Nhiều thanh niên trong đó có cả những người chưa từng gặp mặt đến nhà anh Quý để bê gạo.

Dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều quốc gia khiến cho không ít người Việt sống xa quê lâm vào tình cảnh khó khăn khi bị mất việc làm và không có nhà ở vì không thể trả tiền thuê nhà. Tại Australia, một số bà con cũng đang ở trong tình trạng này, nhưng họ may mắn được cộng đồng giang tay đùm bọc, giúp đỡ bằng việc cho ở nhờ hoặc cung cấp những túi đồ thực phẩm, những bao gạo mang tình nghĩa đồng bào.

Những ngày dịch Covid-19 lan rộng tại Australia, anh Đỗ Văn Quý, người đang sống cùng gia đình tại thành phố Melbourne (Australia) bận rộn hơn nhiều vì vừa lo cho hoạt động kinh doanh, vừa chăm sóc gia đình khi các con không đến trường đồng thời quan tâm tới những người đồng hương đang gặp nhiều khó khăn do bị mất việc làm. Những ngày gần đây, có ngày anh Quý nhận được từ 40 đến 50 tin nhắn của những người đang cần gạo. Anh hỏi từng người để xác định lại những đối tượng thực sự cần được giúp đỡ, rồi phân vùng để tiện cho việc chuyên chở. Đến đêm, có hôm anh phải thức đến 4-5 giờ sáng để ghi lại thông tin của những người đang cần gạo.

Anh Quý chia sẻ: “Vào lúc này, cần thiết nhất và quan trọng nhất vẫn là thực phẩm và nói đến thực phẩm thì mình nghĩ ngay rằng gạo là quan trọng nhất. Thêm vào nữa là số gạo ở shop Châu Á đã bán hết nên mình nghĩ vào lúc này, điều quan trọng nhất là tìm mua gạo cho bà con”.

Được biết anh Quý sinh ra trong một gia đình nghèo. Ngày anh còn nhỏ, mỗi khi Tết đến, gia đình được tặng gạo ăn Tết khiến mọi người đều rất vui và hạnh phúc. Đến bây giờ, dù cuộc sống không còn thiếu thốn nhưng anh vẫn chưa thể quên vị ngon của bát cơm ngày Tết khi đó. Khi sang Australia lập nghiệp, anh Quý cũng đã gặp không ít khó khăn, có những lúc tưởng chừng không vượt qua được. Nhưng chính vào lúc đó, anh lại nhận được sự giúp đỡ của những người Việt đi trước khiến anh có thể đứng dậy và tiếp tục cuộc sống. Với những người lập nghiệp ở nước ngoài như anh, sự ủng hộ đúng lúc của bà con không chỉ giúp anh vượt qua khó khăn mà còn mang đến sự ấm áp trước nghĩa tình đồng bào. 

Với anh Quý dù sống xa quê hương nhưng anh may mắn vẫn luôn có bà con, cộng đồng ở xung quanh. Năm 2012 biến cố ập đến với gia đình anh khi cậu con trai mới 10 tuổi đột ngột ra đi. Từ đó anh bắt đầu tham gia, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Cho đến nay, anh cùng với những người bạn đã thực hiện nhiều chuyến thiện nguyện khắp đất nước Việt Nam. Anh còn sang cả Campuchia mua gạo tặng bà con Việt kiều ở vùng Biển Hồ. Tại Australia, mỗi khi có dịp anh lại cùng những người bạn của mình quyên góp, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, chịu thiệt thòi trong cuộc sống.

Trong đợt dịch Covid-19 này, anh đã cùng với những người bạn của mình mua 11 tấn gạo, 300 thùng mì tôm để giúp đỡ 600 địa chỉ có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm mà lại không đủ điều kiện để được nhận sự trợ giúp của Chính phủ Australia.

“Tôi cũng giống như bao người khác gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống nơi xứ người như rào cản của ngôn ngữ, văn hóa và nhiều vấn đề khác. Nhưng tôi cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè và người thân nên tôi hiểu được đây là việc vô cùng quan trọng đối với tất cả mọi người trong bất cứ hoàn cảnh nào”, anh Quý chia sẻ.

Những bao gạo và thùng mì tôm được xếp lên xe ô-tô để chuẩn bị mang đến những gia đình đang gặp nhiều khó khăn

Trong các hoạt động thiện nguyện anh Quý không đơn độc, bởi tấm lòng nhân ái của anh luôn được bạn bè đồng cảm và sẻ chia. Trong đợt giúp đỡ bà con gặp khó khăn vì dịch Covid-19 lần này cũng vậy. Theo kế hoạch ban đầu, anh Quý chỉ định hỗ trợ bà con 1 tấn gạo, song sau khoảng 2 tuần thực hiện, nhiều bạn bè đã cùng chung tay với anh để giúp đỡ thêm nhiều người đang gặp khó khăn. Vì vậy, số lượng gạo mà anh quyên góp được đã nhiều hơn 11 lần so với kế hoạch ban đầu. Không chỉ góp tiền mua gạo, bạn bè của anh và cả những thanh niên chưa từng quen biết cũng đến giúp khuân vác, mang gạo tới tận các gia đình và những sinh viên đang rất cần sự trợ giúp.

Nguyễn Tiên sang Ausrtralia được 6 năm và may mắn là ngay trong những ngày đầu sống tại Australia, Tiên đã nhận được sự trợ giúp của anh Quý. Trải qua nhiều năm, Tiên cũng biết rằng không ít bà con người Việt khác khi gặp hoàn cảnh khó khăn tại Australia cũng được anh Quý và các bạn của anh quan tâm, hỗ trợ. Cảm động trước tấm lòng và các hoạt động thiện nguyện của anh Quý, Tiên luôn cố gắng sắp xếp công việc để cùng đồng hành với anh trong các hoạt động từ thiện. Vì vậy, khi anh được anh Quý chia sẻ về ý định giúp đỡ bà con bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tiên đã tạm gác những công việc của mình để cùng anh mang những bao gạo, thùng mì tôm đến cho cộng đồng người Việt.

Tiên tâm sự: “Bản thân mình đã từng là sinh viên nên mình rất hiểu đời sống sinh viên vô cùng khó khăn như phải trả tiền thuê nhà, rồi tiền học và mọi chi phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, nhiều bác cao tuổi không có con và nhiều hoàn cảnh khác nữa nên mình cũng thấy là ít nhiều mình cũng may mắn hơn mọi người. Cho nên khi anh Quý và các anh chị kêu gọi làm công việc phát gạo giúp đỡ mọi người thì mình cảm thấy hào hứng. Thực ra mình chẳng giúp đỡ được gì nhiều, nhưng mình sẽ hỗ trợ mọi người bằng hết khả năng, sức lực của mình”.

Người ta thường nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những bao gạo, thùng mì tôm đã góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, sưởi ấm tâm hồn của bà con người Việt ở nơi xa xứ, để nhiều người cảm động và thấy thêm yêu, tự hào về người Việt Nam.

Cô Hương Phạm, 65 tuổi, là một trong những người như vậy. Bản thân bị hỏng một mắt và đau một chân nhưng cô còn đang nuôi một người con 40 tuổi bị tự kỷ, vì vậy khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của cô vốn đã không mấy thuận lợi thì nay lại phải đối mặt thêm những thử thách mới. Khi anh Quý mang đến nhà tặng 20kg gạo, cô đã không kìm nổi nước mắt.

“Khi anh Quý chở xe đến nhà tôi, tôi rất xúc động, nước mắt tôi cứ chảy quanh… Tôi sang bên này được ba mươi mấy năm nhưng tôi may mắn vì đã gặp được anh Quý… Tình cảm người Việt  là “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, trong hoạn nạn mới biết ai là người nâng đỡ, giúp đỡ mình. Tuy ở châu lục xa xôi nhưng người Việt vẫn giữ được nghĩa cử đối với đồng bào, tôi trân quý tình người Việt Nam...”, cô Hương Phạm bày tỏ.

Đối tượng chịu ảnh hưởng trong mùa dịch Covid-19 còn là các bạn sinh viên, những người đang phải sống xa nhà trong lúc dịch bệnh hoành hành. Mỹ Thương, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Công giáo Australia tại thành phố Melbourne cho biết, bên cạnh nỗi lo lắng về sự an toàn của bản thân, cuộc sống của em cũng rất khó khăn khi công việc đột ngột bị mất trong lúc vẫn phải trang trải mọi thứ cho cuộc sống. Vào lúc này, sự giúp đỡ kịp thời của anh Quý và những người bạn đã tiếp thêm động lực cho Mỹ Thương để em tiếp tục kiên trì theo đuổi giấc mơ của mình.

“Em thấy sống ở một đất nước đa văn hóa như Australia, nhận được sự hỗ trợ từ những người đồng hương mới ấm áp biết  bao, em hiểu rằng, dù đi đến đâu, miễn sao có người Việt ở đó thì không sợ bị bỏ rơi hay là bị lạc lõng.  Dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào thì mình cũng nhận được sự hỗ trợ từ những người đồng hương. Những hành động ý nghĩa như của anh Quý thực sự mang biểu tượng văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau những lúc hoạn nạn, những lúc khó khăn”, Thương xúc động nói.

Anh Quý và những người bạn của mình tuy mỗi người có hoàn cảnh khác nhau song đều có điểm chung là luôn mong muốn giúp đỡ những người Việt đang gặp khó khăn để làm vơi đi phần nào những vất vả của họ.  Những bao gạo, thùng mì tôm chứa đựng sự đồng cảm, sự quan tâm và sẻ chia của những người chưa một lần gặp mặt nhưng lại đều có chung nguồn gốc “con rồng, cháu tiên”.

Những hành động đẹp của anh Quý và các bạn chẳng mong nhận lại được bất kỳ sự đền đáp nào nhưng mỗi ánh mắt, giọng nói phấn khởi của những người được giúp đỡ đã mang niềm vui và lan tỏa tình yêu thương đến với mọi người.

Bạn Nguyễn Hoài Đức, người đồng hành trong nhiều hoạt động từ thiện của anh Quý cho rằng, hành động của mọi người tuy nhỏ như những hạt gạo nhưng nếu nhiều người cùng chung sức sẽ trở thành những bao gạo lớn mang nghĩa tình đồng bào để cộng đồng thêm đoàn kết và cùng nhau tiến xa hơn nữa.

“Tôi nghĩ là trong những giai đoạn khó khăn như thế này mỗi người chỉ bỏ ra một chút thời gian, sức lực và tâm huyết để chia sẻ với những người khác thì sẽ tạo ra tác động rất lớn để đoàn kết mọi người với nhau. Chính những giai đoạn khó khăn là cơ hội để cho mọi người xích lại gần nhau hơn và xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ hơn. Như thế sau khi chúng ta vượt qua khó khăn rồi thì chúng ta đã có mối liên lạc gần gũi với nhau hơn, sẽ cùng nhau làm được nhiều hơn và đi được xa hơn”, Đức chia sẻ./.

Theo vov