Con đường trở thành vị sếp giỏi giang không thiếu những bất công và chông gai. Con đường ấy khiến trái tim từng trong sáng mềm yếu phải trở nên gai góc và lãnh đạm qua từng năm tháng. Bởi bạn sẽ không cho phép bản thân phải nhận tổn thương hay phản bội thêm nữa. Nhưng luôn có những người xuất hiện đúng thời điểm, người có thể khiến bạn tin tưởng và mỉm cười nhiều hơn. Những người nhân viên hay cộng sự ấy có thể không xuất sắc và thông minh nhất, nhưng khiến bạn tin rằng phần tốt đẹp của thế giới luôn tồn tại. Muốn cấp dưới thấu hiểu và cảm thông, hãy nói về bản thân nhiều hơn. Hãy mở lòng về chí hướng của chính mình với đội ngũ của bạn, để họ từ đó xây dựng hoài bão riêng cho tương lai và nuôi dưỡng niềm vui được đồng hành cùng bạn, được học hỏi kiến thức từ một người sếp tuyệt vời, đó không phải là truyền cảm hứng hay sao?

Gặp nhau là chuyện công việc, lời tạm biệt đôi khi cũng là một lời nhắn nhủ để đốc thúc những “deadline” chưa hoàn thành. Nhưng đôi khi, chỉ cần tạm gác lại, hẹn gặp mặt riêng từng thành viên trong nhóm, bạn sẽ có thể thoải mái chia sẻ với nhân viên rằng cũng có lúc bạn không hề ổn và bạn biết không, bạn sẽ có thể nhận được những kết quả bất ngờ từ chính nhân viên của mình. Gặp gỡ và giao tiếp là cách bạn đang cho mình nhiều cơ hội hơn để giữ chân nhân sự và không bỏ sót bất kỳ người tài nào. Giao tiếp nhiều hơn không có nghĩa là bạn sẽ khai thác những vấn đề về cuộc sống riêng tư của đối phương, mà là tìm kiếm những câu trả lời cho những câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ của cả hai. Đôi khi câu trả lời có thể mang đến những khó chịu, nhưng “mất lòng trước, được lòng sau”, đừng để mọi thứ quá muộn mới vỡ lẽ ra những hiểu lầm mà nếu trò chuyện với nhân viên sớm hơn bạn đã giải quyết được.

Điều quan trọng là mọi người phải nhận được thông tin cần thiết một cách rõ ràng, đồng thời đảm bảo không có sự mâu thuẫn hay khó hiểu nào. Một người sếp giỏi là người đa nhiệm và hầu như có thể tham gia vào quá trình vận hành của nhiều bộ phận cùng lúc, nhưng cũng chính điều này khiến bạn đôi khi quên mất những điều đã nói và khiến nhân viên hoang mang khi tiếp nhận thông tin. Sau mỗi thông báo đưa ra, hãy xác minh lại một lần nữa với nhân viên, hay thậm chí ghi chú lại để không quên những gì đã nói. Đây cũng là cách bạn yêu cầu các nhân viên chịu trách nhiệm về kỳ vọng chung một cách thiện chí. Thể hiện sự nhất quán trong các quyết định còn là cách thể hiện tính cách của người sếp, cho phép bạn xây dựng lòng tin ở cấp độ cá nhân hơn.

Trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta thà lựa chọn im lặng, thay vì nói lên nỗi khổ của chính mình. Nhưng cuộc sống cũng bao gồm công việc, nếu cứ im lặng thì đôi khi mọi thứ sẽ chỉ càng trở nên bế tắc hơn mà thôi. Những tin tức tích cực có thể giúp nâng cao tinh thần và thúc đẩy cảm giác gắn bó. Nhưng tin xấu là thứ thỉnh thoảng khó tránh khỏi, điều quan trọng là hãy thừa nhận và đối tượng cần được chia sẻ thông tin này từ bạn trước tiên chính là đội ngũ, bằng không nó có thể sẽ phá hủy mọi niềm tin giữa bạn và họ. Nếu chia sẻ tin tốt là một cơ hội để bạn cảm ơn và công nhận mọi người, thì công khai những khó khăn là cơ hội để bạn yêu cầu sự giúp đỡ từ họ. Nhiều người quản lý thường cho rằng khi nhân viên muốn được công nhận, là khi họ muốn được khen thưởng hoặc tăng lương. Trên thực tế, nhân viên thường nói về sự công nhận khi người sếp tình nguyện tìm đến mình trong giai đoạn công ty bất ổn.

Trong công việc, bạn có thể gặp một nhân viên cởi mở, mọi vui buồn đều không ngại che giấu, người mà bạn có thể thẳng thừng góp ý hay chỉ cần một lời khen là đủ để tiếp thêm động lực. Nhưng, bạn cũng không ít lần bắt gặp những ánh mắt dè chừng, những câu trả lời “mọi thứ vẫn ổn” đối với những nhân viên hướng nội hay ngại thể hiện quan điểm. Đối với những trường hợp này, bạn lại thường phòng thủ. Mọi thành viên của một tổ chức luôn cầu mong một không khí làm việc với văn hóa tích cực, nơi họ có thể thoải mái chia sẻ và đưa ra những lời khuyên phù hợp ngay cả cho trưởng bộ phận hay lãnh đạo công ty. Sự phòng thủ là kẻ vô hình giết chết một nền văn hóa tốt đẹp của doanh nghiệp. Hãy bình tĩnh tiếp nhận mọi động thái của người đối diện và tìm ra câu trả lời trong những cuộc trò chuyện. Đôi khi, những người ít nói nhất lại là người hiểu bạn nhất, bởi trong những lúc người khác bày tỏ, có lẽ họ đang lẳng lặng quan sát và ghi nhớ thói quen của bạn.

Nhiều thí nghiệm khoa học đã chứng minh rằng học cách thoải mái đón nhận sự thật là cách nuôi dưỡng các mối quan hệ lành mạnh về tinh thần và thể chất giữa các cá nhân. Ở những thời khắc mở lòng để bộc lộ quan điểm cá nhân, bạn sẽ phải đối phó với những ý kiến và đề xuất trái ngược. Nhiệm vụ của bạn khi làm sếp là phải bắt đầu tiếp nhận những chỉ trích ấy, dám nói ra những điều đó cũng là một cách nhân viên thể hiện tinh thần xông pha của mình. Bởi những người luôn mang tâm trạng có thể ra đi bất cứ lúc nào, họ sẽ chẳng buồn tham gia vào cuộc đối thoại. Bạn không nhất thiết phải chấp nhận mọi lời nhận xét một cách vô điều kiện, nhưng hãy thể hiện sự tôn trọng với nhân viên. Một phần công việc của người quản lý là học cách chấp thuận những lời phán xét mà không bất mãn.

Lắng nghe cũng là một cách mở lòng không dùng đến ngôn từ. Bắt đầu bằng câu hỏi “Dạo này thế nào?” nghe có vẻ bình thường, nhưng nó luôn hữu dụng trong nhiều trường hợp để khiến bạn và đối phương có thể mở lòng và bày tỏ những tâm sự luôn che giấu. Chỉ cần bạn kết nối với nhân viên bằng cách lắng nghe một cách chân thành, bạn sẽ đọc vị được rất nhiều thông điệp mà  họ chưa dám nói ra, chẳng hạn như sự ngừng nghỉ khi nói chuyện, nhấn nhá trong câu chữ hay sự tập trung của ánh mắt… để có thể phản hồi một cách tinh tế. Sau đó, những gì bạn truyền đạt cũng sẽ nhận được sự đối xử tương tự. Một trong những lý do khiến “trái tim không thể chạm đến trái tim” là vì cả hai đã bộc lộ cảm xúc chưa tới. Bộc lộ về nỗi lo toan của mình và “kết nối” nỗi lo của chính mình và nỗi lo của người khác, chấp nhận sự phụ thuộc và nương tựa lẫn nhau trong những giai đoạn trắc trở. Đó là cách bạn mở lòng và tạo nên một môi trường làm việc tin cậy không còn nghi ngờ, hiểu lầm và xung đột.

***

Thế giới công việc như chúng ta thấy đã thay đổi, với tư cách một người lãnh đạo doanh nghiệp, bạn phải thích ứng và thay đổi trước hầu hết ai khác. Hãy ưu tiên sự thay đổi đó để giao tiếp nhiều hơn, công khai nhiều hơn và giải thích nhiều hơn với tư cách một người sếp. Bởi tất cả những gì mọi người mong muốn hiện tại, chính là sự trung thực và minh bạch mà nếu người sếp sẵn sàng “mở lòng”, mọi thứ cũng nhẹ nhàng đi nhiều.

Theo nudoanhnhan