Ông Trần Ngọc Phúc giám sát việc sản xuất máy thở tại Công ty Marelli - ASAHI SHIMBUN
Theo tờ Asahi Shimbun, Công ty Metran ở TP.Kawaguchi (tỉnh Saitama, Nhật Bản) đang nhận được đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới, sau khi phát triển mẫu máy thở mà nhiều người có thể vận hành, với giá chỉ bằng 1/10 so với máy thở thông thường. Nhà sáng lập công ty là ông Trần Ngọc Phúc, một Việt kiều tại Nhật.
Ông Phúc đã phối hợp với một nhà sản xuất phụ tùng ô tô để phát triển máy thở, nhằm giảm tải cho công tác chữa trị các bệnh nhân trong đại dịch Covid-19. Ông đặc biệt quan tâm đến việc giảm bớt khó khăn mà các bác sĩ tại những khu vực nghèo đang phải đối diện. “Chỉ một số ít các nước và bệnh viện có khả năng mua máy thở đắt tiền. Việc sản xuất hàng loạt máy thở rẻ tiền hơn sẽ giúp cứu vô số người”, theo ông Phúc.
Lĩnh vực kinh doanh chính của Metran là sản xuất máy thở giúp cứu sống những em bé sinh non. Sản phẩm của công ty được sử dụng tại nhiều bệnh viện trên thế giới. Những trăn trở trong đại dịch khiến ông Phúc nảy ra ý tưởng chế tạo máy thở cho các bệnh nhân. Ông Phúc nhấn mạnh rằng các bác sĩ chiến đấu chống Covid-19 đang phải gồng mình, khi chỉ những chuyên gia về máy thở mới được phép vận hành thiết bị này.
Máy thở của ông Phúc được đơn giản hóa trong vận hành và chỉ cần bấm nút chọn chế độ, tùy thuộc vào việc bệnh nhân có tự thở được hay không. Một hệ thống áp lực an toàn giúp đảm bảo duy trì ô xy ở mức ổn định. Với các máy thở thông thường, người điều khiển phải quyết định mức độ ô xy được cung cấp, dựa trên kích cỡ cơ thể bệnh nhân và tình trạng bệnh.
Không chỉ dễ sử dụng, máy thở của Metran có giá thành chỉ khoảng 600.000 yen (130 triệu đồng), bằng 1/10 so với các máy thở thông thường. Cũng tại Saitama, Metran phối hợp với Công ty Marelli, công ty sản xuất túi khí cho xe hơi và thiết bị xe điện, để cho ra 2.000 máy thở mỗi tháng.
Lô đầu tiên gồm 5 máy thở được xuất xưởng với sự hỗ trợ tài chính của Bolivia. Metran nhận được các đơn hàng từ Kyrgyzstan, Indonesia, Ấn Độ và nhiều nước khác. Theo một đại diện của Metran, máy thở này hiện chưa được chứng nhận sử dụng tại Nhật, nhưng một số trung tâm y tế tại đây đã liên hệ công ty để đặt mua trong thời gian tới.
Ông Trần Ngọc Phúc đến Nhật du học vào năm 1968. Tới năm 1984, ông cùng vài người bạn lập Công ty Metran chuyên nghiên cứu và sản xuất thiết bị y tế. Ông đã thành công trong việc nghiên cứu và phát triển chiếc máy hô hấp nhân tạo cao tần số, một sản phẩm kỹ thuật cao được sử dụng tại 90% bệnh viện, phòng điều trị cho trẻ sơ sinh ở Nhật. Công ty của ông tại TP.Kawaguchi (tỉnh Saitama) từng được cựu Nhật hoàng Akihito đến thăm vào ngày 5.7.2012. Ông hiện là Chủ tịch Hiệp hội Người Việt Nam tại Nhật và tham gia nhiều công tác hỗ trợ du học sinh và thực tập sinh Việt Nam tại nước này. |
Theo thanhnien