leftcenterrightdel
Bảng giá tại trạm xăng gần nhà anh Thức ở Dallas, Texas hôm 9/6. Ảnh: NVCC. 

“Xăng gần như là mối quan tâm hàng đầu của mọi người, dù có đi xe riêng hay không, vì giá xăng luôn tác động đến giá của hầu hết mặt hàng còn lại”, chị Phan Ngân (40 tuổi) - sống tại Texas, Mỹ - nói với Zing.

Chị Ngân cho biết cách đây hơn một năm, với khoảng trên 50 USD, chị có thể đổ đầy bình cho chiếc SUV Highlander. Giờ đây, con số đó tăng lên đến gần 80 USD. Kéo theo đó, hầu hết mặt hàng còn lại đều có mức tăng 30-300%.

Không phải chỉ Mỹ mới trải qua tình trạng này. Chị Mariam Trinh - sinh sống ở thành phố phía nam Đan Mạch - so sánh: “Giờ giá tiền một lít xăng mua được hẳn 3 cái bánh mì cóc, trong khi trước chỉ có thể mua hơn một cái”.

“Xăng” có lẽ là một trong những từ được nhắc đến nhiều nhất trong mọi cuộc thảo luận - dù là của người dân, chuyên gia, hay chính phủ - khi đề cập tới tình trạng lạm phát trong nhiều tháng nay.

Từ Mỹ, đến châu Âu hay châu Á, giá xăng liên tiếp lập đỉnh khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. “Ngày xưa tôi có thể thoải mái đổ xăng mà không cần lo lắng gì. Nhưng giờ đây, nhìn chằm chằm vào đồng hồ trên cây xăng, thấy nhảy số mà tôi hoảng”, Hoàng Công Thức - 26 tuổi, ở Dallas, Texas, sở hữu một tiệm nail và spa - nói.

Bất chấp xu hướng tăng mạnh ở phần lớn quốc gia, một số nước vẫn đang bám trụ trước vòng xoáy giá xăng, điển hình là Malaysia. Dẫu vậy, người dân cũng không mấy lạc quan khi chứng kiến tình hình thế giới.

"Đau ví" mỗi khi đổ xăng

Ở mức trung bình vượt 5 USD/gallon, người tiêu dùng Mỹ đang phải đối mặt với mức giá xăng cao chưa từng có. Giá xăng ở nước này đã tăng 60% trong vòng một năm, dựa theo số liệu của Trading Economic.

Thức cho biết hiện anh tiêu hao 5-7 USD/ngày riêng tiền xăng khi đi làm, so với mức 2-4 USD trước đây.

Tuy nhiên, Mỹ không phải là nơi duy nhất mà “cơn đau đầu” của người dân mỗi lần đổ xăng đang ngày một nghiêm trọng.

Tại Canada, “giá xăng đang ở mức kỷ lục do lạm phát”, theo Patrick De Haan - trưởng bộ phận phân tích xăng dầu của GasBuddy. Tính đến ngày 12/6, giá xăng tại nước này đạt kỷ lục 2,108 USD/lít, tăng 78,6 cent (tức 60%) so với mức giá trung bình năm ngoái là 1,322 USD.

Nhiều nước châu Âu "điểm danh" trong nhóm có giá xăng cao nhất thế giới, và Đan Mạch là một trong số đó. Với chiếc xe có dung tích xăng 35 lít, hồi đầu năm, chị Trinh chỉ cần chi khoảng 350 krone (đơn vị tiền Đan Mạch, tương đương hơn 47 euro). Thế nhưng bây giờ, con số này đã tăng gần gấp đôi, lên tới hơn 80 euro.

Tại châu Á, giá xăng cũng đi theo xu hướng tăng. Giá ở Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan dao động 1,2-1,6 USD, tính đến ngày 13/6. Lào là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu nhiên liệu trầm trọng.

“Giá xăng cách đây một năm chỉ vào khoảng 8.000-10.000 kip/lít (khoảng 0,53-0,67 USD), nhưng giờ đã tăng gấp đôi, lên tới 1,27-1,33 USD/lít. Thế nhưng giá xăng bây giờ có cao mấy cũng không đáng sợ bằng không có xăng để mua. Có lần tôi đã phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới đổ được xăng”, anh Nguyễn Văn Tùng (29 tuổi) - sống tại thủ đô Vientiane - chia sẻ.

“Trước đây 20-27 USD là gần đầy bình xăng rồi, bây giờ 27-33 USD được nửa bình ôtô, xe máy hơn 4 USD giờ phải đổ lên tận 6,7-10 USD mới đầy bình”, anh cho biết thêm.

Ở nam bán cầu, giá xăng tại Australia cũng tăng khoảng 40% so với hồi đầu năm, từ khoảng 1,5 USD/lít lên 2,1 USD/lít. “Chỉ mới cách đây nửa năm, tôi chỉ tốn khoảng 80 USD để đổ đầy bình xăng SUV Outlander 2015, nhưng giờ phải tốn đến 110 USD”, chị Đinh Hồng Hoa - 31 tuổi, sống ở Sydney - cho hay.

Trong khi hàng loạt nước lập đỉnh mới về giá xăng mỗi ngày, vẫn có một số nước, đặc biệt là các nước xuất khẩu nhiên liệu, chứng kiến mức tăng giá xăng cực kỳ ít, hoặc thậm chí không tăng.

Giá xăng RON95 tại Malaysia đã không biến động trong khoảng 2 tuần qua, giữ mức 2,05 ringgit/lít, sau khi tăng rất nhẹ so với hồi tháng 4. Con số này thậm chí còn giảm so với cách đây một năm.

"Ai cũng nhìn giá xăng rồi cười trừ"

Rob Smith, Giám đốc bán lẻ nhiên liệu toàn cầu tại S&P Global Commodity Insights, nhận định nếu giá xăng tiếp tục tăng, nền kinh tế có thể chịu ảnh hưởng sâu rộng hơn, khi người tiêu dùng tìm cách điều chỉnh ngân sách.

“Giá xăng cao hơn chỉ tạo thêm gánh nặng cho người dân. Mọi người có thể không đi ăn ở nhà hàng, họ có thể bỏ đi xem phim hoặc quyết định không mua iPhone mới. Tất cả những điều này có thể khiến nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm lại”, ông nói.

leftcenterrightdel
Ôtô nhà anh Tùng "xếp xó" vì khó mua xăng. Ảnh: NVCC. 

Phản ứng của nhiều người dân tại các nước có giá xăng tăng mạnh phù hợp với đánh giá của ông Smith. Một số người cắt giảm đi du lịch hoặc ra ngoài giải trí để tiết kiệm xăng cũng như các khoản chi khác.

Chị Trinh cho biết người dân Đan Mạch bắt đầu lối sống bớt lãng phí nhiên liệu và tiết kiệm hơn.

Riêng gia đình chị “hồi trước cứ thích là lên xe đi, giờ thì cân nhắc xem là đi tuyến đường đó làm được những gì, phải có kế hoạch”. Nhà chị cũng thường dùng xe cá nhân để đi du lịch trong mùa hè, ở những nơi xa cách khoảng 600-700 km, “nhưng năm nay tính đi phương tiện khác, hoặc đi gần hơn”.

Anh Thức ở Mỹ cũng phải áp dụng phương án tương tự. Ngoài đi làm, Thức thường xuyên chọn lái xe thay vì đi máy bay mỗi lần du lịch, nhưng với mức giá hiện nay, anh đang cân nhắc ít đi chơi lại hoặc chọn phương tiện khác.

Cũng theo chị Trinh, tại khu vực chị sống, vào thời điểm này trong năm, người dân Đan Mạch thường xuyên “diện” xe sang, xe thể thao để tận hưởng tiết trời mùa hè. Tuy nhiên, nhược điểm của một số dòng xe là tiêu hao nhiên liệu.

Do đó, “họ hạn chế đi những xe này, không dùng cho việc lặt vặt và sử dụng có mục đích. Như gia đình tôi, trước thấy nắng đẹp là mang xe ra hóng gió, nhưng giờ thì không hứng như thế nữa”, chị cười.

Chị cũng tính đến phương án đi xe chung với người khác để tiết kiệm tiền xăng. “Tôi lên app và thông báo thời gian, địa điểm, nếu ai thấy tiện và có nhu cầu thì liên hệ. Hiện tại, số lượng người muốn đi xe chung kiểu này tăng lên nhiều”, chị cho hay.

Phương án đi xe chung này được nhiều sinh viên Đan Mạch ưa chuộng. Ngoài ra, nhiều sinh viên cất hẳn xe, chuyển sang xe buýt và tàu điện, hoặc chỉ dùng xe để đi tới bến phương tiện công cộng, chị Trinh nói.

Giá xăng cũng làm tác động tới công việc của chị Trinh. Là một người làm dịch vụ kết hôn ở Đan Mạch, hồi trước, chị nhận hồ sơ nào là chạy đi làm luôn hồ sơ đó mà không lấy thêm tiền.

“Nhưng giờ tôi buộc phải tính tiền nếu khách cần gấp. Nhiều lúc tôi muốn giúp người ta lắm, nhưng bỏ công thì được chứ không thể nào bỏ cả tiền xăng. Điều này làm tôi bị hạn chế chuyện 'san sẻ yêu thương'”, chị tâm sự.

Trong khi đó, anh Tùng cho biết gia đình mình ở Lào có 3 ôtô và 3 xe máy, nhưng giờ phải “bỏ xó”, chỉ dùng một ôtô mà em trai lái đi học vì đường xa.

Nếu đi gần, anh sẽ dùng xe đạp điện, trong khi đi xa hơn thì dùng xe máy. Anh cho biết các công ty tư nhân gần đây đang huy động nhân viên đi xe máy hoặc xe đạp tới công ty.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Giá tại 2 trạm xăng ở một thành phố phía nam Đan Mạch hôm 16/6. 

Tuy vậy, trước “cơn bão” giá xăng, nhiều người cho biết họ buộc phải chấp nhận bởi “xăng xe là nhu cầu căn bản, tốn cũng phải chịu thôi”, chị Hoa nói.

Khi được hỏi liệu chị có ý định đổi sang xe điện để tiết kiệm chi phí cho xăng xe, chị Hoa cười trừ và nói: “Giá điện ở New South Wales vừa tăng gấp đôi, nên đó không phải là lựa chọn đáng cân nhắc”.

Chị Trinh cũng có nhận định tương tự.

“Để buộc phải dùng xe điện, hay cất hẳn ôtô, thì nhà tôi chưa tới mức đó. Người ở đây cũng vậy, họ có bàn tán chuyện giá xăng cao, nhưng đi thì vẫn phải đi”, chị Trinh nói, cho biết khu chị sống mật độ dân số thưa thớt, nên xe cá nhân vẫn là phương tiện chính. “Họ nhìn giá xăng cười trừ, rồi cuộc sống vẫn tiếp tục. Than thì vẫn than, nhưng đành phải vậy”.

Các nước kiềm giá xăng ra sao?

Theo New York Times, để giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang yêu cầu các công ty dầu mỏ và nhà sản xuất dầu lớn tăng sản lượng. Ngoài ra, Mỹ cũng xả kho dự trữ dầu từ tháng 4, với tốc độ một triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin để khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu, Bộ Tài chính Lào cuối tuần qua đã chỉ đạo các ngành liên quan và cửa khẩu biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu nhiên liệu, trong đó loại bỏ tất cả thủ tục có thể gây khó khăn hoặc tắc nghẽn xe chở xăng dầu.

Ngoài ra, bộ cũng yêu cầu các ngành liên quan cần phối hợp để đảm bảo nhiên liệu được nhập khẩu và phân phối kịp thời cho các trạm xăng trong nước.

Hồi tháng 5, chính phủ Lào đồng ý với đề xuất hợp nhất một số công ty nhập khẩu nhiên liệu và Công ty Nhiên liệu Nhà nước Lào thành một đơn vị duy nhất để nhập khẩu và phân phối nhiên liệu. Công ty mới sẽ tìm kiếm nhiên liệu rẻ hơn từ các nguồn mới, bao gồm cả Nga, để giảm chi phí mua ban đầu và gánh nặng lên nhà bán lẻ.

Đức cũng có chính sách trợ giá xăng dầu. Chính quyền tạm ngưng thu thuế nhiên liệu trong vòng ba tháng, bắt đầu ngày 1/6, đồng thời phát vé 9 euro/tháng đi lại trên cả nước bằng xe buýt, xe điện và tàu hỏa.

Chị Trinh cho hay nhờ thế mà giá xăng bên Đức đã rẻ hơn so với bên Đan Mạch. Do đó, chị thường kết hợp công việc và tiện sang bên Đức đổ xăng. “Ở Đức, giá xăng xấp xỉ 2 euro/lít. Rất nhiều người sang Đức đổ xăng. Mỗi khi đổ tôi phải xếp hàng, đợi khoảng 5 xe mới tới lượt”, chị cho hay.

Ngoài giảm thuế, trợ giá, chính phủ các nước còn có chính sách hỗ trợ những nhóm giá bị tổn thương. Tại Hà Lan, khoản hỗ trợ một lần cho các gia đình thu nhập thấp tại Hà Lan tăng từ 200 euro lên 800 euro.

Tại Australia, tuy chưa có chính sách trợ giá xăng, chị Hoa cho biết chính phủ đã có chính sách tăng lương tối thiểu, tương đương 812,60 AUD/tuần (571.81 USD) hay 21,38 AUD/giờ. Thời gian áp dụng lương mới bắt đầu từ 1/7. Với một số lĩnh vực như hàng không, du lịch, khách sạn, thời gian tăng lương sẽ lùi lại tới ngày 1/10.

leftcenterrightdel
Nhiều nước đã đưa ra biện pháp như trợ giá hoặc giảm thuế để kiềm chế giá xăng tăng cao. Ảnh: CNN. 

Theo The Star, giá dầu tăng nhìn chung là tích cực đối với quốc gia xuất khẩu ròng dầu khí như Malaysia.

Tuy nhiên, việc giá xăng tiêu dùng không tăng một phần do nước này có chính sách trợ giá đối với xăng dầu. Điều này đồng nghĩa chính phủ có thể mất đi phần thu nhập từ chính sách trợ giá. Vì vậy, nhiều người đang lo lắng việc chính phủ có thể buộc phải tăng giá xăng tiêu dùng trong nước lên khi giá nhiên liệu thế giới tăng cao hơn nữa.

Chị Mỹ Huyền (27 tuổi), đã sống tại Kuala Lumpur gần 4 năm, cho biết mình cảm thấy nhẹ nhõm vì giá xăng ở Malaysia rẻ hơn những nơi khác và không tăng nhiều. Tuy nhiên, trước xu hướng lạm phát tăng cao trên toàn cầu, Huyền lo ngại chính phủ sẽ không thể tiếp tục trợ giá.

“Nhìn giá xăng ở Việt Nam và các nước tăng tôi cũng thấy sợ. Dù không hay đi ôtô hoặc xe máy, tôi vẫn lo ngại về giá xăng, vì xăng tăng giá sẽ kéo theo giá mọi thứ tăng”, Huyền nói.

Theo nghiên cứu CGS-CIMB về tác động của giá xăng, chính phủ sẽ phải cân bằng giữa ưu và nhược điểm của chính sách trợ giá xăng, vì giá nhiên liệu tăng sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế, đặc biệt là tăng lạm phát, cũng như làm giảm thu nhập khả dụng và tăng trưởng tiêu dùng.

Do đó, bất kỳ quyết định nào của chính phủ trong việc điều chỉnh giá nhiên liệu sẽ phải tính toán kỹ lưỡng đến các yếu tố tài khóa, tác động kinh tế, chính trị và xã hội. Ngoài ra, nghiên cứu đánh giá cán cân tài khóa sẽ có thể tệ hơn nếu các khoản trợ giá khác - đối với khí hóa lỏng và dầu ăn - cũng được tính đến.

Theo zingnews