Kathy Phạm - thành viên sáng lập USDS. - Ảnh: Medium
Ngày 8-10-2014, cô được mời tham gia nhóm thành lập Cơ quan Dịch vụ kỹ thuật số Mỹ (USDS). USDS trực thuộc văn phòng điều hành phủ tổng thống Mỹ, nhằm thay đổi dịch vụ công đạt hiệu quả như dịch vụ tư nhân.
17 tuổi vẫn mù tin học
Lúc bấy giờ Tổng thống Barack Obama đã quyết tâm mời gọi các tài năng công nghệ thông tin chung tay cải thiện chất lượng dịch vụ công sau khi một nhóm chuyên gia công nghệ tư nhân giúp chính phủ cải tiến trang web bảo hiểm y tế HealthCare.gov. Từ đó USDS ra đời với Mikey Dickerson vốn là chuyên gia của Google giữ vai trò quản trị.
Mikey Dickerson muốn gầy dựng một đội ngũ gồm các tay thiện chiến về công nghệ thông tin nên đã mời Kathy Phạm. Cô trở thành chuyên viên quản trị sản phẩm của USDS, giúp chính phủ cải thiện công nghệ trong y tế, tạo điều kiện cho các cựu chiến binh tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn cùng nhiều dịch vụ khác.
Kathy Phạm sinh ra và lớn lên ở Mỹ, là thế hệ người gốc Việt thứ hai tại Mỹ. Cô kể lại: "Đến năm 17 tuổi tôi chẳng biết gì về công nghệ và khoa học máy tính. Trường chỗ tôi không có lớp tin học và ít có học sinh muốn trở thành kỹ sư.
Cha mẹ tôi đương nhiên không hiểu rõ lĩnh vực này. Họ là dân nhập cư, chỉ muốn con có nghề nghiệp ổn định trong ngành y hay ngành luật. Đến năm cuối cấp, cô giáo dạy hình học của tôi quyết định mở lớp dạy về Pascal và thuyết phục học sinh theo học. Tôi nghe theo, cứ nghĩ đó là lớp dạy về máy tính, dạy đánh máy hay sử dụng các chương trình. Và rồi tôi đã yêu thích".
Kathy Phạm - giảng viên về quản trị sản phẩm và xã hội tại Trường Harvard Kennedy (hàng đầu, bìa phải) - hướng dẫn sinh viên thăm USDS ở Washington D.C. - Ảnh: Medium
Sau khi tốt nghiệp khoa học máy tính tại Học viện Công nghệ Georgia năm 2007, lấy hai bằng thạc sĩ tại học viện này và tại Viện Nghiên cứu kỹ thuật và khoa học ở Pháp (Supélec) với chuyên ngành khoa học mã hóa và tương tác người-máy, ban đầu Kathy Phạm làm việc trong lĩnh vực tư nhân với mong muốn sử dụng công nghệ thúc đẩy sáng kiến cải tiến.
Cô đã làm việc cho các công ty Google Health (nghiên cứu chuyển đổi dữ liệu y tế), IBM (xây dựng kho dữ liệu cho các bệnh viện) và Harris Healthcare Solutions (phát triển phần mềm mã nguồn mở chia sẻ thông tin về chăm sóc y tế giữa các bệnh viện).
Kathy Phạm nhận lời làm việc cho USDS vì nhận thấy đây là cơ hội sử dụng kiến thức đóng góp cho dịch vụ công và chăm sóc các cựu chiến binh như ý nguyện của cô khi tham gia các nhóm thiện nguyện từ thời còn đi học.
Trang web của Nhà Trắng nhận xét niềm đam mê cải thiện dịch vụ công của Kathy Phạm xuất phát từ lịch sử gia đình. Cha mẹ cô định cư ở Mỹ với mong muốn cuộc sống tốt hơn. Mẹ cô có thể được điều trị bệnh ung thư máu khắp nước Mỹ mà không lo bảo hiểm từ chối chi trả nhờ Luật bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc y tế với giá phải chăng (Obamacare).
Chăm lo gia đình và sự nghiệp
Nhà khoa học máy tính Kathy Phạm đưa ra bí quyết trong phát triển sự nghiệp: "Lãnh đạo có nghĩa là lắng nghe ý kiến của những người xung quanh, đặc biệt là những người thường giấu mặt. Điều này có nghĩa là đối với người lãnh đạo kỹ thuật trong công nghệ máy tính như tôi, phải đồng thời vừa xây cầu vừa thu hẹp khoảng cách với các lĩnh vực khác.
Điều này cũng có nghĩa cần đưa ra các quyết định khó khăn với càng nhiều dữ kiện và dữ liệu càng tốt, đồng thời sẵn sàng chuyển hướng nếu có con đường tốt hơn phía trước".
Trả lời trang web GitHub (công ty phát triển phần mềm và dịch vụ ở San Francisco) vào tháng 3-2019, Kathy Phạm kể trục xoay trong sự nghiệp của cô xảy ra vào năm 2014 khi vừa làm việc cho USDS vừa chăm sóc mẹ bị bệnh. Mẹ cô làm việc cật lực 12 tiếng mỗi ngày trong tiệm nail và nhà hàng lúc cô lớn lên.
Bà luôn khuyên bảo con gái làm việc chăm chỉ để có công việc ổn định trong phòng máy lạnh. Đến khi cô tìm được việc làm, cô đã làm được điều bà mơ ước. Khi có cơ hội vào USDS, cô không thể từ chối. Cô đã đi lại như con thoi giữa Washington, DC và San Jose (bang California) để vừa làm việc vừa giúp mẹ chống chọi bệnh tật.
Kathy Phạm tâm sự: "Tôi học được rất nhiều trong bốn năm ấy và rút ra một số bài học sau đây. Một là nếu tôi làm việc siêng năng, đối xử tốt với mọi người và cho mọi người biết đam mê của mình, nhiều cơ hội thú vị sẽ đến. Hai là vẫn có thể ưu tiên cho gia đình tôi và xuất sắc trong sự nghiệp.
Phu nhân tổng thống Michelle Obama (bìa phải), tiến sĩ Jill Biden - phu nhân phó tổng thống Joe Biden (bìa trái) chào đón Kathy Phạm đến dự lễ đọc thông điệp liên bang của tổng thống cùng em trai David Phạm ngày 20-1-2015 - Ảnh: Nhà Trắng
Đối với tôi, chuyện tập trung lo cho gia đình, nhất là lo cho mẹ trị bệnh ung thư và có mặt ở hầu hết các buổi hóa trị và xạ trị cho mẹ đã giúp công việc của tôi có thêm chiều sâu. Hơn nữa, thời gian dành cho mẹ là chút nghỉ ngơi trong quá trình căng thẳng khi lập một công ty công nghệ khởi nghiệp cho chính phủ, giúp tôi trở thành một nhà lãnh đạo và một đồng nghiệp tốt hơn. Ba là kỹ năng bị đánh giá thấp ở nơi này có thể có giá trị ở nơi khác.
Có lần một người quản lý nói với tôi hãy mỉm cười, chịu đựng, kiên nhẫn và đừng quá dựa vào người quản lý. Trong vai trò tiếp theo của mình, tôi thành công vì luôn nêu ra mối quan tâm của bản thân, trực tiếp tiếp nhận thông tin và lên tiếng nếu có vấn đề rắc rối". Em trai cô - đại úy David Phạm - bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ tại Afghanistan và đã được trao tặng Huân chương Trái tim tím.
Khách mời của Nhà Trắng
Tháng 1-2015, Kathy Phạm là khách mời ngồi cạnh phu nhân tổng thống Michelle Obama tham dự lễ đọc thông điệp liên bang của tổng thống. Cô làm việc cho USDS đến tháng 3-2018 sau khi chứng kiến đội ngũ ban đầu 10 người đã tăng đến 200 người trong hai nhiệm kỳ tổng thống.
Hiện nay cô giữ vị trí đồng lãnh đạo chương trình Thách thức khoa học máy tính có trách nhiệm tại Tập đoàn Mozilla, đồng lãnh đạo nhóm nghiên cứu về đạo đức công nghệ tại Trung tâm Berkman Klein (Đại học Harvard), nghiên cứu viên cao cấp về quản trị sản phẩm và xã hội tại Trường Harvard Kennedy, tham gia hội đồng tư vấn của Viện Anita Borg về phụ nữ và công nghệ đồng thời làm cho Media Lab (Viện Công nghệ Massachusetts) tập trung nghiên cứu về vấn đề giao thoa giữa xã hội, đạo đức và công nghệ. |
Theo Tuổi Trẻ