Chở che khi hoạn nạn
Anh Lý Văn Xuân (sinh năm 1985, người dân quận Ruseykeo, Phnom Penh, Campuchia) đã xúc động nhận được những hỗ trợ từ quê hương Việt Nam khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Anh chia sẻ: “Từ tháng 3-7/2021 gia đình tôi đã 4 lần được nhận quà cứu trợ. Khi thì gạo, mỳ tôm, nước sát khuẩn, khẩu trang; khi thì nước tương, dầu ăn… Đất nước không bỏ rơi bà con Việt kiều chúng tôi”.
Trong trận bão tuyết lịch sử tại bang Texas (Mỹ) tháng 2/2021, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Houston đã tích cực hỗ trợ Việt kiều và bảo hộ công dân bằng cách mở đường dây nóng 24/24 để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ bà con. Tổng lãnh sự quán đã tặng hàng chục thùng khẩu trang, hỗ trợ Việt kiều tại một số điểm có nhiều người Việt sinh sống, góp phần phòng chống dịch.
Chùm khế quê hương
Sau khi kết hôn 10 năm vợ chồng diễn viên Đức Tiến - Hoa hậu Áo dài Dallas Bình Phương (Westminster, California, Mỹ) vẫn chưa có con. Trải qua nhiều phương pháp không thành công, năm 2019 vợ chồng Đức Tiến về Việt Nam để thụ tinh nhân tạo (IVF) tại Bệnh viện Hạnh phúc (TP.HCM). Năm 2020 cô công chúa nhỏ của họ chào đời.
“Trong lĩnh vực IVF, Việt Nam không thua kém nước nào, kể cả Mỹ và các nước châu Âu. Các bác sĩ Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại giúp cho người muốn có con như vợ chồng tôi nghĩ về Việt Nam đầu tiên. Gia đình tôi đã tìm thấy hạnh phúc lớn nhất ngay tại quê nhà” - Đức Tiến chia sẻ - “Chi phí làm IVF ở Mỹ cao gấp 3 lần so với Việt Nam. Tôi có một số người bạn về Việt Nam làm IVF thành công”.
|
|
Gia đình diễn viên Đức Tiến, hoa hậu Bình Phương tìm thấy hạnh phúc lớn nhất tại quê nhà với 1 cô công chúa đáng yêu, xinh xắn. |
Gần đây có nhiều kiều bào là văn nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá về nước lập nghiệp.
Về Việt Nam năm 2014, cầu thủ Mạc Hồng Quân (Praha, Séc) lần lượt khoác áo Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, U23 Việt Nam và các CLB thi đấu tại V-League.
“Tôi luôn được các cơ quan, tổ chức tạo điều kiện. Tôi được mang hai quốc tịch Việt Nam và Séc” - Quân chia sẻ.
Năm 2000 nghệ sĩ Bảo Chung sang Mỹ định cư cùng với gia đình. Ở Mỹ anh chỉ biểu diễn 2 ngày cuối tuần. Khi hết hợp đồng Bảo Chung về nước. “Tôi về Việt Nam được tự do biểu diễn trong các sự kiện, chương trình ca nhạc, tham gia các gameshow, đóng phim, viết kịch bản. Tôi được trau dồi về nghề, nhận được tình cảm của khán giả. Việt Nam là cái nôi nghệ thuật của những người như chúng tôi và ở đây tôi được cống hiến” – Bảo Chung tâm sự.
Ấm áp tiếng cha anh
Theo chồng sang Ma rốc sinh sống từ năm 1972, bà Trần Thị Hồng Mây (ở Meknes) gặp rất nhiều khó khăn vì khi đó chưa có Đại sứ quán Việt Nam tại Ma rốc, nhưng sau đó cuộc sống gia đình bà đã thay đổi. Bà Hồng Mây kể: “Năm 2004, Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Ma rốc, rất đông kiều bào được gặp gỡ, nói chuyện với Thủ tướng tại khách sạn Hilton (Rabat). Tôi nói, chúng tôi rất vất vả để nuôi chồng con. Có những chị em phải xa gia đình ở Ma rốc để sang các nước châu Âu làm thuê... Nghe xong Thủ tướng đề nghị báo chí ghi kiến nghị của tôi. Sau đó Thủ tướng hứa rằng những khó khăn của kiều bào Đảng và Nhà nước sẽ giúp đỡ. Đúng sau 1 năm Đại sứ quán Việt Nam tại Ma rốc được mở và 15 ngày sau chúng tôi được làm hộ chiếu. Khi cầm hộ chiếu, tôi mua vé máy bay để về nước. Thế là Thủ tướng giúp tôi sau 40 năm được trở về quê hương.
Năm 2018, nghệ sĩ Ninh Đức Hoàng Long (Budapest, Hungarry) đã có dịp gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi sang thăm Hungary. Đó là một buổi biểu diễn không thể quên của anh.
Anh kể: Tháng 5/2018, Long giành giải nhất cuộc thi âm nhạc cổ điển trên truyền hình Hungary. Chính vì thế trong chuyến thăm Hungary cấp nhà nước của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, Văn phòng Thủ tướng Hungary đã mời Long biểu diễn 2 tác phẩm Việt - Hung tại nhà quốc hội Hungary. Sau buổi biểu diễn Long được gặp và chụp ảnh lưu niệm cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Hungary Orban Viktor. Thủ tướng Orban Viktor nói: Tôi rất vui và bất ngờ với phần biểu diễn tiếng Hungary của anh. Hãy chụp ảnh cùng chúng tôi. Bác Nguyễn Phú Trọng cười và nói: “Cháu giỏi lắm, hát hay lắm. Hãy cố gắng giới thiệu văn hóa Việt Nam và làm cầu nối văn hóa giữa hai đất nước nhé!”.
Hoàng Long cho biết, hàng năm đều có đoàn công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm bà con kiều bào, tìm hiểu, lắng nghe những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ và hướng dẫn. Mỗi dịp Tết, Chủ tịch nước và Bộ Ngoại giao đều chủ trì chương trình Xuân quê hương đón bà con Việt kiều về quê ăn Tết. Năm 2019, Hoàng Long cũng vinh dự được tham gia đoàn Việt kiều về dự và biểu diễn tại Hà Nội.
Chị Lê Thị Nhành (42 tuổi) sinh sống ở Biển Hồ Campuchia đã hơn 23 năm. Trước đây cuộc sống gia đình chị khó khăn, 5 người con chị không được đi học. Khi lệnh giải tỏa, di dời nhà nổi ở Biển Hồ, năm 2018 gia đình chị Nhành cùng hơn hai chục hộ dân gốc Việt ở Biển Hồ đã được Hội Khmer -Việt Nam tại Campuchia, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia giúp chuyển đổi nghề nghiệp tại Công ty Cao su Tân Biên (Việt Nam), tỉnh Kampong Thom.
“Hiện chồng và 4 người con lớn của tôi đều làm nhân công công ty. Tôi ở nhà nội trợ. Con út 13 tuổi cũng được đi học. Về đây sinh sống tôi không vất vả như ở Biển Hồ. Những ngày lễ tết công ty, Hội Khmer - Việt Nam tặng quà. Gia đình tôi tích góp được tiền. Tôi rất vui vì Đảng, Nhà nước không bỏ rơi chúng tôi” - chị Nhành chia sẻ.
Biển đảo máu thịt chúng ta
Nhà báo Huy Thắng (sinh năm 1952, sống ở Berlin, Đức) xúc động kể về chuyến thăm quần đảo Trường Sa năm 2014 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. "Khi lên Tàu Trường Sa HQ-571, tôi được ở chung phòng với Việt kiều Đức, Mỹ, Lào. Trong đó có anh David Nguyễn (Việt kiều Mỹ) từng là sĩ quan cao cấp trong quân đội Mỹ. Bữa trưa đầu tiên David Nguyễn nói mình là người chống Cộng cực đoan. Anh nói: cứ gặp Cộngsản là tôi chống.
Khi ngủ trưa, mọi người quay đầu vào trong tường thì David Nguyễn ôm gối quay đầu ra phía cửa. Sau này anh nói: đó là thể hiện rằng anh không cùng chí hướng với mọi người trong chuyến đi này.
Đến đảo chìm Đá Nam tôi được các chiến sĩ hải quân tặng lá cờ tổ quốc với đầy vết tích phong ba bão táp. Lá cờ đỏ sao vàng này đặc biệt là được treo trên đảo Đá Nam, gió thổi rách xơ xác và được anh thủ trưởng chỉ huy đảo đóng dấu, kí tên. David Nguyễn cũng muốn lá quốc kỳ như vậy và bảo tôi xin hộ. Các chiến sĩ hải quân cho biết cờ mới thì nhiều, cờ cũ chỉ có vậy, nhưng David Nguyễn vẫn muốn có một lá cờ đỏ sao vàng được đóng dấu và ký tên của đảo Đá Nam. Lãnh đạo đơn vị trên đảo đã chiều David Nguyễn thay lá cờ đang treo xuống, đóng dấu và kí tên. David Nguyễn cầm lá cờ ép vào ngực, người anh lặng đi, mặt thẫn thờ như một năng lượng thiêng liêng đã nhập hồn anh.
Từ đảo Đá Nam tàu về đảo Song Tử Tây. David Nguyễn xin được dẫn đến cột mốc mà chính quyền Việt Nam cộng hoà tiếp nhận vào năm 1956. David Nguyễn ôm cột mốc và khóc thống thiết. Anh sờ từng nét chữ trên cột mốc, lẩm nhẩm như người cầu nguyện.
Khoảng 2- 3h sáng David Nguyễn gọi tôi dậy. Anh nói chuyến đi Trường Sa lần này anh đi để tìm sự dối trá của Đảng Cộng sản Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Nhưng anh thừa nhận mình sai lầm khi hơn 40 năm qua đã hiểu lầm về chế độ, đã chống phá Việt Nam.
Tôi không ngờ một người có tư tưởng cực đoan, đã cầm đầu nhiều đoàn biểu tình chống Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam hôm nay lại đã ôm lá cờ đỏ sao vàng, quỳ gối trước cột mốc khóc hồn nhiên đến vậy!..." - nhà báo Huy Thắng chia sẻ.
Đưa kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 là hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức, nhằm tạo điều kiện để bà con kiều bào được tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Chuyến đi đầu tiên được thực hiện vào năm 2012. Đến nay đã có 8 đoàn được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 kiều bào từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chủ quyền biển đảo đất nước là vấn đề bà con kiều bào quan tâm nhất. Vì vậy, khi Nhà nước tổ chức cho họ được thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, bà con tỏ ra hạnh phúc, xúc động đặc biệt. Nhiều người không đủ thông tin hoặc hiểu sai sự thật đã bày tỏ sự ân hận sâu sắc. Được hiểu, được thăm biển đảo, nhà giàn DK1, được chứng kiến sự vững bền, toàn vẹn của chủ quyền tổ quốc là khát khao to lớn của cộng đồng Việt kiều. Khi được thụ hưởng quyền lợi chính đáng và thiêng liêng đó, bà con càng thêm tin tưởng Nhà nước và yêu thương quê hương hơn.
Theo Thời Đại