leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười. (Ảnh: Vũ Tùng/TTXVN) 

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23 đến 24/1.

Nhân dịp này phóng viên TTXVN tại Berlin đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười (thành viên Hội Đức-Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức), phiên dịch tuyên thệ nhà nước Đức, về chuyến thăm.

Đề cập đến ý nghĩa chuyến thăm, ông Nguyễn Đức Thắng khẳng định, chuyến thăm lần thứ ba của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tới Việt Nam, hai lần trước vào tháng 2/2p'008 và tháng 11/2016 với tư cách là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang và Phó Thủ tướng, lần này với tư cách là Tổng thống Liên bang, cho thấy cá nhân Tổng thống Frank-Walter Steinmeier rất gắn bó và có cảm tình lớn với Việt Nam.

Theo ông, với chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới, Tổng thống Liên bang Đức muốn nhấn mạnh mục tiêu của Đức là mở rộng và đa dạng hóa quan hệ chính trị và kinh tế với Việt Nam, tiếp tục những bước tiến quan trọng để tăng cường quan hệ chiến lược giữa hai nước Đức và Việt Nam, nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

Với một phái đoàn gồm nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Đức tháp tùng Tổng thống Steinmeier, chuyến thăm lần này sẽ là cơ hội để phía Đức trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam về việc tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học... đặc biệt là việc đào tạo nhân lực và đưa lao động có tay nghề từ Việt Nam sang Đức, một trong những vấn đề mà hiện nay Chính phủ Đức rất quan tâm và Việt Nam có thế mạnh.

Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Đức đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, với cương vị là một phiên dịch tuyên thệ cấp nhà nước, có điều kiện tháp tùng nhiều đoàn lãnh đạo cao cấp của Việt Nam và tham dự nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai nhà nước, trực tiếp chứng kiến sự phát triển của mối quan hệ đa dạng này, ông Nguyễn Đức Thắng đánh giá Việt Nam ngày càng trở thành mục tiêu thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế có nhiều bất ổn và có những thay đổi về địa chính trị, cũng như nhiều nước công nghiệp phát triển khác, Đức cũng mong muốn đa dạng hóa các mối quan hệ và ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia được quan tâm nhất.

Bên cạnh việc tăng cường đầu tư của Đức vào Việt Nam, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Cộng hòa Liên bang Đức trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đức hợp tác với Việt Nam trong nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ môi trường, năng lượng sạch, đào tạo lực lượng lao động chuyên môn có tay nghề cao.

Đức không chỉ giúp đỡ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kinh tế mà còn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật trong khuôn khổ Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức-Việt.

Ngoài ra, hợp tác về văn hóa, giáo dục, y tế giữa Đức và Việt Nam cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt và những hội đoàn Việt Nam tại Đức.

Bên cạnh công tác “ngoại giao nhà nước”, những hoạt động “ngoại giao nhân dân” và những hoạt động như dự án “100.000 khẩu trang của cộng đồng người Việt ủng hộ nhân dân 16 bang của Đức” hoặc dự án “Người Việt quyên góp ủng hộ nhân dân hai bang bị lũ lụt tại miền Tây Nam nước Đức” cũng góp phần vào việc tăng cường quan hệ giữa cộng đồng người Việt tại Đức với nhân dân sở tại, góp phần vào việc tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc và nâng cao uy thế của người Việt tại Đức.

Với việc thường xuyên trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao giữa Đức và Việt Nam, với sự hợp tác giữa hai nhà nước và giữa các doanh nghiệp của hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục và đào tạo... cũng như thông qua sự đóng góp của cộng đồng người Việt tại Đức, ông Nguyễn Đức Thắng nhận định trong tương lai, quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, củng cố sự tin cậy lẫn nhau và qua đó khai thác được tối đa thế mạnh của mỗi bên.

Là Chủ tịch Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười, một hội đoàn vốn được coi là cầu nối văn hóa đối ngoại giữa Việt Nam và Đức, ông Nguyễn Đức Thắng khẳng định những hoạt động văn hóa của hội chính là việc thúc đẩy giao lưu, trao đổi văn hóa giữa hai nước.

Theo ông, hiện tại số lượng và nội dung hoạt động của những hội đoàn người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức rất phong phú, tuy nhiên, Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười - được thành lập từ năm 2011, thành viên của Hội Đức-Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức, là một trong số ít những hội đoàn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đối ngoại. Ngoài việc giữ gìn truyền thống văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Câu lạc bộ còn xác định mục tiêu hoạt động là giới thiệu và truyền bá văn hóa-nghệ thuật Việt Nam cho bạn bè Đức và quốc tế.

Những tiết mục của Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười đã xuất hiện tại nhiều sự kiện quốc tế như các tuần lễ đa văn hóa ở nhiều thành phố khác nhau, trình diễn tại nhiều sự kiện và hoạt động quan trọng nhân kỷ niệm 35 năm, 40 năm và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngoài văn nghệ, Câu lạc bộ còn tổ chức nhiều buổi thuyết trình với bạn bè Đức và quốc tế, giới thiệu về nhiều chủ đề như tình yêu quê hương, đất nước Việt Nam, về biển đảo Trường Sa, về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam, về nhạc cụ và trang phục dân tộc Việt Nam, về ẩm thực Việt Nam...

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ cũng thường xuyên tham gia vào những hoạt động từ thiện ở cả Việt Nam và Đức như ủng hộ đồng bào ở những vùng bị thiên tai miền Trung, ủng hộ quân và dân Trường Sa, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và các cháu mồ côi, khuyết tật ở trong nước.

Riêng ở Đức, trong thời kỳ dịch COVID-19, Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười đã tổ chức may khẩu trang để ủng hộ những người dân ở Berlin, tham gia vào Ban lãnh đạo của hai dự án ủng hộ nhân dân Đức là “100.000 khẩu trang ủng hộ 16 bang của Đức” và “ủng hộ nạn nhân bị lũ lụt của Đức tại hai bang Nordrhein-Westfalen và Rheinland-Pfalz.”

Với những hoạt động này, Câu lạc bộ Văn nghệ Tháng Mười đã góp phần vào việc thúc đẩy giao lưu, trao đổi văn hóa giữa Đức và Việt Nam, tăng cường hiểu biết dân tộc giữa hai nước và nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức./.

Theo vietnamplus