leftcenterrightdel
Cảnh báo về tên lửa được phóng từ một địa điểm không xác định. Ảnh: Reuters 

Anh Hữu Thạch - đang làm việc tại thành phố Sapporo, tỉnh Hokkaido - nói mình nhận được cảnh báo trú ẩn trên điện thoại vào khoảng 7h55 ngày 13/4 (giờ địa phương).

“Tôi đang ngủ thì nghe thấy tiếng cảnh báo khẩn cấp. Rút kinh nghiệm từ lần trước, tôi bình tĩnh tắt cảnh báo và chờ thông tin mới nhất trên các trang tin tức”, anh Thạch nói với Zing, nhớ lại tình huống tương tự vào tháng 10/2022 khi giới chức Nhật cũng cảnh báo người dân tìm chỗ trú ẩn vì tên lửa đạn đạo.

leftcenterrightdel
Một ga tàu điện ngầm ở Hokkaido, Nhật Bản, sáng 13/4. Ảnh: NVCC 

“Lần ấy, tôi sợ xanh mặt (khi nghe cảnh báo), tính chạy tìm chỗ lánh nạn nhưng không biết nên đi đâu”, anh kể lại.

Theo chia sẻ của anh Thạch, sau cảnh báo sáng 13/4, các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố như tàu điện ngầm, tàu JR đều tạm dừng, khiến nhiều nhà ga trở nên đông đúc.

“Các ga tàu rất đông, nhiều người bị trễ giờ học và giờ làm”, anh nói.

Tuy nhiên theo quan sát của anh Thạch, lần này người dân địa phương không còn quá bận tâm. “Đợt tháng 10/2022 mọi người bàn tán nhiều, nhưng lần này họ gần như đã quen nên cũng không nhắc nhiều đến cảnh báo. Ngoài tình trạng tàu đông đúc, mọi (hoạt động) vẫn diễn ra bình thường”, anh chia sẻ.

Chung cảm nhận với anh Hữu Thạch, chị T.V cũng bình thản khi nghe tin cảnh báo khẩn cấp sáng 13/4. Điều này một phần do chị đã quen với vô số cảnh báo trong gần 5 năm kể từ khi sang Nhật và sinh sống tại Hokkaido.

“Hồi mới sang Nhật, mỗi lần nhận được tin cảnh báo về động đất, bão lớn thì tôi cũng có chút hoảng. Tuy nhiên, sau nhiều lần như vậy, vào sáng nay, tôi lập tức mở rèm cửa sổ sau khi nhận được thông báo. Nhìn ra đường, tôi vẫn thấy người Nhật đi lại, sinh hoạt như bình thường nên cũng không có gì phải lo lắng”, chị chia sẻ với Zing.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Zing, trong hội nhóm của người Việt tại Hokkaido trên Facebook, nhiều người cũng chia sẻ về việc liên tiếp nhận được cảnh báo “sơ tán ngay lập tức”, liên quan đến một tên lửa.

Tuy nhiên, sau khoảng thời gian ngắn, chính phủ Nhật Bản đã rút lại cảnh báo sơ tán với cư dân Hokkaido. “Tôi không nhận được thông báo đính chính trên điện thoại, nhưng thấy báo chí đưa tin tên lửa lần này không có khả năng rơi xuống Hokkaido”, anh Thạch nói.

leftcenterrightdel
Nội dung tin nhắn J-Alert cảnh báo người dân sơ tán ngay lập tức mà chị T.V nhận được. Ảnh: NVCC 

Theo Yahoo Japan, các tuyến tàu JR Hokkaido tiếp tục hoạt động trở lại từ 8h17 sau khoảng 20 phút tạm dừng để đảm bảo an toàn. Tàu điện ngầm ở thành phố Sapporo cũng trở lại hoạt động lúc 8h23.

Chính phủ Nhật Bản ban đầu đã phát cảnh báo khẩn cấp J-Alert tại Hokkaido, yêu cầu người dân tìm kiếm nơi trú ẩn sau khi xuất hiện thông tin về tên lửa đạn đạo. Nhưng sau đó, cảnh báo này được nhà chức trách dỡ bỏ.

Các quan chức chính quyền địa phương ở Hokkaido sau đó cũng khẳng định tên lửa "không có khả năng" rơi xuống hòn đảo này.

Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, "cảnh báo J-Alert được đưa ra để thông báo cho người dân về nguy cơ tên lửa rơi xuống nhằm ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân".

Nhật Bản đã ban hành lệnh sơ tán tương tự vào tháng 10/2022, khi một tên lửa tầm trung bay qua nước này, Guardian đưa tin.

Theo zingnews