Đó là một tối cuối năm 2015, Diễm My, sinh viên năm cuối ngành du lịch, ngồi ngoài sảnh khách sạn ở Đà Nẵng. Các bạn trong lớp đang đi chơi, riêng cô không thể ra ngoài do đang sốt. Lần đầu đến đây chưa kịp tham quan, sáng mai đã về lại Sài Gòn, cô gái buồn bã.
Ở bàn bên, anh Harvey Lindquist, 45 tuổi, chủ một doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng máy móc, xe hơi ở Washington, cũng đang trong chuyến du lịch đầu tiên đến Việt Nam. Thấy cô gái trẻ thẫn thờ, Harvey sang làm quen và xin email nhờ cô sinh viên giới thiệu thêm về một số điểm du lịch.
Cuộc gặp gỡ chóng vánh, có thể họ chỉ như hai người qua đường vô tình gặp gỡ một lần rồi thôi. Nhưng khi về Mỹ, Harvey gửi thư cho Diễm My mỗi tuần một bức. "Chỉ là thư hỏi thăm sức khỏe, công việc đơn thuần, tôi hồi âm lại vì xem anh như một người bạn vui tính và tăng cơ hội giao tiếp tiếng Anh", cô gái Việt chia sẻ.
Năm tháng sau, vị doanh nhân này sang Việt Nam lần hai để gặp My. Ngày cuối cùng trước khi phải về nước, Harvey thổ lộ: "Anh muốn nói với em một điều mà chỉ có mặt đối mặt mới có thể bày tỏ được hết. Anh biết rất rõ là tuổi tác của mình hơn em rất nhiều và thật khó để em chấp nhận, nhưng tình cảm anh dành cho em rất nhiều. Anh rất muốn chúng ta tiến xa hơn".
Diễm My sững người vì bất ngờ và không biết phản ứng thế nào. Khi bình tĩnh lại, cô nói: "Em không nghĩ có thể yêu một người lớn hơn mình nhiều tuổi như anh". Harvey vẫn tiếp tục thổ lộ, còn My chỉ gượng cười. Cuối cùng cô nói: "Em cần nhiều thời gian hơn để suy nghĩ".
Harvey nhớ lại, đây là lần đầu tiên trong đời anh "có cảm giác muốn gắn bó thật sự với một người con gái". "Giữa chúng tôi là rất nhiều khoảng cách nhưng khi nói chuyện với cô ấy lại như không có khoảng cách nào. Chúng tôi ăn ý, ngay cả trong sở thích ăn uống. Tôi chưa bao giờ có cảm giác yêu ai nhiều như cô ấy. Ở bên cô ấy, tôi thấy bình yên", anh chia sẻ.
Chuyến đi 7 ngày không đem lại kết quả, Harvey vẫn không bỏ cuộc. Anh hiểu rằng "sự từng trải" của anh khiến một cô gái trẻ như My không tin tưởng. Từ đó, vị doanh nhân Mỹ hàng ngày đều gửi email, kể mọi chuyện vui buồn với cô gái cách nửa vòng trái đất. Sau này có Viber, mỗi sáng, mỗi tối anh đều nhắn tin cho cô. My dần thấy hiểu và gần gũi với với cuộc sống của Harvey. Anh chăm thể thao, hay giúp đỡ người nghèo, yêu động vật, vui tính nên hay kể chuyện cười và hát cho cô nghe. Ba má Harvey đã mất, anh chỉ còn vài người thân.
"Một lần hai chúng tôi nói chuyện về trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hiếu học, tôi vô tình biết được Harvey đang nuôi một bé ở châu Phi, hàng tháng gửi tiền lo cho bé học hành tới năm 18 tuổi. Tôi có thiện cảm với anh hơn", cô kể. Dẫu vậy, cô gái Việt phải đấu tranh với chính bản thân để giữ mối quan hệ này chỉ là bạn, có điều, mỗi ngày cô lại phát hiện thêm những điểm đáng quý trong tâm hồn người đàn ông đó.
Tháng 11/2016, Harvey sang Việt Nam lần thứ ba. Xuống tới sân bay anh mới gọi cho My để tạo bất ngờ, không biết rằng cô đã rời Sài Gòn về quê An Giang làm việc. Anh hỏi cô cách về quê, song My từ chối. "Về quê em không có máy bay, phải đi xe đò rất khó. Biết tiếng Việt mới đi được", cô nói.
Ba ngày sau cô nhận được cuộc gọi của Harvey báo tin anh đang ở Châu Đốc và xin địa chỉ nhà để taxi chở đến. My vội xin nghỉ làm, đến công viên gặp anh. "Anh đến đây bằng cách nào?", cô hỏi. "Anh vượt biên", Harvey nói rồi cười lớn.
Hóa ra, anh đã lên Google Maps tìm, thấy quê của My gần biên giới Campuchia. Tìm hiểu kỹ thêm, Harvey thấy có nhiều du khách đi du thuyền quốc gia này về Châu Đốc nên anh vội đặt vé bay sang, sau đó chờ thuyền tới rước. "Anh thấy quê em sông nước rất đẹp. Cảm ơn em đã cho anh cơ hội đi du lịch trên sông", anh cười.
Diễm My lúng túng hỏi: "Anh tới tìm em có việc gì vậy?". "Anh tìm em để nhận câu trả lời nửa năm trước từng hỏi. Thời gian qua anh cảm thấy đã yêu em rất nhiều. Anh biết mình đã lớn tuổi nhưng anh chắc chắn phần cuộc đời còn lại của anh sẽ luôn làm em hạnh phúc". Lần này không còn là là nụ cười nữa, Harvey nói với đôi mắt rơm rớm.
Đến lúc này My mới gật đầu, đón nhận tình yêu của người đàn ông ngoại quốc.
Ngay tối hôm đó, My kể với cha mẹ chuyện nhận lời yêu chàng trai người Mỹ, hơn mình 24 tuổi. Ba mẹ cô phản đối với lý do khoảng cách địa lý quá xa, họ sẽ mất đứa con gái út nếu con ra nước ngoài sống và càng lo hơn nếu một mai con thành góa phụ. My xin cha mẹ cho Harvey một buổi gặp.
Ngày gặp mặt, Harvey ghi điểm với khuôn mặt sáng, trẻ so với tuổi và chơi vui với lũ trẻ. Dù vậy, sau khi anh ra về, ba mẹ My nói: "Nhìn bề ngoài thì thấy rất ổn và có vẻ yêu trẻ con, nhưng...". Biết ba mẹ sẽ nói về tuổi tác, My vội chặn: "Ngày xưa ba mẹ yêu thương nhau đều bị gia đình 2 bên cấm cản vì không môn đăng hộ đối. Vậy mà cuối cùng ba mẹ cũng đến với nhau và sống rất hạnh phúc. Con dư khả năng tìm người tương xứng tuổi tác nhưng liệu con có được hạnh phúc hay không? Con tin ở bên anh ấy con sẽ hạnh phúc". Đến nước này, bậc thân sinh đành nói: "Quyền quyết định ở con".
Tỏ tình vài lần mới được nhưng "sự nghiệp cầu hôn" của Harvey với cô gái Việt cũng gian nan không kém, phải đến lần thứ ba mới thành. Lần đầu tiên là đêm cuối năm 2017, anh đã đặt bàn tại nhà hàng ở Châu Đốc, dự định khi pháo hoa bắn cũng là lúc anh quỳ xuống cầu hôn. Hai người đi dạo đến 21h thì My về phòng, ngủ một mạch đến sáng. Lần thứ hai là vài ngày sau. Harvey định cầu hôn tại Đà Nẵng nhưng cũng thất bại do đi đường cả ngày, My bị đau đầu không dậy nổi. Trước ngày về nước, Harvey quyết định cầu hôn bằng được. Tối đó anh cố ý nêu ra tên một số nhà hàng nổi tiếng mời bạn gái đi ăn. Không ngờ cô lại đề nghị đi ăn lề đường vì hôm đó trên bãi biển có nhiều ca sĩ đường phố biểu diễn.
Diễm My kể: "Xem xong hai đứa đi ăn. Bất chợt anh ấy thò tay túi quần móc ra một bọc nilon được quấn rất kỹ. Trong cái bọc là một chiếc nhẫn để cầu hôn tôi". Trên cả sự bất ngờ, My hạnh phúc khi nhìn thấy người đàn ông vì yêu mình mà ngây ngô, vì sợ nhẫn để trong hộp sẽ cộm lên, dễ bị phát hiện nên đã cuộn túi nilon. Cô nhận lời cầu hôn. Họ làm đám cưới không lâu sau đó.
Giữ lời hứa với cha mẹ vợ, sau đám cưới Harvey đến Việt Nam sống. Vợ chồng anh quyết định sống ở Đà Lạt, nơi có khí hậu mát mẻ. Vì vẫn còn doanh nghiệp ở Mỹ nên Harvey đi về thường xuyên. Tháng 3 năm nay, anh phải xử lý việc kinh doanh tại Thái Lan 5 ngày và không ngờ chuyến đi ấy đã chia cắt anh với vợ con gần 6 tháng.
Từ đó tới nay, đã nhiều lần Harvey gửi thư lên đại sứ quán Việt Nam bày tỏ nguyện vọng được về nhà, dù phải đóng bao nhiêu phí cách ly cũng được. Nhiều lần vợ chồng anh cũng nghĩ đến tình huống cả nhà di chuyển sang Capuchia để đoàn tụ. Song cuối cùng họ chiến thắng những phút yếu lòng ấy vì lo cho con gái nhỏ.
Lúc Harvey đi, con gái đang bi bô tập nói. Giờ thì bé nói sõi. Mỗi lúc thấy ba trong điện thoại, cô bé: "Papa ơi, ẵm con, ẵm con đi mà". Những lúc đó, hai vợ chồng chỉ biết cười mà sống mũi cay cay...
Theo vnexpress