Món nem cuốn nướng của nhà hàng Brodard ở thành phố Garden Grove,
phía bắc quận Cam, bang Caliornia, Mỹ
Cảnh thực khách xếp hàng dài diễn ra thường xuyên trước nhà hàng Việt Nam "Brodard" nằm trong khu Little Sài Gòn, ở thành phố Garden Grove, phía bắc quận Cam, bang California, Mỹ. Họ đến đây để thưởng thức ẩm thực Việt, bao gồm món nổi tiếng nhất của nhà hàng này là "nem cuốn nướng" chấm nước mắm, trang
KCET Food đưa tin.
Sau nhiều năm gây dựng, thương hiệu Brodard hiện có ba nhà hàng hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, cô Chau Dang-Haller, 46 tuổi, đồng sáng lập Brodard cho biết mở nhà hàng vốn không phải là mơ ước của cô và chị gái khi đặt chân đến nước Mỹ vào năm 1986.
Cha mẹ của cô Dang-Haller, tiếp nối truyền thống làm bánh mì ba thế hệ ở Việt Nam, mở một cửa hàng nhỏ ở Mỹ để kiếm tiền nuôi các con ăn học.
"Cũng giống như các gia đình Việt khác, hồi đó, chúng tôi kinh doanh chỉ để tồn tại được trên đất Mỹ, để lao động và nuôi nấng con cái học hành tử tế", Dang-Haller nhớ lại.
Câu chuyện của cô Dang-Haller khá phổ biến trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở Mỹ. Nhiều gia đình, khi loay hoay tìm cách kiếm sống ở nơi xứ người, đã chọn cách mở nhà hàng nấu các món ăn mang hương vị quê nhà.
"Người Việt Nam di cư, dù từng có vị trí xã hội như thế nào ở quê hương, thường gia nhập tầng lớp lao động ở Mỹ, đặc biệt ở giai đoạn mới đến," Phuong Nguyen, tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu về cộng đồng người Việt ở Mỹ, nhận xét kinh doanh nhà hàng trở thành một trong những cách "kiếm kế sinh nhai" khả dĩ nhất.
"Cái hay của việc mở nhà hàng là ở chỗ việc này không đòi hỏi thời gian đào tạo lâu, gần như không cần bằng cấp hoặc sự chuyên nghiệp, ít nhất là về mặt ngắn hạn", Phuong Nguyen nói.
Theo Erica J. Peters, giám đốc trung tâm nghiên cứu văn hóa ẩm thực ở vùng nam Californina, những người nhập cư nhớ hương vị các món ăn ở quê nhà và họ chia sẻ với nhau công thức nấu các món ăn hoặc chỉ cho nhau biết chỗ nào tìm được nguyên liệu chế biến. Rồi họ khuyến khích và liên kết với nhau để xây dựng mạng lưới trong cộng đồng giúp họ mở cửa hàng, cung cấp các nguyên liệu đặc trưng của quê hương.
Binh Nguyen mở nhà hàng phở "Pho Hoa" đầu tiên ở San Jose, giờ đã thành một chuỗi gồm 70 nhà hàng có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.
"Sau làn sóng nhập cư vào năm 1980, chúng tôi muốn tạo ra cảm giác ấm áp và hương vị quê nhà cho những người Việt Nam di cư", Quoc Phan, 38 tuổi, chủ chuỗi "Pho Hoa", cho biết.
Truyền thống và hiện đại
John Nguyen, 38 tuổi, sở hữu nhà hàng Cajun Kitchen ở Houston, Texas cho biết sau siêu bão Katrina năm 2005, một làn sóng người gốc Việt từ New Orleans đổ về Houston để tái định cư. Số lượng người Việt tăng nhanh kéo theo những nhà hàng bán tôm đất pha trộn giữa hương vị địa phương và ẩm thực Việt Nam mọc lên như nấm. Những nồi cua đất chế biến theo phong cách của bang Louisiana béo ngậy mùi bơ tỏi giờ đây được nêm nếm thêm vị chua của chanh và mùi thơm của lá sả. Tính đến năm 2014, theo số liệu Viện chính sách di cư, có 1,3 triệu người Việt Nam nhập cư sống ở Mỹ, đa số tập trung sinh sống ở các thành phố Los Angeles, San Jose và Houston, nơi khí hậu nắng ấm và gần biển thuận lợi cho nghề đánh bắt cá.
"Cơn sốt tôm đất vị Việt, hay còn gọi là Viet-Cajun, ở Houston có lẽ bắt đầu nhen nhóm khoảng năm 2000-2001. Lúc đó chỉ có một hoặc hai nhà hàng và 4-5 năm sau đó thị trường không có nhiều cạnh tranh", John Nguyen nói tuy nhiên mọi việc thay đổi hoàn toàn từ năm 2005 khi các nhà hàng mới mọc lên san sát.
John, vốn là một kế toán trong ngành dầu khí, đã mua lại Cajun Kitchen vào năm 2013 từ người chủ cũ cũng là một người gốc Việt. Anh John tự tin món tôm đất vị Việt là "độc đáo", "có một không hai" và không giống bất cứ công thức chế biến món cajun nào có trong sách vở.
Trong khi đó, cô Vuong, chủ nhà hàng Lilly’s Cafe ở New Orleans, lại nhất quyết nấu các món ăn thuần vị Việt, không lai tạp hay pha trộn với ẩm thực từ các nền văn hóa khác. Nhà hàng của cô không ít lần đón tiếp các chuyên gia đánh giá ẩm thực có tiếng ở Mỹ. Hàng năm, cô Vuong và chồng đồng thời là bếp trưởng Kiet Le đều về Việt Nam để cập nhật sự thay đổi trong cách nấu phở ở quê hương.
"Ai cũng có thể nấu phở nhưng không phải ai cũng có thể nấu phở ngon bởi vì đây là món ăn đòi hỏi sự kiên trì và tận tâm. Không đơn giản là anh nấu vài khúc xương với nước, xong gọi đó là 'phở'", cô Vuong nhấn mạnh.
Ngoài tình yêu mãnh liệt với ẩm thực truyền thống của Việt Nam, cô Vương cho biết New Orleans là một trung tâm tập trung đông các gia đình gốc Việt, điều đó có nghĩa là có rất nhiều các bà nội trợ với kỹ năng của một đầu bếp siêu hạng nấu những bữa ăn ngon hàng ngày, tạo ra một nhóm thực khách kỹ tính và kén chọn khi đi ăn nhà hàng Việt.
"Vậy nên khi anh ra ngoài ăn ở nhà hàng, anh sẽ kỳ vọng được thưởng thức các món có hương vị giống hoặc ngon hơn (so với đồ ăn nấu ở nhà). Nếu không như thế, anh sẽ không đến nhà hàng đó nữa", cô Vuong nói.
Tuy nhiên, những người trẻ như Dang-Haller lại cho rằng ẩm thực cũng như thời trang, người đầu bếp phải đi theo xu hướng, luôn đổi mới và tạo ra bản sắc riêng. Theo Dang-Haller, đó là lý do tại sao nhà hàng Brodard thành công như vậy suốt nhiều năm qua. Ví dụ khoảng 10 năm trước, khi cá ngừ vây vàng áp chảo bỗng trở thành "cơn sốt" ở Mỹ, đầu bếp của Brodard nhanh chóng bắt kịp nhu cầu của khách hàng và dùng loại cá này làm nhân cho món nem thay vì thịt lợn như loại truyền thống.
Dù trung thành với truyền thống hay nhanh nhạy với xu hướng, tất cả các chủ nhà hàng gốc Việt đều tin rằng chìa khóa cho thành công của họ là làm việc chăm chỉ.
"Là người nhập cư, chúng tôi hiểu rằng nếu bỏ học giữa chừng, nếu không chăm chỉ làm việc, chúng tôi sẽ không thể tồn tại được", Dang-Haller nói. "Chúng tôi không thể trông chờ vào ai cho không cái gì cả, kiểu như bố mẹ anh giàu có và để lại cho anh thừa kế cái này, cái kia".
Còn cô Vuong cho rằng ngoài tính chăm chỉ, cần mẫn, "gia đình chính là nền tảng cho mọi thứ".
Theo VNExpress