Chị Trịnh Thị Mùi chia sẻ lại hành trình thăng trầm và thành công của ITC-Pacifictrogn 15 năm xây dựng và trưởng thành (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

LTS: Năm 2020 sẽ ghi dấu 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (1975-2020). Chính phủ hai nước, cùng với nỗ lực hỗ trợ cho công dân hai quốc gia thuận lợi để làm ăn sinh sống và học tập, không ngừng cải thiện mối quan hệ ngoại giao thông qua hình ảnh thành công của mỗi cộng đồng doanh nghiệp đã và đang hoạt động trên lãnh thổ của mình. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Việt Nam- Đức đã và đang không ngừng phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng.

Nhân sự kiện ý nghĩa này, Báo Thế giới và Việt Nam cũng xin giới thiệu đến bạn đọc cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài một gương mặt doanh nhân điển hình. Chị đã vượt qua bao khó khăn để thành công, góp phần rất lớn vào mối quan hệ giữa hai Nhà nước, hai Chính phủ ngày càng bền chặt. Đó chính là chị Trịnh thị Mùi- Giám đốc TTTM Thái Bình Dương (International Trade Center-Pacific - ITC-Pacific), Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Cộng hòa Liên bang Đức.

 

Kỳ I: Nước Đức - Nơi nuôi dưỡng những người dám ước mơ

Mang trong mình dòng máu của một dân tộc anh hùng, mạnh mẽ, kiên cường và chung thuỷ. Tôi nói vậy cũng chẳng phải tự nhiên, cũng bởi hình ảnh của chị - một nữ doanh nhân tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người Việt Nam tại Đức, mà còn của giới doanh nhân xứ bản địa. Chị đã khai sinh ra một trung tâm thương mại giữa lòng thủ đô Berlin, góp phần lớn vào việc giải quyết việc làm cho cộng đồng ngừơi Việt Nam tại Đức. Điều đó, đồng nghĩa với việc chị đã đóng góp rất lớn cho Chính phủ Đức trong việc ổn định cuộc sống cho cộng đồng người Việt ở nước sở tại.

Như một người khách lạ

Một ngày đầu tháng 1/2020, giữa đất trời Âu Châu lạnh đến tê người khi nhiệt độ xuống đến 2 độ C, chị em chúng tôi hẹn gặp nhau lúc 18g chiều tại quán coffee Starbuck ở trung tâm thương mại Alexa.

Đúng giờ hẹn, sau cuộc điện thoại “tìm kiếm” khách của mình, tôi nhận ra chị. Mắt tôi tròn xoe, vì thú thật, tôi cũng thuộc dạng phóng viên có tiếng “lỳ đòn” khi phỏng vấn nhân vật. Ấy vậy, khi gặp chị, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi trước mặt tôi là một người phụ nữ có khuôn mặt khá tròn, dáng người hơi nhỏ nhắn.

Điều làm tôi ngạc nhiên hơn, chính là sự tự nhiên và vồn vã của chị. Điều đó làm tôi bớt đi phần lúng túng vì tôi không thể hình dung được người phụ nữ mà tôi đã từng nghe danh “khuấy đảo” thủ đô Berlin ở 2 thập niên cuối của thế kỷ trước lại là một người nhỏ nhắn như vậy.

“Em khoẻ chứ, hẹn mãi cuối cùng chị em mình mới gặp được”. Tôi gật đầu chào và bắt đầu quan sát theo thói quen: Một người phụ nữ quắc thước, khoảng chừng 55 tuổi, nước da bánh mật và điểm nhấn trên khuôn mặt có lẽ là đôi mắt lanh lợi và nụ cười hình như chưa bao giờ biết tắt...

“Em bất ngờ quá, khi nhìn thấy chị không như em hình dung phải là một người cao lớn, có phần bệ vệ. Vậy mà... “.

Tôi đã mở đầu buổi nói chuyện như thế và bỏ lửng câu nói của mình, vì chị đã xen vào “thấy chị nhỏ con chứ gì”. Rồi một tràng cười giòn tan, phá tan không gian đang có vẻ “ảm đạm” của một quán coffee khá nổi tiếng với thương hiệu Starbucks nằm trên tầng hai của khu trung tâm thương mại Alexa...

“Vâng. Đúng vậy ạ”! Tôi lại trả lời khi mắt vẫn tròn xoe và chưa hết ngạc nhiên.

Chị lại tiếp, “Chị thấy cũng bình thường mà, người Việt mình vốn dĩ không to con đâu em, nhưng chị nghĩ lòng dân người Việt mình đáng để chúng ta tự hào”. Nói xong, chị ngưng lại và ra chekin coffee, vì từ khi gặp, chị em cứ tíu tít hỏi thăm mà đã kịp oder thức uống đâu nào.

Ngồi nhấp từng ngụm coffee, tôi bỗng nhớ Việt Nam đến lạ lùng, cái mùi vị coffee Việt Nam thì không ai đi xa là không nhớ và tôi cũng không ngoại lệ. “Em qua nhiều như vậy, có cảm nhận được gì ở Berlin không, nhất là người Việt mình đang sinh sống và làm việc ở nước Đức này”. Chị đã theo quán tính của một người kinh doanh: dễ gần, dễ bắt chuyện và từ bao giờ, tôi lại là người “được” chị “phỏng vấn”!

Sau một lúc, anh Hải, chồng của chị đã mua đồ ở kaus xong và chúng tôi di chuyển về nhà chị. Đoạn đường quả là ngắn, tôi chưa kịp nghĩ gì thì chiếc xe đã đỗ xịch trong sân của một ngôi nhà mang phong cách rất tây, có cổng rào, có garden, có bãi đậu xe ô tô riêng (tôi nói vậy vì ở nước Đức, bãi đậu xe ô tô được xem như là một thứ hàng xa xỉ).

Sau khi vào nhà, chị và ông xã tranh thủ dọn dẹp vài thứ lỉnh kỉnh vừa mua ở kaus trong Alexa về. Còn lại một mình ở phòng khách, theo quán tính, tôi đảo mắt quan sát xung quanh, ngôi nhà được bày trí khá đơn giản nhưng sạch sẽ và sang trọng. Tôi không muốn nói là có phần “bề thế” … vốn dĩ là hình ảnh của nước Đức hùng cường và tôi cứ thế, mải mê trôi theo những suy tưởng của riêng mình….

ky i nuoc duc noi nuoi duong nhung nguoi dam uoc mo
Cổng chính vào ITC-Pacific - Một địa điểm kinh doanh của cộng đồng người Việt ở Đức (Ảnh:Bảo Lan)

Nước Đức - Nơi nuôi dưỡng những ước mơ

Rõ vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà người Đức được mệnh danh là “cỗ xe tăng” và hình ảnh đất nước với biểu tượng về sức mạnh chính là con Sư tử. Bởi nước Đức trong quá khứ và hiện tại, là một quốc gia đứng đầu về kinh tế của khối Schengen, với một nền văn hóa đa sắc tộc được hình thành từ 4 quốc gia hùng mạnh từ trong thế chiến thứ hai gồm: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Anh, nhưng nhà nước Đức lại có một thể chế vô cùng chặt chẽ về pháp luật.

Bên cạnh một nền tư pháp chặt chẽ, Đức lại là một đất nước để cho những ai dám ước mơ, dám khát vọng vươn tới. Bởi chính phủ Đức rất rõ ràng, minh bạch và công bằng cho tất cả mọi người dân. Và có lẽ, đó chính là “lý do” để giữa ngã ba đường, người phụ nữ tên Trịnh Thị Mùi đã chọn cho mình con đường ở lại!

Em thấy nhà chị thế nào? Hơi đơn giản phải không? Lại bắt đầu bằng câu hỏi, chị đã phá tan suy nghĩ của tôi bằng cách ấy.

Tôi không trả lời thẳng vào câu hỏi của chị, mà chủ động ngồi xuống cái bàn ăn ở nhà dưới và trả lời theo cách của mình, là đặt một loạt những câu hỏi khác, “Tại sao chị chọn ở lại, tại sao chị có thể thành công trong kinh doanh khi mà không hề biết tiếng, và người Việt mình ứng xử với luật pháp nước Đức khi đó như thế nào, vv và vv…

ky i nuoc duc noi nuoi duong nhung nguoi dam uoc mo
Tác giả chụp hình với vợ chồng chị Trịnh thị Mùi vào một ngày đầu tháng 1/ 2020 (Ảnh: Bảo Lan)

Pha cho tôi một ly trà nóng, chị bắt đầu kể, năm 1987 khi ấy chị là cán bộ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II . Đang đau khổ khi phải “ly hôn” mối tình đầu sau 7 năm gắn bó, thì nhà nước lại có chương trình đi hợp tác lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức, thế là chị xung phong đi và trở thành công nhân lao động của một nhà máy điện tử ở Berlin. Nhưng “Thời cuộc không ngừng thay đổi, nên chỉ sau 1 năm, nước Đức thống nhất. Tất cả các xưởng, nhà máy hầu như đều đóng cửa. Những người Việt đi theo diện xuất khẩu lao động như chị đều thất nghiệp. Sau đó, thì chính phủ Đức có chương trình hỗ trợ cho hồi hương với việc trợ cấp 3.000 đê mác/người”.

Ngừng lại một chút, chị kể tiếp, khi ấy mình cũng đã có thể gọi là trưởng thành rồi nhưng mình cũng chỉ là phụ nữ thôi. Nên nỗi buồn của chuyện tình cảm đã đem đến cho chị quyết tâm ở lại trên một đất nước vừa thôi chia cắt; Luật pháp tranh, tối tranh sáng; Công việc không có; Tiếng cũng không… mọi khó khăn như bủa vây.

Chị bảo, may mắn chị gặp được ông xã của mình - một du học sinh chính hiệu. Khi đó chị cũng chẳng nghĩ đó là định mệnh mà chỉ nghĩ mình có giỏi thì vẫn là phụ nữ, cần một bờ vai để tựa khi buồn, cần một người đủ mạnh để che chở mỗi khi cuộc sống gặp sóng gió.

Nhưng đến nay nghĩ lại, đó là định mệnh. Cuộc sống của chị đang viên mãn, chồng chị nhờ giỏi tiếng Đức, đã ở bên cạnh và giúp chị từng bước để thích nghi với cuộc sống ở một đất nước xa lạ và kinh doanh thành công. Nước Đức là vậy, là nơi để nuôi dưỡng những ai dám hy vọng và dám ước mơ. Chị nói với tôi như vậy. Rồi đứng dậy đi ra làm đồ ăn tối cho đứa con gái của mình, sau khi đã nói với theo “cũng lâu rồi chị đã quên mất bổn phận người phụ nữ trong gia đình”.

Còn tiếp kỳ II

Theo Thế giới và Việt Nam