Ươm mầm hạt giống Việt
Nhiều năm qua, vợ chồng anh Trần Văn Chuần và chị Bùi Thị Nguyệt được cộng đồng người Việt ở Ukraine ví von là “ông trùm, bà trùm” về rau xanh. Vợ chồng chị Nguyệt sống ở Kherson, vùng đất tiếp giáp giữa bán đảo Crimea và nội địa Ukraine. Nơi đây, khí hậu thuận hòa và đất đai màu mỡ hơn một số vùng khác ở Ukraine.
Chị Nguyệt bên những luống dọc mùng trong vườn rau của gia đình. (Ảnh: T.T.T)
Anh chị rời Hà Tây (nay là Hà Nội), sang Ukraine sinh sống và lao động từ những năm 1990 và tình cờ bén duyên với nghề nông. Khi còn ở Việt Nam, anh chị là công nhân làm việc trong nhà máy, gia đình không có đất làm nông nghiệp. Những ngày đầu đến Ukraine, chị Nguyệt chỉ định tăng gia sản xuất để lấy rau ăn. Với sự chăm chỉ cần cù, những luống rau chị trồng nhanh chóng tốt tươi đủ cung cấp cho bữa ăn gia đình và làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Sau một thời gian ngắn, chị Nguyệt nhận thấy cộng đồng người Việt ở đây rất khan hiếm rau xanh, rau sạch, nên anh chị đã quyết định mở rộng việc cung cấp rau sạch cho người Việt.
Chị Nguyệt nhớ lại, đó là thời điểm năm 2000, khi người Việt tại Ukraine đang hào hứng với nghề buôn bán ở chợ hái ra tiền thì việc anh chị đột nhiên chuyển sang làm nông dân là điều khá lạ lẫm. Chị Nguyệt nhờ người từ Việt Nam sang mang theo hạt giống các loại rau, từ rau dền, mùng tơi, rau muống, các loại rau thơm đến bí xanh, bí đỏ, mướp... Chị Nguyệt chia sẻ, làm nông ở đây không vất vả như ở Việt Nam, bởi những công việc nặng nhọc đã có máy móc hỗ trợ, anh chị chỉ mất công chăm sóc và tìm tòi phương pháp trồng để thích nghi với điều kiện thời tiết.
Với bản năng hay lam hay làm của người Việt, cộng với việc tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt qua mạng Internet, vợ chồng chị Nguyệt đã mạnh dạn thuê hẳn 4.000m2 đất để canh tác. Ban đầu, chỉ vợ chồng chị canh tác, nhưng sau này việc nhiều hơn, diện tích trồng trọt mở rộng nên anh chị thuê người dân bản xứ làm công nhân trong ruộng của mình. Chị Nguyệt kể, có những lúc vào vụ, vừa buôn bán, vừa canh tác nên công việc vô cùng bận rộn, vất vả. Rau của anh chị trồng ra chủ yếu đủ phục vụ người Việt, nhưng người dân bản xứ khi biết tiếng chị cũng tìm đến mua, có người còn hỏi mua hạt giống từ chị để về tự trồng.
Kiên trì bám trụ, xây biệt thự từ... rau
Từ những luống rau thô sơ, chị Nguyệt đã quy hoạch thành nông trang, có khu trồng trong nhà để phù hợp thời gian tuyết rơi và có nhà ở cho công nhân.
Chị kể, vất vả nhất là khâu bán hàng. Mùa thu hoạch rau ở Ukraine chỉ từ tháng 4 đến tháng 10. Những ngày đầu, anh chị phải tự mang rau đi bán ở những nơi cách xa 400- 700km. Mỗi tuần được hai chuyến hàng với số lượng từ 50-70 hộp rau. Khó khăn là vậy nhưng anh Chuẩn chị Nguyệt vẫn kiên trì vì cộng đồng, sau mấy năm thì khâu bán hàng đã dễ dàng hơn. Uy tín của anh chị xây dựng được đã lan tỏa ra khắp cộng đồng người Việt, nhiều người chủ động tìm đến lấy buôn để về bán lẻ nên hầu như rau của chị Nguyệt được bán hết ngay tại vườn. Ước tính, mỗi năm vườn của anh chị cũng xuất đi nhiều tấn rau xanh.
Nhưng làm nông ở "trời Tây" không phải khi nào cũng thuận lợi. Chị Nguyệt kể, có năm không kịp thu hoạch, chiều hôm nay ra vườn, cây còn xanh tươi, sáng hôm sau cả khu vườn rộng lớn đã chìm trong tuyết trắng, thiệt hại nặng nề. Chưa kể đến, ngoài việc nhờ người mang hạt giống sang, chị còn nhập giống cây trồng từ dịch vụ cây trồng ở Việt Nam chuyển sang bằng đường hàng không. Thỉnh thoảng gặp sự cố, những lô hàng cây giống bị hỏng hết, mất trắng.
Vất vả và khó khăn là vậy, nhưng khi được hỏi, vì sao chị chọn nghề nông để lập nghiệp ở "trời Tây", chị Nguyệt cười hiền lành chia sẻ: “Mang tiếng sang Tây làm ăn nhưng suốt ngày cặm cụi vườn tược, bón phân, tưới rau... nhiều lúc nghĩ cũng buồn cười, nhưng tôi lại thấy vui và công việc gần gũi khiến tôi đỡ nhớ quê hương Việt Nam hơn”.
Là người khiêm tốn, chị Nguyệt khéo léo không đề cập đến những thành quả mà anh chị thu được từ việc làm nông hàng chục năm qua. Chị chỉ nói rằng, nhờ có những luống rau, anh chị đã có đồng vốn để mở thêm các cửa hàng buôn bán song song với làm nông. Tuy nhiên, những người quen biết anh chị, họ đều kể rằng, anh Chuần, chị Nguyệt đã tạo dựng được cơ nghiệp khang trang, xây biệt thự, có nhà cho thuê ở Kherson...
Những năm gần đây, nhiều người Việt học hỏi cách làm của anh chị cũng đã bỏ buôn bán ở chợ để làm nông ở các vùng ngoại ô. Có thêm nhiều người cung cấp rau xanh hàng ngày, vợ chồng chị Nguyệt chuyển dần sang trồng những loại cây lâu ngày như bí xanh, khoai sọ, khoai lang… Chị Nguyệt không nhớ nổi có bao nhiêu đại lý và người từng mua rau của chị, nhưng chị cho biết, từ Kiev đến các thành phố trên khắp Ukraine, nơi đâu có người Việt sinh sống, rau của anh chị cũng được chuyển xuống bán ở đây, thậm chí ở cả những vùng chiến sự miền Đông. Đặc biệt tại 3 thành phố lớn có đông người Việt sinh sống nhất là Kiev, Odessa, Kharkov, nhiều đại lý bán lương thực thực phẩm ở đây không thể thiếu rau xanh củ quả của vườn nhà chị.
Chị cho biết, khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, tình hình kinh tế ở đây trở nên khó khăn hơn, cùng với người dân sở tại, cuộc sống của người Việt cũng thay đổi và khó khăn hơn nhiều, sức mua giảm đi và công việc của anh chị cũng bị ảnh hưởng. Nhưng dù có khó khăn, anh chị vẫn quyết tâm không bỏ nghề nông mà hàng chục năm nay anh chị đã vất vả để xây dựng hình ảnh người Việt giàu lên nhờ cần cù chịu khó.
Theo Dân Việt