Lúc ấy, cô gái sinh năm 1995 cùng một đồng nghiệp trên đường đi ăn trưa về công ty. Ba năm sống ở Pháp, lần đầu tiên Ngân Linh bị dân bản địa kỳ thị "ra mặt" như vậy. "Tôi đứng sững một hồi, sau đó cảm thấy rất tức giận", cô chia sẻ.
Đưa câu chuyện của mình lên diễn đàn du học sinh Việt, cô mới biết, hàng trăm người khác cũng lâm vào hoàn cảnh giống như cô. Một trào lưu kỳ thị và tránh xa người Trung Quốc mới xuất hiện sau khi dịch viêm phổi cấp Vũ Hán do virus nCoV bùng phát.
|
Sau ba năm sang Pháp làm việc, Ngân Linh có trải nghiệm không vui do dịch viêm phổi Vũ Hán. Ảnh:Nhân vật cung cấp. |
Trần Phương Vy, 23 tuổi, sinh viên ngành kinh tế ở Paris viêm họng một tuần nay. Sáng 30/1, cô đến trường, đang lên cầu thang thì ho. "Các sinh viên bản địa thấy vậy lập tức tránh xa. Ai cũng tỏ ra khó chịu, có người còn lấy chai nước rửa tay", Vy kể.
Buổi trưa, Vy lên tàu điện ngầm ra về. Ban đầu, cô ngồi một mình một khoang. Đến bến tiếp theo, một người đàn ông lên ngồi cạnh nhưng khi thấy cô là người châu Á, ông này chuyển sang ghế đối diện.
Phương Vy cho biết, những ngày gần đây, các quán ăn Việt nói riêng và quán ăn Á nói chung đều vắng khách hơn. "Nhà hàng nơi tôi làm thêm giảm khoảng 30% khách tới quán. Bình thường chúng tôi đóng cửa sau 23h nhưng nay 22h đã chẳng còn khách, vì thế nhân viên được về sớm. Chỉ có đơn đặt hàng mang về nhà là vẫn ổn định", cô tiết lộ. Bên cạnh đó, cuối tuần này, quận 13, nơi tập hợp nhiều cửa hàng tạp hóa châu Á, hủy sự kiện diễu hành vì sợ dịch bệnh.
Cũng ở Paris, anh Nguyễn Anh, 32 tuổi, bắt taxi đi chùa vào trưa 30/1. Trời mưa, anh và bạn đi cùng quyết định gọi taxi nhưng suốt 15 phút của chuyến đi, tài xế kiên quyết mở hai cửa sổ phía trước dù mưa to, gió lạnh.
"Ban đầu tôi tưởng ông ấy muốn để cửa cho thoáng. Nhưng mưa ướt hết ghế lái và ghế lái phụ mà ông ấy vẫn không đóng nên tôi thấy rất kỳ lạ", Nguyễn Anh thuật lại. "Về nhà đọc báo và chia sẻ của các bạn, tôi tin rằng ông ấy sợ bị lây bệnh từ chúng tôi nên cố tình mở cửa".
Bà Vũ Thu Phương, 60 tuổi ở Lyon thì nóng ruột khi cô con gái Minh An, 18 tuổi bị phân biệt đối xử dù sinh ra ở Pháp và chưa từng về châu Á. "Từ đầu tuần, con cứ lên xe bus là người xung quanh đứng tránh xa. Họ nói con bé là người Trung Quốc, đến từ đất nước đang có ổ dịch. Tới nhà vệ sinh ở trường, cũng có bạn học thì thầm, chỉ trỏ con bé rồi né ra chỗ khác", bà Phương kể.
Ngày 31/1, Minh An nghỉ học vì đau đầu. Bà Phương đã cho con uống thuốc song chưa yên tâm vì nghĩ cô bé bị ảnh hưởng tâm lý. "Tôi hỏi có phải con buồn không thì con nói không phải, bị đau đầu thật. Nếu thứ hai con bé không đi học, tôi sẽ lên trường xem sao", bà nói.
Chị Nguyễn Thu Hà 27 tuổi lấy chồng và sống ở ngoại ô London (Anh) đã bảy năm nay. Nữ nhân viên công ty tài chính này chưa gặp phải sự cố nghiêm trọng nào do dịch viêm phổi Vũ Hán song vẫn chạnh lòng khi thấy một số người dân cố tình đứng tránh xa mình. "Cuối tuần trước, vợ chồng tôi ra siêu thị. Trên đường đi đã thấy nhiều người nhìn mình chằm chằm. Tới lúc thanh toán, họ còn đứng cách chúng tôi một khoảng xa", chị Hà chia sẻ.
Ngày 31/1, biết tin Anh đã xác nhận hai ca dương tính với virus nCoV, chị Hà càng lo lắng: "Tôi vừa thấy tin này đã nghĩ ngay người dân sẽ tránh mình như tránh ổ bệnh".
Tại Melbourne (Australia), chị Lynn Lê 40 tuổi lại ghi nhận tình trạng "người châu Á tự né nhau". Chị kể: "Cách đây vài hôm, tôi đi mua đồ ở cửa hàng Trung Quốc. Nữ thu ngân đeo ba khẩu trang và găng tay. Bình thường cô ấy nói xin chào và cảm ơn nhưng hôm ấy im re, dùng hai ngón tay trả tiền thừa cho khách".
Chợ châu Á và các nhà hàng châu Á cũng vắng hơn, một số tiệm Trung Quốc còn đóng cửa hẳn. "Hôm qua, tôi đi ăn ở một nhà hàng Việt ở khu nhiều người Hoa và người Việt sinh sống. Trước kia, đến đây phải xếp hàng chờ bàn. Hôm qua thì chỉ ba bàn có khách, chỗ đỗ xe cũng rất vắng", chị Lynn nói thêm.
Trong lúc chờ dịch viêm phổi Vũ Hán được kiểm soát, cách xử lý của hầu hết người Việt bị kỳ thị là chấp nhận và im lặng.
Ngân Linh cho biết trưa 30/1, vì quá giận, cô đã quay lại mắng người đàn ông kia. "Nhưng đó là lúc tôi đi với bạn. Nếu lại rơi vào hoàn cảnh ấy mà chỉ có một mình, tôi không biết sẽ phản ứng thế nào nữa", Linh thừa nhận.
"Bây giờ mình đâu thể thay đổi suy nghĩ của người ta", Phương Vy nói. "Tôi từng cảm thấy tủi thân nhưng nay thì mặc kệ".
Nguyễn Anh thì tự động viên bản thân: "Mình sẽ ít bị móc túi hơn, lại thường xuyên có ghế trên những chuyến tàu xe vốn rất đông". Tuy vậy, những hôm tới, anh vẫn sẽ hạn chế ra đường để "vừa tránh bệnh vừa tránh bị kỳ thị".
Trong khi đó, chị Lê Ánh Nguyệt, nghiên cứu sinh ngành Lịch sử tại Đại học Sorbonne cho rằng cộng đồng người Việt ở nước ngoài không nên quá căng thẳng. "Phần lớn các trường hợp phân biệt đối xử vì sợ dịch bệnh là do thiếu hiểu biết chứ các khu trung tâm, dân trí cao hầu như không có tình trạng này", chị nói. "Thay vì kỳ thị lẫn nhau, hãy tìm hiểu cách phòng bệnh hiệu quả hơn như đeo khẩu trang".
Theo vnexpress