Nhiều người già muốn được vào viện dưỡng lão.
Bà Uyên, 77 tuổi, sống tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Bà có 2 người con. Cô con gái đầu định cư ở nước ngoài. Bà đang sống cùng người con trai út là giám đốc một công ty lớn.
“Vợ chồng con trai tôi luôn vắng nhà. Từ ngày ông nhà mất, tôi lủi thủi trong căn nhà rộng thênh thang, cảm giác như bị cầm tù. Tôi định đề nghị các con cho vào viện dưỡng lão”, bà tâm sự.
Nhưng bà vẫn chưa mở lời được với các con, sợ chúng không đồng ý. Mối lo lớn nhất của bà là nếu vào viện dưỡng lão, các con sẽ bị người ngoài cho là bất hiếu, giàu có nhưng không lo nổi mẹ già”.
Khác với bà Uyên, bà Cúc, 77 tuổi, ở Phú Nhuận, TP.HCM lại trăn trở nỗi niềm khác. Dù mong muốn vào nhà dưỡng lão nhưng bà lại không dám bỏ các con vào lúc này. Bà lo sợ cuộc hôn nhân của con trai sẽ tan vỡ.
"Tôi bán cả nhà cửa, vườn tược ở quê lên TP.HCM sinh sống với vợ chồng con trai, nhưng suốt 5 năm qua, cuộc sống của tôi buồn nhiều, vui ít. Tôi và các con hầu như không ăn cơm cùng nhau vì các con quá bận rộn việc cơ quan. Mỗi đứa mỗi việc, các con đi làm suốt. Ngày nghỉ, nếu không đi du lịch, chúng cũng ôm điện thoại, máy tính, nhốt mình trong phòng… Lắm lúc, tôi thấy mình như bà giúp việc”, bà nói.
Tại các viện dưỡng lão chất lượng, người già được chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần.
Bà Cúc càng buồn khi liên tục chứng kiến cảnh vợ chồng con trai xung đột chuyện công việc, tiền bạc. Đến khi có cháu nội, bà và con dâu lại xảy ra mâu thuẫn trong chuyện nuôi dạy cháu.
Bà nói, muốn đến chùa quy y hoặc vào viện dưỡng lão, nhưng vẫn chưa thể hạ quyết tâm. “Có tôi ở đây, các con còn có người chăm nhà cửa, tôi được ẵm bồng cháu nội. Khi cãi nhau, vợ chồng chúng vẫn nhìn vào tôi mà cố gắng cho qua. Nếu tôi đi, chắc các con tan vỡ, cháu tôi khổ, rồi bạn bè, người thân chê bai, bảo chúng bất hiếu…”, bà chia sẻ.
Ở với con hay vào viện dưỡng lão?
Theo kết quả Tổng điều tra dân số 1/4/2019, tổng số dân Việt Nam là 96.208.984 người, số người từ 60 tuổi trở lên: 11,409 triệu người, số người từ 65 tuổi trở lên: 7,417 triệu người.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số trung bình năm 2019 là 96,484 triệu người, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên theo Tổng điều tra dân số là 11,8%, tỷ lệ người 65 tuổi trở lên là 7,7%.
Biểu đồ số dân Việt Nam vào tháng 1/4/2019.
Ông Bùi Anh Trung, Giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, một bộ phận không nhỏ vẫn nhìn nhận viện dưỡng lão là nơi dành cho người lang thang, cơ nhỡ, người nghèo… Xã hội hình thành cái nhìn không thiện cảm về viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người già.
Từ đó, câu chuyện “trẻ cậy cha nhưng về già cậy ai” đang trở thành vấn đề nan giải. Bởi, việc ở với con hay vào viện dưỡng lão ở những năm cuối đời vẫn còn nhiều tranh cãi.
Nhiều khi cha mẹ thực sự có nhu cầu vào viện dưỡng lão nhưng con cái của họ lại không đồng ý. Một trong những lý do này là con cái sợ bị xã hội “ném đá”, nói mình bất hiếu, ruồng rẫy cha mẹ.
“Có nhiều trường hợp, sau khi gửi vào viện dưỡng lão, con cái bỏ luôn cha mẹ. Việc này khiến người già có ác cảm về viện dưỡng lão. Khi được con cái đề nghị, họ thường hoảng loạn, phản ứng tiêu cực, tỏ thái độ chống đối. Điều này dẫn đến việc cha mẹ, con cái nảy sinh mâu thuẫn”, ông Trung nói thêm.
Không chỉ thế, câu chuyện trên cũng khiến nhiều cặp vợ chồng “cơm không lành canh không ngọt”. Bởi, nhiều trường hợp, vợ hoặc chồng đồng ý cho cha mẹ vào viện dưỡng lão nhưng người còn lại không tán thành.
Tại đây, người già có thể giao lưu với bạn bè cùng tuổi.
Chị Ngọc Anh, 40 tuổi, ở Hà Nội cho biết, chị đang rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khi rất muốn cha chồng, mẹ ruột tận hưởng cuộc sống tốt hơn tại viện dưỡng lão nhưng bị chồng kịch liệt phản đối.
“Tôi phải chăm cả bố chồng lẫn mẹ đẻ đã ngoài 80 tuổi. Hai ông bà đã già, khó tính lắm, chuyện vệ sinh, ăn uống không tự chủ được. Đi làm về vất vả, tôi cũng phải cố sức chăm sóc nên rất mệt mỏi. Trong khi đó, ở viện dưỡng lão, các cụ có người chăm sóc, được giao lưu, trò chuyện với bạn bè cùng tuổi, như vậy sẽ vui hơn là ở nhà một mình”, chị Ngọc Anh nói.
Tuy vậy, chồng chị cho rằng, ông bà không còn sống được bao lâu, các con chịu khó một thời gian nữa có thấm tháp gì. Song, chị Ngọc Anh chia sẻ, chị đã ở với bố chồng gần 20 năm, quãng thời gian không phải ngắn và chưa có lúc nào được “tự do” đúng nghĩa. Hai vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, lại phải vất vả chăm sóc 2 người già trái tính, trái nết dẫn đến mâu thuẫn.
Viện dưỡng lão - xu hướng tất yếu trong tương lai
Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được đánh giá là cao nhất châu Á. Vì vậy, viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc sức khỏe người già sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai.
Hiện nay cả nước có khoảng 425 cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em. Trong số này có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập. Tuy nhiên, trong 425 cơ sở trên, chỉ có vài chục trung tâm đặc thù dành riêng cho người cao tuổi. Để ứng phó với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay, nhu cầu về viện dưỡng lão sẽ rất lớn.
Biểu đồ trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi.
Hiện nay, không ít người trẻ có cái nhìn cởi mở hơn về quan niệm báo hiếu, cho cha mẹ “cậy nhờ” viện dưỡng lão khi họ về già. TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết: “Hiện nay, có nhiều người cao tuổi không muốn làm gánh nặng cho con cái. Cuộc sống tại thành thị vốn rất căng thẳng, nhà ở chật chội, có nhà 3-4 thế hệ ở cùng nhau, nảy sinh nhiều hệ lụy. Con cái bận rộn công việc, chăm sóc thế hệ sau của mình… khiến việc chăm sóc, lo nghĩ thêm cho cha mẹ trở thành gánh nặng. Do vậy, cho người cao tuổi vào viện dưỡng lão chất lượng sẽ là lựa chọn tối ưu của nhiều gia đình”.
Dưới góc độ chuyên môn, ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ Xã hội Việt Nam cho rằng, để đáp ứng được nhu cầu về viện dưỡng lão trong tương lai, Chính phủ cần cởi mở hơn trong việc phát triển cơ sở dưỡng lão tư nhân, thậm chí đặt hàng tư nhân và đồng hành cùng họ.
Viện dưỡng lão sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai.
Các doanh nghiệp sẽ tự xây dựng cơ sở, đầu tư mua sắm thiết bị, ngược lại, nhà nước hỗ trợ chăm sóc cho đối tượng sử dụng dịch vụ tại các cơ sở này. "Ví dụ, tư nhân xây dựng cơ sở với công suất phục vụ cho 300 đối tượng, nhà nước sẽ hỗ trợ vấn đề trợ cấp, công tác chăm sóc cho 300 người này. Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cùng lo sẽ tạo thuận lợi cho người cao tuổi", ông Tùng phân tích thêm.
Ông Tùng cũng nhấn mạnh việc các cơ sở dưỡng lão phải nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo cho người cao tuổi được chăm sóc toàn diện thì mới gạt bỏ được tâm lý e ngại của nhiều người, đặc biệt là đối tượng con cái đứng trước quyết định có nên đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão hay không.
Chị Phương Anh, 35 tuổi ở Bình Tân, TP.HCM chia sẻ với VietNamNet, nếu cha mẹ của chị ở viện dưỡng lão đạt tiêu chuẩn "5 sao" thì đó là việc con cái nên ủng hộ.
Xu hướng sống ở nhà dưỡng lão khi về già là tất yếu của tương lai, khi xã hội ngày càng hiện đại. Nhiều người trẻ đến trung niên ngay từ bây giờ đã tích lũy một khoản tài chính không nhỏ để chuẩn bị cho một cuộc sống trong viện dưỡng lão tự chủ và không phiền con cháu lúc về già.
* Tên của nhân vật đã được thay đổi
Theo vietnamnet