leftcenterrightdel
 Tình nguyện viên cùng nhân viên Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp ở Sydney, Australia, ngày 4/7 dùng cano tiếp cận các khu dân cư bị cô lập vì sông Hawkesbury tràn bờ. Ảnh: AFP.

Bang New South Wales hứng chịu nhiều trận mưa lớn liên tiếp những ngày qua vì đợt áp thấp nhiệt đới mạnh ở vùng duyên hải phía đông Australia. Cục Khí tượng Thủy văn Australia cảnh báo một số khu vực của bang trong vài ngày tới sẽ tiếp tục hứng chịu mưa lớn, khiến tình hình lũ lụt nghiêm trọng hơn.

Thành phố Sydney, đô thị trung tâm của bang đông dân nhất nước, ghi nhận lượng mưa bình quân 733 mm trong bốn ngày đầu tháng 7, theo BBC. Mưa lớn suốt nhiều ngày nhấn chìm nhiều vùng ngoại ô, cuốn trôi ôtô khỏi đường. Đây là đợt lũ lớn thứ tư tấn công Sydney trong vòng 18 tháng qua.

Nước sông dâng cao ở vùng duyên hải trải dài hơn 300 km, từ quận Newcastle đến phía nam Sydney, trong đó có những khu vực tập trung đông người gốc Việt như Cabramatta và Bankstown.

"Các quận Cabramatta, Fairfield, Canley Vale và Liverpool, nơi có nhiều bà con người Việt sinh sống, bị ảnh hưởng nặng do ở gần sông George. Sau những đợt lũ liên tiếp từ năm ngoái đến nay, bà con người Việt đã cảnh giác hơn và sơ tán ngay khi chính quyền phát báo động khẩn", Liam Nguyen, người Việt định cư ở Australia 10 năm và đang làm thợ cơ khí ở Sydney, nói với VnExpress.

Anh cho biết số lượng xe hỏng vì ngập nước được đưa đến các tiệm sửa ôtô trong khu người Việt tăng đột biến vài ngày qua, khi nước lũ lên cao nhấn chìm nhiều tuyến đường.

Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp New South Wales (SES) phải liên tục điều xuồng cứu hộ đi giải cứu ôtô chết máy, còn người dân trong vùng đã dần cảm thấy "quen thuộc" với cảnh nước sông tràn vào bờ mỗi mùa mưa, Liam nói.

Sean Kearns, quan chức SES, cảnh báo về nguy cơ lũ quét ở Sydney, cho biết đã ban bố hơn 60 lệnh di tản cùng hơn 60 cảnh báo sơ tán trong vài ngày qua, tập trung ở khu vực phía bắc và phía tây thành phố.

Imogen Saoirse, người Australia gốc Việt sống ở khu Cabramatta, cho biết chính quyền địa phương chiều 4/7 bắt đầu cung cấp những cảnh báo cụ thể về các đoạn đường có nguy cơ ngập nước do mưa lũ, giúp cô lên phương án đi lại.

Thông thường, Saoirse chỉ mất khoảng 40 phút để đi từ Redfern, vùng ngoại ô sát khu đô thị lõi của Sydney, về Cabramatta. Nhưng đến hôm 4/7, tuyến đường Henry Lawson bị chặn do nước lũ nên cô phải lái xe khoảng một tiếng rưỡi mới về đến nhà, dù khởi hành từ trước khung giờ cao điểm.

"Tôi rùng mình khi nghĩ đến những người ra đường giờ cao điểm sau đó. Ai phải lái xe vào khoảng 16-17h chắc hẳn sẽ chịu tình cảnh tồi tệ hơn", Saoirse nói, cho biết hai tuyến cao tốc Hume và Cumberland tiếp tục bị đóng khoảng hai tiếng sau khi cô về đến nhà.

Kênh thông tin cộng đồng ở Cabramatta đêm qua cảnh báo người dân tránh di chuyển vào nút giao cao tốc Hume và Cumberland vì mọi tuyến đường trong khu vực "ngập nghiêm trọng".

Saoirse nói hội đồng địa phương Cabramatta đã cho chặn một số tuyến đường trước khi lũ bắt đầu đổ về, nhưng nước dâng quá nhanh khiến nhiều phương tiện vẫn kẹt trên đường.

Khu Camden, cách nhà Saoirse khoảng 40 phút di chuyển, bị ngập lụt nghiêm trọng nhất vì sông Nepean tràn bờ. Bố của Saoirse đã mắc kẹt tại khu vực này suốt 4 ngày qua và phải trú tạm tại chùa Thiền Lâm của cộng đồng người Việt gần đó.

"Nếu đường chưa thông, bố tôi sẽ phải cuốc bộ khoảng hai km lên khu đất cao, chờ tôi đến đón. Tôi có thể phải lái xe tầm hai tiếng để đến điểm hẹn", cô nói.

Đợt mưa lớn bất thường tấn công bờ đông Australia có thể do hiện tượng thời tiết La Nina xuất hiện năm nay. Jane Golding, đại diện Cục Khí tượng Thủy văn Australia, cho hay một số khu vực thuộc vùng đại đô thị Sydney trong vài ngày qua hứng chịu lượng mưa tương đương bình quân của cả tháng 7 hàng năm.

"Đợt mưa lần này lâu hơn bình thường, kéo dài liên tục nhiều ngày, nhưng may mắn là không kèm theo gió to như trận bão hồi tháng 2", Thanh An, Việt kiều 27 tuổi đã học tập và làm việc ở Australia hơn 9 năm, cho biết.

Trận bão cuối tháng 2 gây hiện tượng "bom mưa" kéo dài nhiều ngày, trút lượng mưa 1.000 mm xuống một số khu vực ở bang Queensland và New South Wales, khiến nhiều con sông tràn bờ.

Thanh An cho biết trận lũ khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa khi phần lớn nhân viên không thể đến chỗ làm do mắc kẹt ở khu ngoại ô. Liam cũng cho hay lũ lụt liên tục khiến chợ và siêu thị thiếu rau xanh, chi phí thực phẩm tăng, làm cuộc sống người dân thêm khó khăn.

Mưa bão xuất hiện thường xuyên trong hơn một năm qua khiến các vùng nông nghiệp ở bang New South Wales chịu nhiều ảnh hưởng, số việc làm trong lĩnh vực này cũng bị cắt giảm mạnh. "Lũ lụt xảy ra vào thời điểm nhiều biến động, từ xăng dầu tăng đến giá nguyên liệu cao. Không biết ngày mai sẽ như thế nào nữa", Liam nói.

Theo vnexpress