Bà Việt Triều và NTK Lan Hương cùng ký tên lên cặp áo dài trong Triển lãm “VN dáng vóc trường tồn”
Năm 2020, lần đầu tiên “Tuần lễ áo dài” được diễn ra từ ngày 2-8/3, với nội dung chủ yếu là phát động phụ nữ cả nước mặc áo dài. Hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội và 110 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Cùng trò chuyện với bà Nguyễn Việt Triều - Chủ tịch Hội đồng phu nhân, Hoa hậu Áo dài phu nhân người Việt toàn Châu Âu và Nghệ nhân áo dài, Nhà thiết kế (NTK) Lan Hương về chủ đề phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài với tà áo dài quê hương.
PV: Thời gian gần đây, cộng đồng NVNONN đã có nhiều hoạt động tôn vinh vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam. Thưa bà Việt Triều, là Chủ tịch Hội phụ nữ VN tại Ba Lan, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng phu nhân – Hoa hậu Áo dài phu nhân người Việt toàn Châu Âu, bà có thể cho biết một số những chương trình như thế?
Bà Việt Triều: Có lẽ mọi phụ nữ VN khi đi ra nước ngoài trong hành trang đều có vài bộ áo dài. Điều đó thể hiện chị em luôn đau đáu nhớ về quê hương và mong muốn được thể hiện cốt cách, văn hóa và vẻ đẹp của người phụ nữ VN. Vì thế nên tất cả các lễ hội, liên hoan của người Việt, đặc biệt là Tết cổ truyền VN hay lễ hội văn hóa của người bản xứ thì các chị em, ít nhất là ở Ba Lan, đều mặc áo dài.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã có một số cuộc thi để tôn vinh tà áo dài. Năm 2012, cuộc thi Người đẹp thanh lịch của cộng đồng người VN tại Ba Lan dành cho các thiếu nữ từ 18-26 tuổi đã được tổ chức. Khi ấy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giới thiệu NTK - nghệ nhân áo dài Lan Hương hỗ trợ chúng tôi và bộ sưu tập Sen của chị đã đến với Ba Lan.
Sau đó, chúng tôi đã tham gia cuộc thi Duyên dáng Áo dài Việt Nam toàn châu Âu, tổ chức tại CHLB Đức. Đây là cuộc thi dành cho lứa tuổi từ 35 trở lên, quy tụ 143 thí sinh. Dù mới chỉ đơn thuần là cuộc thi nói lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt với áo dài, nhưng nó đã tạo cảm hứng và kết nối tất cả chị em phụ nữ Việt sống ở Châu Âu xích lại gần nhau và lan tỏa thêm tình yêu đối với áo dài.
Năm 2018, cuộc thi Áo dài phu nhân toàn Châu Âu mùa thứ nhất được khởi động tại CH Séc. Cuộc thi này đã nâng lên một mức cao hơn đối với các chị em dự thi. Bản thân hai chữ “phu nhân” là cũng mang ý nghĩa đòi hỏi các thí sinh là những người có nhân cách tốt, có cuộc sống ổn định, có gia đình hòa thuận ấm êm, có con cái ngoan và trưởng thành. Cuộc thi này đã mang lại một hiệu ứng rất mạnh; qua đó đã thành lập nên Hội đồng Phu nhân toàn châu Âu, gồm các Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch các tổ chức phụ nữ người Việt tại Châu Âu, hoặc các chị lãnh đạo các Hội người Việt tại Châu Âu… Năm đầu tiên, Hội đồng Phu nhân có 13 người, là những gương mặt có ảnh hưởng, lan tỏa được phong trào cộng đồng tại các nước đó.
Phụ nữ Việt ở nước ngoài duyên dáng trong tà áo dài quê hương |
PV: Vậy là ngay từ cuộc thi năm 2012, nghệ nhân áo dài Lan Hương đã có cơ duyên gắn bó với phụ nữ VNONN. Bà có thể chia sẻ về hành trình đồng hành với các cuộc thi có liên quan đến áo dài của NVNONN?
NTK Lan Hương: Trong quá trình làm nghề, ở trong nước tôi cũng đã là cố vấn, thiết kế, tài trợ cho nhiều cuộc thi. Tuy nhiên, khi nhận được lời mời từ cộng đồng người Việt xa xứ, tôi rất hào hứng. Tôi luôn muốn lan tỏa giá trị nhân văn, giá trị truyền thống của trang phục Việt Nam, đặc biệt là đến với những người Việt đang sống ở nước ngoài.
Năm 2012, lần đầu tiên tôi gặp các thí sinh trong cuộc thi, là các thiếu nữ rất trẻ và vẫn còn ngơ ngác, nói tiếng Việt có khi còn không sõi, hầu như đều có rất ít kiến thức về loại trang phục mà các cháu vẫn thấy mẹ và bà mình mặc. Tôi đã chọn rất kỹ những bộ áo dài mang tới cuộc thi, để làm sao cho các cháu mặc và thấy đẹp, từ chỗ thấy đẹp thì các cháu mới thích, và có thích thì mới đi tìm hiểu. Tôi nghĩ đó là điều rất quan trọng vì nền tảng cốt lõi văn hóa và giá trị tinh thần của dân tộc là điều không thể lãng quên được.
Sau cuộc thi đó, tôi có nhiều cơ duyên để được làm giám khảo, làm cố vấn và hỗ trợ cho nhiều cuộc thi ở các quốc gia khác. Sau mỗi cuộc thi trở về, tôi lại thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc nâng tầm giá trị tà áo dài Việt Nam ra thế giới.
PV: Trong chương trình nghệ thuật Hà Nội trong lòng người xa xứ, những phụ nữ VNONN được trở về và đứng trên sân khấu của Nhà hát lớn Hà Nội, trình diễn những bộ sưu tập áo dài của NTK Lan Hương. Thưa bà Việt Triều, bà có thể giới thiệu rõ hơn với độc giả về chương trình này?
Bà Việt Triều: Sau chương trình Áo dài phu nhân toàn Châu Âu lần I năm 2018, chúng tôi đã thành lập ra Quỹ Áo dài phu nhân, với mục đích quyên góp từ các phu nhân ở Châu Âu cho những mảnh đời bất hạnh ở quê nhà, đồng thời chia sẻ với những NVNONN còn nhiều khó khăn.
Năm 2019, nhân kỉ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, chúng tôi đã làm một chương trình nghệ thuật tại Nhà hát lớn. Quỹ Áo dài phu nhân đã về, đi thăm các cháu bé đang điều trị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Nhi và đóng góp vào Quỹ Hành trình đến trái tim cho các chiến sĩ Trường Sa.
Hà Nội trong lòng người xa xứ thể hiện tình cảm thiết tha của những phụ nữ sống ở châu Âu với Hà Nội – thủ đô yêu dấu. Trong chương trình đó, chúng tôi đã mời nghệ nhân Lan Hương lo toàn bộ trang phục cho buổi trình diễn. Những bộ sưu tập áo dài của chị đã đưa mọi người trở về với lịch sử của áo dài qua các triều đại… Đó là một chương trình để đời, là một dấu ấn, cũng là vinh dự của tất cả những phu nhân được trở về và khoác lên mình tà áo dài quê hương.
PV: Tôi cũng được gặp gỡ các phu nhân tham gia chương trình hôm đó, và được nghe các chị chia sẻ về niềm vui, niềm tự hào khi được trình diễn những bộ áo dài rất đẹp của NTK Lan Hương. Bà Lan Hương cũng đã rất kỳ công khi đưa những bộ sưu tập đó vào chương trình phải không?
NTK Lan Hương: Tôi còn nhớ khi chị Việt Triều trở về, chị bày tỏ muốn Lan Hương cố vấn lựa chọn trang phục làm sao để truyền tải được tình cảm mà chị em gửi gắm về quê hương. Bản thân tôi là người đã gần 20 năm nỗ lực giới thiệu tà áo dài VN ra thế giới, nên tôi đã hình dung ra một chương trình không phải được tổ chức bởi những nhà tổ chức chuyên nghiệp, nhưng lại trên một sân khấu rất chuyên nghiệp. Điều quan trọng, đó là niềm tự hào của rất nhiều chị em được đứng trên sân khấu, được trình diễn, thể hiện tình cảm của mình đối với trang phục áo dài nói riêng và với Hà Nội, Việt Nam nói chung. Vì thế tôi nghĩ ngay đến một câu chuyện kể về Hà Nội, về phụ nữ Hà Nội, về những năm tháng ký ức của những phụ nữ Hà Nội xa xứ. Và tôi đã thiết kế trọn vẹn một câu chuyện về phụ nữ qua các thời kỳ. Khi tôi thông báo cho chị Việt Triều, chị đã rất xúc động. Câu chuyện sau đó còn hay hơn nữa, đó là sau khi trình diễn tại Nhà hát lớn rất thành công thì chị Triều lại đặt vấn đề để mang bộ sưu tập áo dài của tôi ra nước ngoài. Tôi đã sắp xếp đầy đủ các bộ áo dài cùng với đạo cụ đi kèm, là những cây ghim cài đầu, những đôi guốc mộc, những chiếc nón quai thao…
PV: Được biết NTK Lan Hương cũng sẽ tài trợ cho một phần trình diễn trong mùa mới của Hoa hậu Áo dài phu nhân năm nay?
Bà Việt Triều: Sau Hoa hậu Áo dài phu nhân lần đầu năm 2018, mùa thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 5 tới tại Dresden, CHLB Đức. Ban Tổ chức cũng mong muốn sẽ tiếp tục mời nghệ nhân Lan Hương đồng hành trong sự kiện này, cũng như trong các chương trình sắp tới. Chúng tôi rất mừng khi chị đã nhận lời, với sự nhiệt tình và mong muốn được lan tỏa rộng rãi nét đẹp của tà áo dài Việt. Năm nay, NTK Lan Hương sẽ tài trợ trang phục áo dài trình diễn mở màn của đêm chung kết Hoa hậu Áo dài phu nhân người Việt toàn Châu Âu.
Chị em kiều bào khoe sắc trong tà áo dài |
PV: Bà Lan Hương có thể bật mí một chút về việc này?
NTK Lan Hương: Tôi sẽ thiết kế từng bộ áo dài theo chính lợi thế của mỗi thí sinh để tôn vinh được giá trị nhất khi trình diễn trên sân khấu. Đặc biệt hơn nữa, tôi sẽ thiết kế bộ trang phục này với các bộ trang sức của nhà tài trợ khác. Sự kết hợp giữa áo dài với trang sức làm nên một câu chuyện thời trang thú vị. Bộ áo dài và trang sức lần này sẽ rất đặc biệt, cũng là trên lụa truyền thống với những họa tiết được thêu tay rất kỳ công, với cốt truyện nhân văn mang tính dân gian của Việt Nam… Mong rằng qua màn trình diễn mở màn đó, mọi người sẽ hiểu được hơn nữa về một thể loại trang phục mà VN đang mong muốn trở thành di sản.
Bà Việt Triều: Tôi cũng xin chia sẻ thêm rằng lần này, cùng với NTK Lan Hương sẽ tài trợ áo dài, thì chúng tôi còn nhận được sự đồng hành của một nhà tài trợ nữa là chị Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch của PNJ Việt Nam. PNJ Việt Nam sẽ tài trợ 2 chiếc vương miện cho 2 người thắng cuộc, và tài trợ trang sức biểu diễn cùng bộ áo dài của NTK Lan Hương. Hy vọng sự kết hợp hài hòa của hai nhà thiết kế tên tuổi sẽ tạo nên hình ảnh nâng tầm cuộc thi Hoa hậu áo dài phu nhân toàn Châu Âu lên không chỉ đối với cộng đồng người Việt tại Châu Âu, mà còn để lại những ấn tượng đẹp với bạn bè quốc tế.
PV: Tôi tin rằng với sự tâm huyết của Ban tổ chức và sự đồng hành của những nhà tài trợ thì Hoa hậu Áo dài phu nhân mùa hai năm 2020 sẽ tạo nên những dấu ấn đẹp đẽ trong lòng mọi người!
Bà Việt Triều: Thực ra cuộc thi cũng là hoạt động để gìn giữ bản sắc văn hóa Việt, để quảng bá hình ảnh của tà áo dài VN, quảng bá nét đẹp của người phụ nữ VN thông qua tà áo dài. Nhất là năm nay là Năm Áo dài VN, chúng ta đang mong muốn áo dài sẽ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Ngoài ra, cuộc thi Hoa hậu Áo dài phu nhân toàn châu Âu giúp cho sự gắn bó, kết nối của phụ nữ VN sống ở các nước khác nhau cùng tụ về, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau – đó là tác dụng tích cực của chương trình. Thêm vào đó, đây chính là động lực, là sự kích thích, là yếu tố cần để cho mỗi phụ nữ làm đẹp mình hơn về mọi phương diện, vì cuộc thi sẽ tôn vinh người phụ nữ đẹp có trí tuệ, có lòng nhân ái, biết thứ tha. Hình ảnh đó khi được truyền ra thế giới thì giá trị của người phụ nữ Việt sẽ được bạn bè quốc tế rất ngưỡng mộ.