là người Slovakia và cha là người Việt sống ở Ba Lan nhưng gia đình chị tới Séc năm chị 15 tuổi.
Chị Tuyết Lan lên truyền hình Séc kêu gọi giúp người tị nạn. (Ảnh: O24TV)
Chị Lan tâm sự rằng chị chưa được nhập quốc tịch Séc cho dù nhiều năm sống và làm việc ở đây. Chị rất thấu hiểu cho tình cảnh của những người tị nạn đang trong cảnh không chốn nương thân, nhất là trẻ em. Xuất phát từ sự đồng cảm tự nhiên, chị muốn làm điều gì đó cho những người đang gặp hoạn nạn.
“Đây không chỉ là giúp đỡ họ, mà tôi coi đó là sứ mệnh của mình, thôi thúc tôi đến chia sẻ hoàn cảnh khó khăn với những di dân đến từ Trung Đông”.
Tuyết Lan đã học lịch sử nghệ thuật, mỹ thuật và triết học tại trường tổng hợp ở Bratislava, hiện có gia đình với 3 con. Gia đình chị cũng không khá giả lắm nhưng với chị sẵn sàng dùng số tiền không nhiều do chị kiếm được để mua sắm lều trại, chăn, thức ăn và nước uống cho những gia đình người tị nạn có con nhỏ. Hàng ngày chị đến đó chăm sóc những trẻ bị ốm và mang vật dụng thiết yếu cho họ.
Lúc đầu chị Lan hỗ trợ người tị nạn với tư cách cá nhân, song dần chị nhận ra rằng chỉ một người làm là quá sức. Chị đã vận động cộng đồng, những người sống quanh mình chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ người tị nạn. “Thật bất ngờ, nhiều người quanh tôi cũng có nhu cầu giống như tôi, nhất là những người trẻ. Chúng tôi đã thành lập một đội gồm 3 nhóm hàng ngày tới giúp người di cư”.
“Tại trại tị nạn thiếu người phiên dịch trong khi cảnh sát không nói được tiếng Anh. Thế là những bạn trẻ lại vận động các sinh viên tại trường của các bạn ấy tham gia hoạt động hỗ trợ người di cư. Có người làm phiên dịch, có người hỗ trợ sức lao động… Chúng tôi muốn người di cư cảm thấy yên tâm trước khi họ chuyển đến vùng đất mới”. Chị Lan nói.
Trả lời phỏng vấn báo denik.cz và kênh truyền hình O24, chị Tuyết Lan nói rằng: “Có một thực tế rằng nhiều người dân di cư mặc cảm khi đến vùng đất mới, không phải ai cũng muốn rời quê hương của mình. Họ đã trải qua những hành trình đầy nước mắt và đó là những ký ức đau đớn không bao giờ có thể phai. Nhiều người bị đối xử tệ bạc khi đến châu Âu, họ còn muốn trở về quê hương. Chúng tôi phải khuyên nhủ họ, trấn an tinh thần cho họ để họ có suy nghĩ thấu đáo trước khi có quyết định cuối cùng”.
Khu tạm trú của người tị nạn ở biên giới Séc.
Chị Lan cũng mong muốn chính quyền địa phương không trấn áp mạnh tay với người tị nạn như ở Hungary cho dù chị hiểu một thực tế rằng để giải quyết những vấn đề của người tị nạn Trung Đông không hề dễ dàng.
Đầu tháng này, Séc tuyên bố nước này sẽ giải quyết 1.500 đương đơn xin tị nạn từ nay đến năm 2017. Hôm 14/9, Séc đã tăng cường lực lượng cảnh sát dọc theo biên giới với Áo để kiểm soát dòng người di cư có thể sử dụng lãnh thổ nước này sang Đức. Động thái này được đưa ra ngay sau khi Đức, nước láng giềng với Séc, cũng thắt chặt kiểm tra an ninh trên biên giới với Áo, dấy lên lo ngại người tị nạn sẽ chuyển hướng sang Séc để vào Đức.
Séc đang trở thành quốc gia quá cảnh cho người tị nạn và dân di cư muốn sang các nước châu Âu giàu có như Đức và Thụy Điển. Quốc gia Trung Âu này luôn phản đối giải pháp của Liên minh châu Âu phân bổ chỉ tiêu mang tính áp đặt cho các nước thành viên trong việc tiếp nhận người tị nạn.
Theo vov.vn