Tôi sang Mỹ năm 2000 và sống ở ngoại ô Washington D.C. tới tận bây giờ. Những ngày đầu không xe cộ, tiền bạc nên chẳng thể ăn chay. Sang năm thứ hai, tôi cố gắng đưa mình vào “nề nếp” cũ. Đang tuổi ăn tuổi lớn, vậy mà cả tháng trời không chút thịt thà, cá mắm, toàn ăn cơm với chao, xì dầu dầm ớt kèm tí rau củ vậy mà không ngán. Chao bên này nhập chủ yếu từ Đài Loan, mặn thì thôi rồi, ăn hai miếng uống cả thùng nước cũng chưa hết khát. Kết quả là sau mùa chay, người teo tóp. Giờ nhìn lại tấm hình chụp lúc ấy, tôi cười ngất.
Sau này đi làm, mua xe, tiền bạc rủng rỉnh, nên việc ăn chay thoải mái hơn. Nhưng được cái này thì mất cái kia. Nhiều bữa bận rộn, sáng dậy trễ có gì quơ nấy, trưa ăn đồ hôm trước, tối lại nhịn giảm cân. Lắm khi quên xé lịch nên chỉ biết đầu với cuối tuần. Nửa đêm lái xe, thấy trăng tròn mới la làng, a hôm nay rằm (nhưng hồi sáng lỡ ăn mặn mất tiêu), nhìn trời tối đen mới biết mùng một. Tôi tải ứng dụng âm lịch trong điện thoại để nhắc mình, mỗi tháng ăn chay hai ngày. Nói vậy thôi chứ cũng quên trước quên sau. Riêng những lúc tâm bất an hay tới tháng bảy Vu Lan, vẫn cố giữ nếp nhà, ăn chay xin ơn trên phù hộ.
Nhà hàng nào cũng có vài món chay
Gần nhà tôi ở Mỹ có một khu chợ bán đồ Việt chẳng thiếu món gì. Tôi hay ghé mua đậu miếng về chiên chấm chao trộn xì dầu. Không thì cà rốt, khoai tây, xu hào, khổ qua, mướp hương kèm đậu chiên và nấm, trộn chung lại kho một nồi to, bỏ tủ lạnh ăn cả tuần. Ngon, bổ, rẻ. Ngày rằm với mùng một, có bà sư ngồi bán đồ chay 5 USD/hộp. Bà hay mời mua để cúng dường. Có điều, sư lớn tuổi rồi nên chắc lạt miệng.
Với lại là dân miền Trung, nên món nào sư nấu cũng à ơi biển mặn. Không mua thì sợ sư buồn, mà mua rồi nhiều lúc bỏ thùng rác thì mang tội. Có lần tôi bảo cô ơi nấu lạt một tí đi, chứ bên này ai cũng sợ mặn với béo thí mồ. Sư cứ ừ ừ, rồi đâu cũng vào đấy…
So với các thành phố khác như Houston, Westminster, San Jose, Boston, người Việt ở D.C. không nhiều, chỉ vào khoảng 50.000 người, sống tập trung chủ yếu ở phía bắc Virginia, cách nơi tôi ở gần 40 phút lái xe. Và tất nhiên, nơi nào có đông người Việt, sẽ có một khu shopping tụ tập đồng hương tới mở nhà hàng, siêu thị, tiệm ăn nhanh hay trà sữa.
Khu Eden mang dang dấp của chợ Bến Thành, là chốn để bà con chuyện trò, gửi tiền, sắm vàng, hớt tóc, bán dĩa cơm tấm bì sườn, ổ bánh mì, ly chè ba màu, hay mâm bánh bèo, bánh bột lọc, chả lụa, nem chua… Nhà hàng nào cũng có vài món chay đủ để thỏa mãn cơn ghiền khi đối diện cái bánh xèo chay vàng ruộm, hay dĩa hủ tiếu áp chảo thơm lừng, hoặc cà ri kèm với cơm trắng.
Cách Eden không xa là Loving Hut, hệ thống nhà hàng chay nổi tiếng. Những ngày đầu mới mở vắng thấy thương. Dạo gần đây khách đông quá trời. Tới giờ ăn trưa, tối hay cuối tuần phải ngồi chờ mới tới lượt. Chắc nhờ đồ ăn ngon và hình ảnh những người nổi tiếng ăn chay treo trên tường. Khách Việt chiếm đa số, nhưng dân Mỹ lẫn các nước châu Á khác cũng đông. Menu ở đây đậm chất quê nhà. Giá cũng mềm, trên dưới 10 USD/món. Nên thay vì nấu nướng cực khổ, cứ gọi cho người ta làm sẵn, chạy qua xách về để dành ăn cả tuần. Khỏe!
Dạo gần đây chợ Việt bắt đầu có bán nấm đông lạnh nhập từ Việt Nam qua. Tôi mừng như bắt được vàng. Mà giá "chát" như vàng thật, một bịch 100 gr gần 6 USD. Mà thôi cũng kệ, nếu được ăn ngon thì bao nhiêu tiền cũng chẳng tiếc. Nhưng buồn ghê, nấm đông đá, nên vị mùi mất hết trơn. Kho xong cứ thấy thiêu thiếu một tí gì không giải thích nổi.
Mới hay, hơn nửa đời người, đi tứ hướng mười phương, ăn không biết bao nhiêu món ngon Việt, Mỹ, Tây, Tàu, tôi vẫn không tìm đâu ra nồi nấm rơm kho tiêu cay nồng, cắn cái bụp, nước ngọt chảy ra, thấm vào tận châu thân như má kho năm cũ. Không hẳn vì nó quá ngon, mà đơn giản, món nấm kho ấy gắn liền với ký ức thân thương của ba má và giai đoạn khổ nghèo nhưng êm ấm bên cạnh những ruột thịt tình thâm. Giờ mọi thứ đủ đầy, có quay quắt ước mong cũng chẳng thể tìm lại tháng ngày xưa cũ.
Ba má giờ thong dong ở cõi Niết Bàn vô định. Anh chị tóc đã lấm tấm muối tiêu. Tôi trẻ nhất cũng gần bốn mươi, đã là đàn ông sắp sửa trung niên nhưng vẫn mãi miết thiên di nơi quê người xứ lạ.
Maryland, mùa Vu Lan 2018
Theo Thanh niên