Bà Leuang Litdang - Chủ tịch Dao Heuang được Thời báo Nhật Bản bình chọn là 1 trong 100 CEO châu Á trong kỷ nguyên mới.
Hiện Dao Heuang sở hữu vườn cà phê diện tích 280 ha tại huyện Pakxong, tỉnh Champasak, năng suất thu hoạch đạt hơn 560 tấn/năm, trị giá khoảng 26 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất chế biến cà phê của Dao Heuang vào loại hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD, công suất 8.000 tấn sản phẩm/năm. Thương hiệu Đào café của Dao Heuang đã có mặt tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…
Tuy nhiên để đạt được đỉnh cao sự nghiệp của ngày hôm nay, nữ tỷ phú gốc Việt Leuang Litdang - Chủ tịch Dao Heuang - đã phải vượt qua nhiều trắc trở trong sự nghiệp của một doanh nhân làm ăn xa xứ.
Sao sáng đất Lào
Leuang Litdang là tên tiếng Lào của bà Lê Thị Lượng, người phụ nữ Huế đã thai nghén ra đứa con tinh thần mang tên Đào Hương hay Đào Café.
Cái tên Đào Hương xuất phát từ tên con gái bà Lượng, tên Hương. Đào Hương tiếng Việt có nghĩa là Sao Sáng, đổi sang tiếng Lào bà cũng giữ luôn ý nghĩa. Bà ước mơ dẫn dắt doanh nghiệp này trở thành một ngôi sao sáng trên thương trường Lào và Đông Nam Á.
Bà Lượng người gốc Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Gia đình nghèo khó, bà là chị cả trong 8 chị em. Từ nhỏ, bà đã lăn lộn làm đủ mọi nghề, từ làm thuê, bán hàng đủ thứ như chuối nướng, bắp nướng, chuối chiên, khoai chiên. Lớn hơn, bà đi gánh nước, giặt ủi áo quần thuê. Dành dụm được chút vốn ít ỏi, bà tìm đường lên Vientiane bán bún cà ri, bánh khọt, bánh gai sau đó qua Bangkok học nghề may rồi về mở cửa hàng tạp hóa.
Quen với việc buôn bán từ nhỏ, bà nhạy bén trước các cơ hội kinh doanh. Những năm 1976 - 1980, bà con người Việt sang Lào làm ăn nhiều, bà mở một quầy tạp hoá nên thu nhập cũng ổn định hơn. Sau khi lập gia đình, bà quyết định giao hết vốn liếng cho em trai, rồi theo chồng là bác sỹ về lại Paksé. Ở đây, bà làm bánh, mứt đem bán, dành nhiều thời gian chăm sóc con cái, tạm bằng lòng với cuộc sống yên ổn.
Bước ngoặt
Đến giữa thập niên 80, khi Lào chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, nhiệt huyết làm kinh doanh trong bà lại trỗi dậy. “Mọi người ai cũng nói chị làm xuất nhập khẩu được đó. Tôi nói tôi không có vốn, không có trình độ, không có học thức làm sao làm xuất nhập khẩu được. Nhưng nghe mọi người khuyên, tôi mạnh dạn mở công ty nhập hàng Thái về bán", bà kể lại.
Đây cũng là lúc cơ duyên đưa đẩy bà Lượng bước vào ngành kinh doanh cà phê. Sau một thời gian, bà nghĩ rằng thay vì đi mua cà phê, chi bằng tự mình sản xuất. Đây là ý tưởng khiến bà dấn thân vào nghiệp trồng cây cà phê trên đất Lào.
"Tôi bắt đầu đi kiếm đất, đầu tư một số vốn lớn. Hồi đó làm ăn khá thì tôi có tiền, tôi đầu tư hai triệu USD để trồng cà phê. Mới trồng năm đầu thì bị sương muối chết hết, nhưng mà tôi kiên trì lắm, thua keo này tôi bày keo khác, có kinh nghiệm rồi bây giờ trồng lại mới”, bà nhớ lại thuở khởi đầu khó khăn.
Cũng nhờ lần đó, bà nhận ra đất đai ở Champasak phù hợp với cà phê arabica. Không nản, bà cho trồng lại và mở rộng diện từ từ 150ha thành 250ha cà phê arabica.
Bà mời những kỹ sư người Việt giỏi nhất, các công nhân lành nghề nhất từ Gia Lai, Đắk Lắk…, qua Lào để chuyển giao công nghệ nuôi và trồng cà phê. Sự tương đồng về thổ nhưỡng vùng Champasak với vùng Tây Nguyên của Việt Nam đã đem lại nhiều thuận lợi.
"Người Việt giỏi trồng trọt, cà phê vườn của tôi nổi tiếng vì chất lượng cao, được chăm sóc kỹ, năng suất tốt và được coi như vườn cà phê mẫu”, bà tự hào cho biết.
Công nhân trong nhà máy sản xuất cà phê của bà Lượng
Sự nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cà phê đã phát đi những tín hiệu lạc quan, bà nhấn ga rót 200 triệu USD xây nhà máy chế biến cà phê mang tên "Dao Coffee". Đây là nhà máy cà phê lớn nhất Đông Nam Á tại thời điểm đi vào hoạt động cuối năm 2012. Nhà máy hoạt động chưa lâu, nhưng thương hiệu Dao Coffee đã lan rộng khắp Lào, có mặt trên sạp hàng ở chợ, siêu thị,….
Nhiều người nói Dao Coffee thành công sớm là nhờ giỏi trong việc tiếp thị và mở mạng lưới phân phối. Nhưng bà Lượng khẳng định nếu chỉ giỏi tiếp thị mà sản phẩm không ngon thì không có khả năng cạnh tranh.
“Chuỗi cà phê Đào hoàn toàn do tự tay tôi trang trí, có mặt tại cả Vientiane, Paksé Savanakhet. Cà phê của tôi có chất lượng vì hoàn toàn không pha hóa chất, dùng giống cà phê tốt, đưa vào rang xay rất sạch sẽ. Tôi tin rằng trong tương lai cà phê của tôi sẽ còn đi xa nữa”, bà Lượng khẳng định.
Sau mười năm, Dao Heuang vươn lên trở thành doanh nghiệp trồng, thu mua và xuất khẩu cà phê lớn nhất Lào. Không dừng lại ở đó, Tập đoàn còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như sản xuất nước tinh khiết đóng chai, trái cây sấy, trồng và chế biến trà xanh, nước trà đóng chai, kinh doanh khách sạn, xây dựng chợ...
“Tôi có một niềm tin với người Việt"
Một thập kỷ trước, dân Lào không biết trồng cà phê lại có thể có thu nhập cao, bà Lượng nói. Chính bà là người đã hướng dẫn họ cách trồng sao cho hiệu quả mà lại không mất công bón phân.
Người dân địa phương rất phấn khởi, nhiều nhà giờ đã có xe ô tô chở cà phê thay cho xe công nông, có nhà còn mua ôtô du lịch. Có nhà máy cà phê, bà sẽ giúp người trồng cà phê không còn bán cà phê xanh, cà phê non nữa.
Không chỉ vậy, bà Lượng luôn đau đáu một tình cảm thiêng liêng dành cho quê hương và người dân Việt Nam. “Tôi có một niềm tin với người Việt. Tôi rất thích công nhân người Việt Nam, họ thông minh và chăm chỉ, nên nhiều việc khó, thậm chí là rất khó, nhưng những người công nhân Việt vẫn làm được, thậm chí làm rất tốt là đằng khác”, bà Lượng tâm sự. Hiện nay, 80% trong số khoảng 1.000 cán bộ, công nhân của Dao Heuang là lao động Việt.
Đó là lí do bà Lê Thị Lượng không chỉ được người dân Lào ngưỡng mộ, và còn là nữ doanh nhân được phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vinh danh. Năm 2012, bà được Thời báo Nhật Bản bình chọn là 1 trong 100 CEO châu Á trong kỷ nguyên mới.
Theo Lê Hùng/Doanhnghiepodessa.com