Chia sẻ với Zing, sau hành trình sơ tán gặp hết trở ngại này đến trở ngại khác, đến tối 28/2 (giờ địa phương), chị Yana - sinh sống tại thủ đô Kyiv - cùng nhóm bạn người Ukraine đã đặt chân an toàn tới thành phố Budapest, Hungary.

Chị Yana có hộ chiếu Ukraine, do đó được ưu tiên qua cửa an ninh. Tuy nhiên, chị nói rằng hành trình sơ tán của người nước ngoài khó khăn hơn người Ukraine nhiều.

“Tôi thấy có nhiều người nước ngoài xếp hàng dài để mua vé lên tàu qua biên giới Hungary. Mua được vé xong, còn phải đợi có chỗ trên tàu hay không, nếu không thì phải chờ chuyến khác”, chị cho biết.

Trong khi đó, bước sang “ngày chiến sự thứ 7”, bà Phạm Mai, sống ở phía tây nam thủ đô Kyiv, cho biết bà vẫn quyết định chọn ở yên một chỗ thay vì tìm cách di tản sang các nơi không có giao tranh hoặc về nước.

“Tôi không muốn đi đâu cả, vì tôi không sợ. Nhà tôi cách thành phố Lviv khoảng 400-500 km. Để đến bến tàu, tôi phải đi 6 bến Metro. Ở đây vẫn đang yên bình, cần thì tôi sẽ xuống hầm”, bà chia sẻ với Zing. “Tôi biết nhiều người kéo nhau sang biên giới Ba Lan. Người quen của tôi cũng vừa đi, nhưng phải quay về vì các chuyến tàu đông quá".

Hành trình sơ tán gian nan

Tỉnh giấc lúc 4h ngày 24/2, chị Yana hoảng sợ khi nghe thấy tiếng máy bay bay qua khu nhà mình ở thủ đô Kyiv. Hôm sau, chị ngay lập tức chuẩn bị đồ đạc và nghĩ sẽ chỉ ở trong hầm trú tại bến Metro vài ngày.

Thế nhưng, sau khi xuống đó đợi, chị nhận được tin nhắn của nhóm bạn, hẹn nhau ở chỗ sân ga chính của thủ đô để sơ tán sang thành phố Lviv.

“Lúc đầu tôi đắn đo, nhưng về sau thì quyết định đi luôn”, chị nói. “Tôi đọc được tin là Nga đang nhắm về phía đông và thủ đô, còn các thành phố nằm ở phía tây không bị ảnh hưởng nhiều nên nghĩ nơi đó khá an toàn”.

Chị Yana cho biết vì lúc đó tình hình khẩn cấp, chị đều nghĩ và hành động ngay lập tức chứ không hề có kế hoạch trước. May mắn, mặc dù rất đông người Ukraine đổ dồn đến địa điểm này để lánh nạn, chị cùng các bạn đều lên được tàu. Vé tàu hoàn toàn miễn phí.

“Tôi ban đầu cũng lo lắng về việc mua vé, nhưng được thông báo đó là chuyến sơ tán dân sang phía tây nên không mất phí. Tôi cũng liều lĩnh lên luôn”, chị kể lại.

Theo chị Yana, tình hình biên giới hôm 26-27/2 rất hỗn loạn. Chị mất hơn 10 giờ để đi từ Kyiv sang Lviv, tận 5h mới tới nơi. Thế nhưng, chỉ hơn 2 tiếng sau, còi báo động lại vang lên. Cả nhóm lại kéo nhau xuống hầm trú ẩn của nhà người quen.

Sau khi ngủ được 3 giờ, chị Yana lại tiếp tục tìm đường qua Ba Lan. Tuy nhiên, hành trình lần này không hề suôn sẻ. Khi tới nơi có các tuyến xe buýt qua biên giới, chị được thông báo giá vé lên tới 1.000 USD. Nếu không có tiền, người dân chỉ có thể xếp hàng lên xe buýt miễn phí, nhưng cũng chỉ được chở tới điểm cách biên giới Ba Lan khoảng 30 km. Đi bằng ôtô thì tắc đường, nhưng đi bộ lại mất tới 6-7 tiếng.

Mang theo một balo, một vali cùng tâm trạng nặng trĩu, sau hàng loạt lần lỡ xe buýt vì không thể chen thành công, chị Ya Na lại phải tính phương án di chuyển bằng tàu. Nhưng khi đến ga, cả nhóm hốt hoảng trước cảnh người dân chen chúc xô đẩy để lên chuyến tàu Lviv - Przemysl.

 
 
 
nguoi viet ke ve hanh trinh so tan o ukraine anh 2
nguoi viet ke ve hanh trinh so tan o ukraine anh 3
nguoi viet ke ve hanh trinh so tan o ukraine anh 4

Khung cảnh tại bến tàu từ Lviv tới Przemysl. Nhiều người vội cho con lên tàu nên vứt hết đồ đạc cá nhân, đồ chơi của trẻ con.

“Có hai bạn trong nhóm lên được chuyến tàu lúc 19h55, tôi và một bạn còn lại đã bị đẩy lùi ra sau về hướng khác. Lúc đó tôi chỉ cảm thấy tuyệt vọng", chị nói.

Không bỏ cuộc, đêm hôm ấy, chị vẫn tiếp tục bám trụ lại ga để bắt chuyến tàu lúc 0h40. Rút kinh nghiệm, lần này, chị Yana và bạn đều đứng gần đường ray hơn. Nhưng kết quả cả hai vẫn không thể lên vì bị phân biệt đối xử.

“Trước cửa vào toa tàu có cảnh sát cầm súng kiểm soát người lên. Bạn tôi đã bước một bậc để lên tàu nhưng lại bị cảnh sát đẩy xuống”, chị nói và cho biết thêm bạn chị là con lai Ukraine - Sudan.

Bản thân chị Yana thì bị một nhóm đàn ông chặn lối lên tàu để cho vợ con của họ lên trước. Khi cảnh sát xuống tàu, thông báo không nhận thêm người, đám đông vẫn tiếp tục xô đẩy nhau để lên. “Lúc ấy cả tôi và bạn đều gào thét mọi người lùi lại mới không bị chèn ép. Tôi bị ngã hai lần và suýt nữa bị giẫm đạp lên người", chị kể lại.

Đêm đó, chị lại một lần nữa thay đổi quyết định. “Tôi thấy Ba Lan không khả thi vì đông người quá, nên nghĩ có khi qua Hungary sẽ ít người hơn”, chị nói và quả thực đã đến được Hungary vào tối 28/2.

"Dù thế nào tôi vẫn ở lại Kyiv"

Trong khi đó, tại thủ đô Kyiv, các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã diễn ra suốt nhiều ngày nhưng bà Mai chia sẻ người dân cố gắng duy trì nếp sống bình thường, chỉ hạn chế ra đường để tránh bom rơi đạn lạc.

Từ căn hộ nhà bà Mai nhìn xuống, đường phố khá vắng, chỉ lác đác ôtô chạy trên đường, vẫn có người dắt chó đi dạo, cửa hàng thuốc và cửa hàng thực phẩm vẫn mở.

“Kể cả khi có tiếng còi báo động, người đi đường vẫn rất bình tĩnh”, bà nói, đồng thời mô tả người dân Ukraine tại khu nhà bà “bình tĩnh đến mức đáng sợ” ngay từ ngày đầu xảy ra xung đột.

Trước khi trò chuyện với Zing, bà Mai vừa xuống siêu thị ngay dưới nhà mua đồ dùng cần thiết mang xuống tầng hầm. Giá cả thực phẩm tại thủ đô về cơ bản không tăng quá cao.

Bất chấp nhiều người đã di tản đến các khu vực khác, bà Mai vẫn quyết định ở lại Kyiv với chồng mình. Căn hầm trú ẩn ở ngay dưới khu chung cư bà đang sống. Dưới hầm có khoảng 40-50 người, cả người lớn và trẻ con. Bà cho biết hầm còn khá rộng nhưng thanh niên, các đôi vợ chồng trẻ đã di tản sang Lviv hoặc về quê.

“Dưới đó có nhà vệ sinh, nhà tắm, lò sưởi, và thậm chí cả đệm. Ai thích thì mang thêm đệm xuống, rất ấm áp và rộng rãi”, bà chia sẻ. “Chỉ có thực phẩm là phải tự lo, còn ban quản trị khu nhà chuẩn bị cho cả giấy vệ sinh lẫn xà phòng rửa tay”.

“Tôi cũng định mua mấy cuộn giấy để vào đó nhưng siêu thị lúc tôi đi lại hết sạch”, bà nói thêm.

Dù sinh hoạt ở không gian đông người, bà Mai cho biết dưới hầm khá im ắng. Mọi người chỉ nói chuyện thì thầm, người có điện thoại thì đi khẽ và ra chỗ khác để nghe. Việc vệ sinh quét dọn tùy thuộc vào ý thức, “ai thấy bẩn thì lấy chổi quét lau. Mặt sàn vệ sinh khô cong không hề có nước đọng. Rác tự thu vào một góc rồi mang lên mặt đất”.

 
 
 
nguoi viet ke ve hanh trinh so tan o ukraine anh 5
nguoi viet ke ve hanh trinh so tan o ukraine anh 6

Tầng hầm dưới tòa nhà của bà Mai.

Bà Mai cho biết thêm tối gia đình muốn ngủ “yên thân", không phải chạy nên xuống ngủ dưới hầm. Đến sáng bà lại lên căn hộ, sinh hoạt ở trong nhà.

“Hôm nay tôi nấu cơm, canh dưa chua với thịt gân bò để lúc sáng lên thì ăn, còn khi nào xuống hầm thì mang đồ khô thôi”, bà nói.

Cả nhà chỉ có 2 vợ chồng đã nghỉ hưu nên bà không cần chuẩn bị quá nhiều đồ. “Tôi để riêng trứng luộc, thịt hun khói, bánh mì để khi nào khẩn cấp chỉ cần đút vào balo rồi chạy xuống hầm", bà nói.

Cuối cuộc trò chuyện với Zing, từ xa bà Mai nghe thấy tiếng động lớn như pháo nổ và tên lửa. Vài phút sau, tiếng còi hú từng hồi báo động vang lên khắp thủ đô Kyiv. Tuy nhiên, dường như đã quen với cảnh này, bà cho hay mình sẽ không xuống hầm vì “nghe tiếng nổ phải cách 40-50 km".

Bà nói thêm mấy ngày trước đó vì lo lắng nên bệnh đau dạ dày của bà tái phát, nhưng giờ tâm lý đã vững hơn: “Chồng tôi còn bảo nếu giờ có còi báo động, tôi thích thì xuống, anh ấy không xuống nữa”.

Theo Zing