Cảnh đông đúc nhộn nhịp thường thấy tại Trung tâm thương mại Đồng Xuân ở Berlin

Nhiều du khách Việt lần đầu đặt chân đến Trung tâm thương mại Đồng Xuân tại thủ đô Berlin của Đức đều vô cùng bất ngờ khi cảm thấy như đang ở quê nhà, với những quán phở, cửa hàng quần áo và người bán rao các mặt hàng giảm giá. Theo ban quản lý, trung tâm nằm trên con phố Herzberg thuộc quận Lichtenberg không chỉ là nơi tập trung kinh doanh của cộng đồng người Việt mà đang ngày càng nổi tiếng, thu hút khách Đức và du khách nước ngoài.

Khoảng 80% doanh nghiệp và tiểu thương tại trung tâm là người Việt, còn lại là người Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan. “Nơi đây cung cấp mọi thứ từ quần áo, đồ da, giày dép cho đến hàng công nghệ, đồng hồ, đồ trang sức, mỹ phẩm, đồ chơi, quà tặng, hoa giả, nguyên liệu nấu nướng… Hầu như mọi thứ bạn tìm đều có bán ở đây”, theo lời giới thiệu của ban quản lý trung tâm. Đa dạng nhất vẫn là hàng hóa từ VN, nổi bật là thực phẩm từ củ kiệu, cà pháo, nước mắm cho đến các loại rau củ quả.
Trung tâm được đặt tên theo chợ Đồng Xuân tại Hà Nội và có lịch sử gắn liền với hàng chục ngàn lao động VN sang CHDC Đức (Đông Đức) làm việc trước khi nước Đức thống nhất. Một trong những lao động này là cha của anh Nguyễn Hữu Minh sang đây vào năm 1988 và làm việc được một năm thì Bức tường Berlin sụp đổ. “Các lao động bị rơi vào tình thế ngoài dự kiến vì hợp đồng họ ký với Đông Đức là quốc gia không còn tồn tại nữa”, anh Minh - chuyên tổ chức tour tại trung tâm, kể. Theo anh, khi đó có khoảng 60.000 lao động người Việt và họ được cho phép chọn lựa về nước hoặc ở lại. Cha anh Minh nằm trong số khoảng 50% chọn ở lại và ông được phép bảo lãnh vợ cùng 2 con.
Những người ở lại kiếm sống bằng cách mở cửa hàng bán hoa, quán ăn, tiệm làm đẹp hoặc buôn bán hàng may mặc như ông Nguyễn Văn Hiền, người sáng lập Trung tâm thương mại Đồng Xuân. Khi sang Ba Lan để lấy hàng, ông gặp nhiều đồng hương nên nảy ra ý tưởng lập đầu mối bán sỉ tại Đức. Năm 2003, ông mua khu đất khoảng 18 ha và thành lập trung tâm rộng khoảng 40.000 m2, giúp tạo việc làm cho hơn 1.000 người Việt, người Đức và các nước khác. Theo Hiệp hội Người Việt ở Berlin và Brandenburg, có khoảng 100.000 người Việt sống tại Đức, trong đó có khoảng 26.500 người sống tại Berlin.
Là hướng dẫn viên, anh Minh hào hứng chia sẻ du khách Việt có thể tham quan và mua sắm tại trung tâm cả ngày mà không cần nói một từ tiếng nước ngoài nào. “Bên cạnh mảng kinh doanh, trung tâm có cả thông dịch viên Việt - Đức, nhân viên tư vấn pháp luật, trường dạy lái xe cho người Việt, công ty du lịch và thậm chí nhân viên bán xe người Việt”, anh cho biết. Theo trang web của trung tâm, nhiều người Việt thường lui tới để hớt tóc hay gặp gỡ bạn bè uống trà, tán gẫu. Nhiều tour du lịch cũng tổ chức đưa khách đến trung tâm tham quan và mua sắm.
Bên cạnh khách Việt, trung tâm còn thu hút người Đức và từ nhiều nước châu Âu khác. Tại một tiệm làm móng, Phan Biên Thảo cho biết vài năm trước tiệm chủ yếu phục vụ khách Việt nhưng ngày nay khách người Đức ở Berlin và các thành phố khác đến ngày càng nhiều. “Họ đến đây vì dịch vụ giá cạnh tranh nhất. Hơn nữa, sau khi làm móng xong họ có thể đi mua sắm. Nơi đây như một điểm đến có đầy đủ dịch vụ”, theo chị Thảo. Với đà phát triển đó, Trung tâm thương mại Đồng Xuân đang có kế hoạch mở rộng thành một trung tâm châu Á thu nhỏ ở Berlin mang tên Asiatown. Trước mắt, nơi đây sẽ có thêm một khách sạn và một trung tâm văn hóa. Nhiều người cho rằng kế hoạch phát triển trên hoàn toàn hợp lý vì phần lớn người Việt ở Berlin sống tại đây.

 Tài sản lớn của Berlin
Theo trang web của Trung tâm thương mại Đồng Xuân, nhiều chính trị gia và doanh nhân Đức rất quan tâm đến mô hình thành công của trung tâm và cho rằng nơi đây sẽ còn phát triển mạnh. “Trung tâm là sự giao lưu văn hóa giữa người Đức và người Việt, đồng thời thể hiện sự thành công về hòa nhập nên cần được nhấn mạnh”, theo cựu nghị sĩ Jurgen Klimke.
Bà Christina Emmrich, cựu Quận trưởng Lichtenberg, nhìn nhận những cửa hàng hoa, may mặc, rau củ… “làm sống động Trung tâm Đồng Xuân cũng như cả quận”. Nghị sĩ Harald Wolf lưu ý cộng đồng người gốc Việt đông nhất trong số các cộng đồng người châu Á ở Berlin và “cực kỳ năng động”. “Họ là tài sản to lớn về sự đa dạng văn hóa của Berlin”, ông nhấn mạnh.


                                                                                                                                                  Theo Thanh Niên