Giới chức y tế Mỹ cho rằng việc lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng chỉ còn là vấn đề thời gian - Ảnh: Reuters
Chị Trần My (37 tuổi) – hiện đang ở TP.Bakersfiel, miền Trung California (Mỹ) cho biết, sau khi Tổng thống Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Mỹ để giải phóng 50 tỉ USD trong ngân sách liên bang nhằm đối phó với dịch Covid-19, tình hình có vẻ căng thẳng hơn.
Từ California, chị My đã gửi Thanh Niên về tình hình hiện tại ở nơi chị đang sinh sống.
Đánh nhau để giành mua đồ
Ngày 15.3, trong các Costco (giống siêu thị ở Việt Nam) trong khu người Việt mà tôi đang sinh sống đã hết sạch thịt cá, giấy vệ sinh thì đã hết từ khi dịch Covid-19 vừa xuất hiện. Hiện tại ngay cả giấy ăn, khăn giấy, khăn ướt em bé đều không còn. Các quầy hàng trống trơn trong costco là cảnh lạ lùng lần đầu tôi gặp. Thậm chí, bạn tôi nói chợ gần nhà bạn cũng không còn cả băng vệ sinh.
Bây giờ, người ta còn đánh nhau để mua được đồ về dự trữ phòng tránh dịch Covid-19. Càng nghe các thông tin xung quanh tôi càng thấy sợ. Tôi cảm nhận rõ được sự hoảng loạn trong tâm lý của mọi người.
Tình hình này thật ngoài những gì mà tôi tưởng tượng trước đó về dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ. Thời gian đầu khi vừa có dịch, người dân tại đây đổ xô đi mua giấy vệ sinh, nước rửa tay khô và nước uống đóng chai, người châu Á tại Mỹ thì gom thêm gạo ở các chợ, siêu thị.
Chợ Việt Nam tại Mỹ không còn thịt - Ảnh: Trang Thái
Thịt, cá, thực phẩm,... hết sạch ở costco - Ảnh: Trang Thái
Mà cũng thật khó hiểu, có dịch thì trữ đồ ăn còn có vẻ hợp lý. Còn trữ giấy vệ sinh để làm gì thì tôi không biết. Vài người bạn tôi nói nửa thật nửa đùa, virus gây bệnh Covid-19 gây tiêu chảy nên người ta mua giấy vệ sinh. Trong khi, không xài giấy vệ sinh thì có thể dùng nước rửa được mà? Còn nước uống đóng chai, không có thì có thể uống nước trực tiếp từ vòi – đủ tiêu chuẩn để uống.
Mọi người cũng nói với nhau, do thấy người châu Á nhao nhao lên mua đồ dữ quá nên dân Mỹ cũng mua theo, kẻo sợ người ta mua hết thì không còn gì để mua dự trữ tránh dịch Covid-19. Có lẽ chính vì vậy vô tình tạo nên “làn sóng” gom đồ.
Tuy nhiên hàng hóa siêu thị khá dồi dào, ngày này hết thì hôm sau lại đầy ắp trở lại nên dân tình cũng bình tĩnh và yên tâm hơn.
Đeo khẩu trang là… sinh vật lạ
Chuyện khẩu trang ở trời Tây chắc là chuyện muôn thuở, ở bên này tôi không gặp ai đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ngay cả đi vào costco tập trung đông người cũng không ai đeo. Hễ có người đeo là bị dòm như sinh vật lạ ngay. Nhưng trong bệnh viện tôi làm thì tôi vẫn đeo, bất kể có dịch bệnh hay không.
Mới tuần trước, các siêu thị chỉ hết nước rửa tay khô, mọi thứ khác đều còn nhiều và luôn được bổ sung hàng mỗi ngày. Mọi người vẫn chưa hoang mang và lo lắng gì nhiều như ở châu Á.
Đi vào siêu thị nhưng cũng không mấy ai đeo khẩu trang - Ảnh: Khoa Vũ
Hồi tháng 2, tôi vừa từ Việt Nam về lại Mỹ - thời điểm đó Việt Nam đã có dịch Covid-19 nhưng cũng không thấy kiểm soát gì nhiều. Trong chặng bay của mình, tôi quá cảnh tại Singapore. Ở sân bay của Singapore có đặt máy kiểm tra thân nhiệt và có nhân viên hải quan hỏi, kiểm tra hộ chiếu coi có từng đi tới Trung Quốc hay chưa, rồi sau đó nó mới cho lên máy bay. Còn khi tôi đến Mỹ thì nhà tôi có thẻ global entry nên đi qua hải quan không ai hỏi gì. Nhưng lúc đó là từ giữa tháng 2 rồi, có thể bây giờ thì sẽ kiểm tra chặt hơn khi Covid-19 ngày càng khó kiểm soát chăng?
Khu tôi ở, mọi người cũng nói chuyện về dịch Covid-19 nhưng không đến nỗi lo lắng như ở Việt Nam, dù vậy việc tìm kiếm mua một bịch gạo quả thật rất khó khăn. Tôi phải nhờ mẹ ở quận Cam, khu tập trung đông người Việt hơn nhờ mua giúp bịch gạo nhưng nhiều chợ đều đã hết hàng. Người bán nói sắp tới cũng sẽ hết vì đặt hàng không có.
Cũng may là nhà tôi luôn trữ sẵn đồ ăn vì ở khu nhiều động đất nên lúc nào cũng sẵn. Chỉ có đợt này tôi tìm mua thêm ít gạo với nước rửa tay nhưng lại không được. Nhìn cảnh giành nhau mua đồ, xếp hàng mua súng tôi càng cảm nhận được nỗi sợ Covid-19. Tôi hay nói đùa với chồng mình, Việt Nam phòng chống dịch rất nghiêm ngặt, giá như lúc này được về Việt Nam...
Theo thanhnien