Hãy sống như cha mẹ chúng ta trong chiến tranh: Hiên ngang chiến đấu, hăng hái lao động và bình thản yêu thương.
Chỉ còn một tuần nữa là năm học mới bắt đầu, mà tôi nhận ra là một số cơ quan chính quyền, nhà trường, các thầy cô và các cha mẹ học sinh hầu hết đều chưa thực sự sẵn sàng tâm thế để học sinh học trực tuyến như là một hình thức học nghiêm túc và dài hạn.
Trong lúc này, học online gần như là lựa chọn duy nhất với nhiều tỉnh, thành phố. Các thầy cô giáo than phiền rằng dạy online vất vả. Còn phụ huynh thì lo con mình học trực tuyến không hiệu quả và sẽ bị cận thị. Một số người còn sợ rằng, các học sinh nghèo sẽ không có thiết bị công nghệ để có thể tiếp cận các lớp học trực tuyến. Phần lớn đều không tha thiết với việc học online và mong rằng, học online chỉ là giải pháp tạm thời trước khi dịch bệnh qua đi.
Nhưng có ai có thể trả lời tôi, bao giờ thì dịch Covid-19 sẽ hết?
Tháng 2 năm ngoái, khi Covid-19 bắt đầu bùng lên ở Vũ Hán (Trung Quốc) và lan ra các quốc gia khác, có những ý kiến chuyên gia cho rằng dịch sẽ kết thúc vào mùa hè, khi nhiệt độ ấm lên, hoặc khi các nhà khoa học tìm ra vắc xin ngừa Covid-19. Chúng ta đã chờ đến mùa hè, qua mùa đông, rồi mùa xuân đến và một mùa hè nữa chuẩn bị qua đi, vắc xin cũng đã có, nhiều nước đã phủ vắc xin đến 80% dân số, nhưng Covid-19 vẫn còn đây, không ngừng thách thức nhân loại bằng những biến chủng mới, khiến cả những quốc gia có độ phủ vắc xin cao nhất thế giới như Israel cũng không tự tin nói rằng họ đã đạt được miễn dịch cộng đồng.
Vậy thì bao giờ Covid-19 sẽ biến mất?
Câu trả lời có thể là rất lâu nữa, hoặc không bao giờ. Khi lãnh đạo của các quốc gia đang dẫn đầu về tiêm chủng cũng đã bắt đầu nói về một tương lai mà loài người sẽ phải sống chung với Covid-19 nhiều tháng qua, thì ở Việt Nam, câu cửa miệng mà tôi thấy nhiều người nói nhất là "chờ hết năm Covid-19" đã nhé. Chúng ta có thể chờ hết Covid-19 để cùng ăn một bữa cơm với bạn bè, nhưng bệnh nhân không thể chờ nó biến mất mới đi khám bệnh, người nông dân không thể chờ hết Covid-19 mới trồng lúa, học sinh không thể chờ hết Covid-19 mới trở lại với việc học, nhân viên nhà nước không thể chờ hết Covid-19 mới phục vụ dân. Chúng ta phải học cách để thích nghi, để sinh tồn, kể cả trong một hiện thực rằng Covid-19 vẫn còn ở nguyên đây, trên đất nước chúng ta, hiện diện xung quanh cuộc sống chúng ta...
Những ngày này, mỗi khi báo chí, bạn bè hay đồng nghiệp trao đổi về hy vọng tháng 10 hay tháng 11 năm tới thì Việt Nam sẽ chấm dứt tình trạng phong tỏa, tôi thường chia sẻ với họ về nghịch lý Stockdale. Tướng James Stockdale, nguyên đô đốc của hải quân Mỹ, từng bị cầm tù suốt 8 năm ròng. Sau khi tự do, đô đốc Stockdale đã chia sẻ với Jim Collins (tác giả cuốn sách nổi tiếng "Từ tốt đến vĩ đại -From Good to Great") rằng, ở trong tù, những người chết trước là những người lạc quan nhất, vì họ luôn tin rằng họ sẽ rất nhanh được tự do.
Cuối cùng, những người đó đã chết trong đau khổ với trái tim tan nát vì tuyệt vọng khi sự thật không như những gì họ hình dung. Nghịch lý Stockdale nhắc nhở bạn rằng, bạn không bao giờ được lẫn lộn giữa niềm tin rằng mình sẽ chiến thắng, cái mà anh không bao giờ được để mất, với việc bạn phải có bản lĩnh đối diện với sự thật bất kể nó phũ phàng đến thế nào đi nữa. Đó là sự cân bằng để có thể tồn tại trong khủng hoảng.
Trong cuộc khủng hoảng này, tôi không ngừng nhắc nhở mình về bài học từ câu chuyện của đô đốc Stockdale và nghịch lý mang tên ông. Tôi hoàn toàn tin rằng một ngày nào đó Covid-19 sẽ biến mất và chúng ta sẽ sống sót qua thảm họa này, nhưng tôi cũng chấp nhận thực tế rằng nhân loại sẽ phải sống chung rất lâu với nó. Và để sống sót, tổ chức chúng tôi và cá nhân tôi chuẩn bị tất cả về tinh thần lẫn các kỹ năng và tìm kiếm các giải pháp để tiếp tục sống bình thường.
Từ một năm trước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đó giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi, nhắc nhở người dân phải học cách sống với "bình thường mới". Nhưng sự thực là đã một năm qua đi, không ít người chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu thế nào là sống "bình thường mới" và chưa sẵn sàng cho một cuộc sống "bình thường mới" với đúng nghĩa của từ này. Nhiều người chúng ta vẫn sống theo kiểu "ăn đong" và ngồi đếm từng ngày chờ Covid-19 qua đi rồi mới bắt đầu "sống" thực sự. Mà giáo dục chính là một điển hình của tâm lý ấy.
Nếu dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào tháng 10 thì thật tốt, việc trẻ nhỏ không đến trường cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn, các trường chỉ cần dạy bù là xong. Nhưng chúng ta sẽ làm gì, nếu dịch Covid-19 phải 2-3 năm nữa mới kết thúc? Hoặc nếu các biến chủng không ngừng xuất hiện và vắc xin không thể được nghiên cứu kịp để giúp nhân loại miễn dịch cộng đồng trong 10-20 năm tới, thì chả lẽ chúng ta cũng để con em mình học "đại khái" suốt thời gian đó? Hãy chấp nhận Covid-19 như chấp nhận những thảm họa thiên nhiên vẫn đến với con người hàng năm. Thi thoảng chúng ta sẽ phải lockdown, rồi lại mở cửa, rồi lại lockdown. Nhưng chúng ta phải xoay sở được cách sống "bình thường mới" kể cả khi ấy.
Không như một số bố mẹ hay chuyên gia lo lắng về khả năng học online của trẻ, tôi hoàn toàn tin vào khả năng tiếp nhận cái mới và khả năng thích nghi của các bạn nhỏ. Đứa trẻ ngày đầu đến trường sẽ luôn khóc rồi mới học được cách quen với bạn bè, trường lớp, thầy cô. Một học sinh học trực tuyến một hai tuần đầu có thể sẽ bỡ ngỡ nhưng rồi sẽ sớm quen với phương pháp dạy mới. Não bộ của trẻ con luôn có khả năng tiếp thu cái mới và thích nghi với cái mới nhanh gấp nhiều lần người lớn. Bởi vì các bạn nhỏ ấy không có thiên kiến như người lớn là học qua máy tính sẽ mất thời gian hoặc không hiệu quả. Nên thay vì ngồi lo con cái mình sẽ không tập trung khi học trực tuyến, tôi lại nghĩ rằng đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để rèn cho con cái chúng ta làm quen với công nghệ, hình thành kỹ năng tự học.
Alvin Toffler từng nói: "Những người mù chữ trong thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những người không có khả năng học, rồi quên đi chính những thứ mình đã học và tiếp tục học cái mới".
Hiện giờ chúng ta hoàn toàn có thể ngồi nhà và tự khám phá cả kho tàng kiến thức của nhân loại. Rèn luyện thói quen học trực tuyến, tra cứu tài liệu trên internet, học nhóm chính là một trong những kỹ năng quan trọng để có thể luôn sẵn sàng học những cái mới. Covid-19 có thể đem đến cho chúng ta nhiều thách thức, nhưng một người làm giáo dục như tôi nhìn ra một cơ hội vô cùng lớn - cơ hội để Việt Nam nói chung và nền giáo dục Việt Nam nói riêng, đứng trước một cuộc đại nhảy vọt trong việc học bằng cách ứng dụng công nghệ và tự học.
Vài năm trở lại đây, chi phí để mua một cái điện thoại thông minh hoặc một cái máy tính cũ sẽ chỉ dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng - mức tiền mà có lẽ hơn 70% các hộ gia đình ở Việt Nam hiện giờ có thể lo được để cho con cái mình tham gia học trực tuyến. Chúng ta sẽ vẫn phải chấp nhận thực tế là có thể có những gia đình không đủ điều kiện để mua sắm thiết bị để cho con cái học trực tuyến. Nhưng không thể lấy đó làm lý do tước đi cơ hội học tập của những đứa trẻ khác. Giống như chúng ta chưa có đủ vắc xin tiêm cho tất mọi người nhưng không thể vì thế mà nhân danh bình đẳng chúng tước đi quyền tiêm chủng của hàng triệu người khác.
Với nhóm học sinh không có điều kiện học trực tuyến hay với nhóm người chưa thể tiêm chủng, chúng ta sẽ có nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp từng bước một. Ví dụ như ở hệ thống trường học của tập đoàn chúng tôi, chúng tôi đã xây dựng phương án dạy trực tuyến lâu dài từ một năm trước và sẵn sàng với việc đó. Với những học sinh mà vì lý do bố mẹ có hoàn cảnh khó khăn không đóng được học phí, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ học phí. Chúng tôi cũng triển khai triệt để các nền tảng học trực tuyến với sự tiện dụng tốt nhất có thể cho học sinh học tại nhà. Có ý kiến cho rằng để trẻ tiếp cận với máy tính hay điện thoại quá nhiều sẽ làm các bạn trẻ bị cận thị. Thực tế là hiện giờ trẻ đã tiếp cận với máy tính, điện thoại không qua cách này thì cách khác rồi. Có gì bảo đảm rằng con bạn sẽ không dùng điện thoại hay máy tính, nếu chúng không học online?
Các giống loài trên trái đất và con người đã trải qua rất nhiều thảm họa trong lịch sử, và những sinh vật sống sót luôn là những sinh vật biết thích nghi tốt nhất, luôn tìm kiếm được con đường mới để sinh tồn. Tôi nhìn thấy có những người đã học cách để thích nghi. Ví dụ như những doanh nghiệp kinh doanh F&B vì không có tiền thuê mặt bằng với chi phí quá cao trong lúc dịch bệnh khó khăn đã nghĩ ra ý tưởng về những cloud kitchen (bếp trên mây) - chỉ phục vụ những ai mua mang đi. Ngày xưa, để gặp đối tác, tôi sẽ phải bay ra Hà Nội, bay đi nước ngoài cả tuần. Nhưng Covid-19 đã giúp tôi nhận ra những buổi họp meeting online cũng hiệu quả không kém. Tôi có thể tiết kiệm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian và kết nối với nhiều người cùng một lúc. Nếu ngày xưa muốn tổ chức một buổi nói chuyện với toàn tập đoàn hơn 2.000 nhân viên, chúng tôi phải tìm một hội trường lớn. Bây giờ, chỉ cần một cái máy tính hoặc điện thoại có kết nối wifi, hàng nghìn nhân viên của chúng tôi có thể "gặp nhau", nói chuyện với nhau ngay tại chính ngôi nhà của họ.
Có thể không phải ai, không phải lĩnh vực gì cũng có thể có giải pháp để duy trì hoạt động trong đại dịch, nhưng bất cứ ai, bất cứ ngành nghề nào, nếu còn cách nào để xoay sở, nếu còn cách nào để tiếp tục duy trì cuộc sống, duy trì hoạt động kinh doanh, thì chúng ta không thể chấp nhận làm gấu "ngủ đông", ăn đến số thức ăn dự trữ cuối cùng và dùng phép thắng lợi tinh thần để hy vọng Covid-19 sẽ hết trong vài tuần nữa.
Trong ca khúc "Nhớ về Hà Nội", nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết
"Nhớ lúc bom rơi thời chiến tranh
Đất rung ngói tan gạch nát
Em vẫn đạp xe trên phố
Anh vẫn tìm âm thanh mới…".
Thế hệ cha mẹ chúng ta đã sống với tinh thần như thế, vì nếu như họ không tiếp tục sống, không vừa đánh giặc, vừa lao động, sáng tác nghệ thuật thì làm sao cả đất nước có thể đi qua mấy chục năm chiến tranh dài đằng đẵng? Họ chắc chắn hiểu hơn ai hết về khái niệm "bình thường mới" kiểu thời chiến. Vậy hãy nghĩ là chúng ta vẫn đang thời chiến (với Covid-19 đi) và chúng ta nhất định phải sống cho ra sống, như cha mẹ chúng ta đã từng!
TS Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch EQuest Group
Theo vietnamnet