Xung quanh nhà trồng rất nhiều thông, một số là rừng tự nhiên - Ảnh do tác giả cung cấp
Chúng tôi sống ở ngoại ô Motueka, một thị trấn nhỏ thuộc đảo Nam của New Zealand, ngày thường đi làm mất khoảng 45 phút lái xe, hàng xóm gần nhất cỡ non cây số. Xung quanh nhà trồng rất nhiều thông, một số là rừng tự nhiên.
Tôi thường nói với bạn bè, nơi tôi ở là rừng, không phải nhà. Khoảng cách xã hội cũng tương đối "giãn" rồi, nên việc ở "rừng" một tháng với chúng tôi chắc khá dễ dàng.
Dù đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho 4 tuần "cấm túc", nhưng khi nhận được tin nhắn qua điện thoại, nâng mức cảnh báo COVID-19 toàn quốc lên cấp độ 4, từ 0h ngày 25-3, mọi người không nên ra ngoài nếu không cần thiết, tôi vẫn cảm thấy hơi... sợ, tôi có cảm giác như bị cô lập với bên ngoài.
Đang đi làm, mỗi ngày đều gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, nay chỉ ở nhà, lo vợ chồng không biết có cãi nhau không?
Trái ngược với cảm giác lo lắng ban đầu, hai tuần ở nhà trôi qua bình yên, tôi vẫn kết nối với bạn bè, gia đình, vẫn biết ngoài kia còn nhiều người thờ ơ với dịch bệnh, tụ tập tiệc tùng, làm chất chồng khó khăn cho bác sĩ.
Vài ngày trước, nghe đài đưa tin nhiều bệnh viện ở đây thiếu trang thiết bị y tế. Đọc báo thấy ở Việt Nam, các bạn trẻ đã tự làm kính bảo hộ chống giọt bắn để tặng nhân viên y tế. Chúng tôi bàn với nhau sẽ học theo, làm để tặng bệnh viện gần nơi tôi ở.
Ngày đầu tiên ở nhà, chồng tôi tra danh bạ điện thoại, tìm những nơi có thể mua nguyên liệu. Không giống như ở Việt Nam, trừ kim bấm và keo dán, bìa nhựa trong ở New Zealand rất ít nơi bán. Mà cũng rất khó mua, vì các nơi đó không phải là dịch vụ thiết yếu nên đã đóng cửa.
Tìm được một cửa hàng cách nơi tôi ở gần 2 giờ lái xe, chồng tôi gọi tới, may mắn có người nghe điện thoại. Khi nghe chồng tôi ngỏ ý muốn mua hàng, người này cho biết họ đang làm mặt hàng này để bán, nhưng cũng không còn nhiều nguyên liệu, hôm nay chỉ có một người làm việc để hoàn thành đơn hàng cuối.
Thất vọng, chúng tôi an ủi nhau, thôi, không ra ngoài cũng là một cách giúp các bác sĩ rồi.
Ngày thứ 2, tôi cho phép mình ngủ nướng đến... cháy khét.
Ngày thứ 3, chúng tôi trở lại nhịp sống bình thường (có khác là không ra khỏi cổng), tôi dậy sớm từ 5h30, chạy vài vòng từ nhà ra cổng, quay về chăm sóc cho vườn rau nhỏ. Hên là tôi đã mua hạt giống từ trước, không đợi đến lúc các kệ hàng rau giống trống trơn nên vẫn có đủ thứ để "nghịch" cả ngày ngoài vườn.
Chồng tôi không thích trồng rau, tôi được toàn quyền quyết định, chắc đó là lý do chúng tôi chưa có trận cãi vã nào.
Mang một cái giỏ xách, cứ khi nào hái mỏi tay thì tôi quay về, bỏ lên cân kiểm tra, thành quả là khoảng 2 ký sau hai giờ trầy xước tay và quần áo, vì hồng có rất nhiều gai nhọn, to và sắc.
Cây hồng có rất nhiều trái nhưng cũng có rất nhiều gai sắc - Ảnh: ĐOÀN HỒNG
Trái hồng có thể ăn tươi, làm mứt hoặc phơi khô làm trà uống. Sau vài ngày bị gai hồng cào xước thì tôi cũng có được gần 10 ký trái chín. Chắc đủ trà dùng cho 1 năm, sau khi dành một nửa cho vài người bạn. Tôi chuyển qua nấu ăn, hết món Tây tới món ta.
Hôm qua, vừa thử xong món bánh mì Việt Nam tôi làm, chồng tôi quay qua phán luôn: Không giống!
Tôi ngạc nhiên, cái gì không giống? Thì không giống bánh mì anh biết ở Việt Nam, mai anh sẽ vào bếp!
Ôi, tưởng gì, chuyện đó tôi nhiệt liệt tán thành. Nhưng cũng hỏi, có cần em giúp không? Không! Quá tốt.
Ngày mai tôi chỉ việc lướt mạng, chờ tới giờ ăn thôi.
Mới 4h sáng, chồng tôi đã nhảy bổ xuống bếp. Chắc sợ tôi đổi ý, làm lại "không ngon như bánh Việt Nam". Khoảng 8h sáng, chồng bưng tới trước mặt tôi thành phẩm.
Bánh mì thành phẩm mới ra lò - Ảnh: ĐOÀN HỒNG
Ôi trời! Đây là bánh mì anh đã ăn ở Việt Nam? Chồng tôi gãi đầu một hồi, rồi quả quyết, nó gần giống, anh định làm 5 ổ, nhưng vì không tìm thấy khuôn nên anh bỏ vô đĩa, nó mới dính nhau như vầy. Tưởng gì. Tôi lôi ra cái khuôn. Chồng tôi mừng húm: Được rồi, em sẽ có bữa trưa là bánh mì chính hiệu Việt Nam luôn!
Chẳng có gì phải vội cả, tôi lôi cuốn truyện ra đọc, chẳng thèm liếc mắt nhìn xem chồng tôi đánh vật với lũ men, đám bột thế nào. Sau mấy tiếng đồng hồ hì hục, còn có hẳn một cái khuôn hỗ trợ, thì chồng tôi đã cho ra sản phẩm thế này!
Nhờ có khuôn nên bánh mì đã khá hơn - Ảnh: ĐOÀN HỒNG
Nhìn hơi khác, nhưng bánh được làm ra bởi những người thân yêu luôn có một vị ngon đặc biệt. Chúng tôi biết vậy. Sau bữa trưa, chồng tôi nói khi nào hết COVID-19, mình về lại Việt Nam, nhất định anh sẽ học làm bánh mì!
Trong lúc tôi dọn dẹp, chồng tôi ra ngoài, lát sau anh quay lại, trong tay là bó hoa dại, mấy cành vân sam nhỏ. Anh lấy một ít trái hồng và một mảnh gỗ nhỏ bày lên bàn, chỉ ít phút sau, "bức tranh" chứa đựng tình yêu với Việt Nam của chúng tôi đã hoàn thành.
Bức tranh của chàng rể ngoại dành cho Việt Nam - Ảnh: ĐOÀN HỒNG
Yêu lắm, Việt Nam!
Theo tuoitre