Càng đến tết, người ta lại càng nhớ về gia đình - Ảnh: Nguyễn Hoàng Tú
Đó là tâm sự của Nguyễn Công Minh, 19 tuổi, quê ở TP Bảo Lộc, Lâm Đồng, du học sinh trường dự bị ngôn ngữ Ba Lan (Trường ĐH tổng hợp Lodz). Đây là tết đầu tiên anh sẽ xa nhà, đón năm mới ở nước ngoài cùng những người bạn mới quen.
Nhưng, Minh không phải là số ít. Vì điều kiện, lịch học tập và làm việc, không nhiều du học sinh Việt được về quê đón tết. Mỗi người ở mỗi nước có cách khác nhau để cùng quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ tết và thèm cảm giác được ngồi bên gia đình thời khắc này.
Cùng nhau nấu nướng cho vơi đi nỗi nhớ nhà
Thân Thị Hằng, 25 tuổi, quê Bắc Giang, du học sinh tại Kurume, Fukuoka, Nhật Bản, cho biết ở Nhật ăn tết Tây, lịch nghỉ học và làm cũng theo dương lịch. Do đó, Tết Nguyên đán của Việt Nam, mọi du học sinh Việt vẫn phải đi học, đi làm bình thường. Để đỡ nhớ tết Việt Nam, những ngày nghỉ tết dương lịch, Hằng và các bạn đã cùng nhau làm bánh chưng, các món ăn Việt rồi cùng rủ bạn bè đồng hương cùng ăn. Đầu năm mọi người cũng lên chùa, sau đó lại về nhà ai đó để ăn uống.
Hằng đang là học sinh tại Nhật Bản - Ảnh nhân vật cung cấp
“May là mọi thứ bận rộn đã cuốn chúng em đi. Ngoài học, chúng em đi làm, áp lực công việc cũng khiến mình quên đi cảm giác nhớ nhà, nhớ tết”, Hằng chia sẻ.
Chọn một hành trình để lên đường
Võ Trung Nghĩa, 25 tuổi, du học sinh Trường ĐH Điện ảnh và truyền hình St.Petersburg, Nga cho biết ở Nga có một vài hoạt động nho nhỏ để kỷ niệm ngày lễ tết cho cộng đồng người châu Á. Ví dụ như một số danh lam thắng cảnh tại Nga như cầu cung điện, đèn sẽ chuyển sang màu đỏ vào những ngày Tết Nguyên đán - màu của sự may mắn trong văn hóa châu Á. Người Nga ngoài ra cũng khá hứng thú với năm tính theo con vật, nên họ cũng sản xuất lịch theo năm con vật.
“Ở Nga, người Việt thường hay cùng nhau bắn pháo hoa để kỷ niệm ngày Tết Nguyên đán, tại các trường ĐH, sinh viên Việt Nam không về quê ăn tết thường tập trung lại với nhau để cùng nhau nấu bánh chưng, cắt giấy dán vào cây để giả làm hoa đào, hoa mai. Nhiều bạn khác chọn đi du lịch, trong đó có em. Đi du lịch nhiều nơi để gặp gỡ nhiều bạn bè, có nhiều trải nghiệm hơn, cũng là để đỡ nhớ nhà hơn”, Nghĩa chia sẻ.
Nghĩa chọn đi du lịch trong kỳ nghỉ tết - Ảnh nhân vật cung cấp
Đi xa mới thấy thèm tết vô cùng
Đang ở Ba Lan, cùng cắt giấy trang trí không gian nhà cửa cho có không khí tết với các anh chị, Nguyễn Công Minh quay quắt nhớ những ngày tết ở Việt Nam. “Tầm này mọi năm khi em đang còn ở Việt Nam với gia đình chắc là em đang phụ mẹ dọn dẹp bếp núc để cúng, nấu nướng các món ăn. Những ngày này ở Ba Lan em đều phải đi học, không thể chuẩn bị quá nhiều thứ và đón tết như ở nhà được. May mắn trong chuyến về Việt Nam gần đây, em đã mua khá nhiều gia vị Việt mang sang Ba Lan để nấu những bữa "cơm nhà" cùng các anh chị và các bạn du học sinh Việt Nam ở bên này. Tuy là hương vị có không bằng nhưng đối với du học sinh xa xứ như bọn em, như thế đã là quá tuyệt vời rồi”, Minh bộc bạch.
Minh chia sẻ, với mình Tết Nguyên đán luôn là một dịp đặc biệt nhất trong năm, dù bây giờ không đang ở Việt Nam, Minh cũng có thể tưởng tượng ra được không khí náo nức, người người tạm gác công việc của mình lại, cùng sum họp, quây quần bên nhau sau những khoảng thời gian dài xa cách vì mưu sinh hay guồng quay bon chen, vất vả của cuộc sống thường nhật.
Minh (bìa trái) cùng những người bạn Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh nhân vật cung cấp
Minh xúc động: “Tết là những ngày mà gia đình em đoàn tụ, ấm áp nhất vì hai chị gái của em đang đi làm TP.HCM, cả năm không ở nhà. Nhưng năm nay em lại là người duy nhất vắng mặt trong bữa cơm đoàn viên ấy. Có người bảo càng lớn càng thấy tết nhạt. Nhưng bản thân em thì không, tết năm nay xa nhà rồi mới thấy trân quý cái tết như thế nào. Em thèm cảm giác được về nhà ăn những bữa cơm ấm áp bên gia đình. Nhưng biết làm sao được, việc em đang làm bây giờ là vì tương lai có thể chăm sóc cho bố mẹ và gây dựng một gia đình ấm áp. Em luôn nghĩ tới mùa hè, khi em có thể về Việt Nam thăm gia đình, ăn bù lại bữa cơm đoàn viên mà tết này em đã vắng”.
Theo thanhnien