Khách mua sắm tại cửa hàng rau quả ở Rome ngày 10.3 - AFP

Kẻ ở, người về

Trả lời Thanh Niên, du học sinh Trần Anh Tuấn tại Venice (Ý) cho biết anh không cảm thấy an tâm nếu ở lại. “Số ca nhiễm tăng chóng mặt, sự xem nhẹ dịch bệnh của nhiều người dân, sự thiếu trang thiết bị y tế và cuối cùng là mình không phải công dân Ý”, Tuấn nói về lý do anh quyết định ra sân bay Marco Polo để đón chuyến bay về Việt Nam hôm 8.3. Tuấn cho biết thêm các nhân viên tại một trung tâm cách ly ở TP.HCM nơi anh đang được chăm sóc tỏ ra rất thân thiện và luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Trong khi đó, chị Trần Ngọc Anh Thư tại Bologna (Ý) quyết định ở lại. Chị Thư chia sẻ rằng mọi dịch vụ phục vụ nhu cầu cơ bản như siêu thị, cửa hàng và giao thông công cộng tại nơi chị sinh sống vẫn hoạt động bình thường và người dân được khuyến cáo hạn chế đi từ thành phố này sang thành phố khác.

Theo chị Thư, người Việt tại Ý không lo thiếu hụt thực phẩm vì hệ thống cung cấp có đủ khả năng. “Cách đây 2 tuần khi dịch bắt đầu lan rộng thì cũng có tình trạng vét hàng siêu thị, nhưng sau đó thì đã ổn”, chị kể lại. Nhiều người Ý thậm chí vẫn háo hức xếp hàng đi xem sự kiện triển lãm đặc biệt tại Rome nhân 500 năm ngày mất của danh họa Raffaello Sanzio da Urbino. Dù vậy, mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành khuyến cáo giữ khoảng cách an toàn.

N.H.G.P, du học sinh Việt tại Đại học Napoli (Ý) cho biết tình hình miền nam Ý vẫn im ắng, người dân tin tưởng ở các biện pháp điều hành của chính phủ. Sinh viên vừa thi xong hồi tháng 2, được nghỉ học đến tháng 4 và được khuyến cáo ở nhà, không tụ tập đông người ở bên ngoài. P. và các bạn học chỉ liên lạc bài vở qua email. Về tình trạng mua vét hàng hóa, P. cho hay chỉ có một số người dân châu Á mới đổ xô mua thực phẩm để dự trữ. P. cũng hạn chế sử dụng tàu điện ngầm.

Tâm lý sẵn sàng

Tại Pháp, Giáo sư Ho Thuy Trang, Chủ tịch Hội Tiếng Tơ Đồng chuyên về âm nhạc dân tộc, cho biết tạm thời hoạt động của hội vẫn diễn ra bình thường, nhưng mọi người đang trong tâm trạng sẵn sàng ngừng nếu nhận được thông báo của chính phủ. “Trước mắt, chúng tôi thực hiện đúng khuyến cáo của chính phủ, như tránh ra đường, tránh hội họp, tránh tiếp xúc, chẳng hạn như ngưng bắt tay và không hôn má để chào nhau. Cộng đồng người Việt cũng lo sợ, nhưng công việc vẫn phải làm, vẫn phải sử dụng các phương tiện công cộng như metro”, Giáo sư Ho nói.

Tại thị trấn Quarouble (tỉnh Nord) nằm ở biên giới Pháp với Bỉ, nha sĩ Huy-Lan Bui cho hay dịch bệnh cũng đã lan đến gần khu vực gia đình ông sinh sống. Nha sĩ gốc Việt cũng đã áp dụng thêm các biện pháp phòng ngừa tại phòng nha, như thêm thông tin liên quan đến dịch tễ cho bệnh nhân, phòng hộ kỹ hơn trong lúc chăm sóc răng cho bệnh nhân. Ông cũng bổ sung loại thuốc mới cho máy tẩy trùng toàn phòng răng vào buổi tối để đảm bảo vô trùng sau mỗi ngày.

Nhiều nơi còn lỏng lẻo

“Theo thông tin từ báo đài, tôi nhận thấy chiến lược ứng phó dịch một số nước châu Âu là chỉ tập trung vào những người có nguy cơ cao như cao tuổi, sức yếu và có bệnh sẵn và những người còn lại không việc gì phải lo, vì nếu nhiễm cũng sẽ tự khỏi nếu giữ gìn sức khỏe tốt. Bên cạnh đó, nhiều người dân có vẻ vẫn xem đây như cúm mùa hằng năm”, anh Trọng Kha ở Anh bày tỏ lo ngại.

Trong khi đó, anh Phạm Trường Sơn sống tại Budapest (Hungary) cho hay việc cách ly những hành khách đến từ vùng dịch bệnh vẫn chưa thực hiện nghiêm ngặt. Chỉ những du khách từ Ý hoặc Trung Quốc khi nhập cảnh vào Hungary sẽ bị kiểm tra kỹ hơn.

Mẹ Finn, một người Việt sống tại TP.Kempten (vùng Allgäu, Đức), cho hay: “Tuần qua là một tuần đảo lộn của vùng tôi sống. Cả hai ca nhiễm trong vùng đều do đi từ Ý về và đều được cách ly tại nhà. Trước nay người Đức không mấy quan tâm, nhưng sau khi có ca nhiễm họ cũng đổ xô mua nhu yếu phẩm. Dù không có cảnh hỗn loạn, nhưng việc xếp hàng đi siêu thị để mua nhu yếu phẩm như thế này là chuyện lạ hiếm thấy”. Trường học, nhà trẻ, công ty trong thành phố vẫn hoạt động như bình thường. Nơi vui chơi, không gian công cộng thì vắng vẻ hơn thường lệ.

Trong khi cộng đồng gốc Á tại Đức khá căng thẳng với dịch bệnh này thì người bản địa vẫn duy trì nhịp sống thông thường. “Chồng người Đức của tôi cho rằng vi rút cũng như cúm mùa, năm nào chẳng có. Dân sở tại nếu có nghi nhiễm thường được khuyên phải tự cách ly tại nhà, được nghỉ làm với giấy phép của bác sĩ mà không cần đến phòng khám để tránh gây lây nhiễm thêm, cũng không nên tự ý vào bệnh viện. Đây cũng là quy trình khám bệnh thông thường: nếu không phải là trường hợp cấp cứu hoặc không có giấy nhập viện, người bệnh thường không được tiếp nhận tại các bệnh viện. Người nhiễm SAR-CoV-2 không phải là ngoại lệ”, Mẹ Finn nói.

Cô Tam Nguyen ở thủ đô Paris kể về trường hợp lây nhiễm do hôn má để chào hỏi ở một bệnh nhân người Việt tại Geneva, Thụy Sĩ. Người này bị nhiễm khi gặp thân nhân ở Pháp vào ngày 29.2. Lúc đó, người thân đã bắt đầu có biểu hiện cảm sốt, không khỏe và buộc phải về sớm. Ngày 7.3, bệnh nhân nói trên nhận kết quả dương tính và được yêu cầu cách ly tại nhà. Mỗi ngày nhân viên y tế gọi điện để theo dõi tình hình và cung cấp hướng dẫn tùy theo tình trạng. 

Theo thanhnien