Jean Bedel Bokassa sinh năm 1921, nổi tiếng là nhà lãnh đạo độc tài và tàn bạo của Trung Phi. Lâm Bích Xuân (phải) trước khi sang Trung Phi lấy chồng năm 18 tuổi. Ảnh: sohu.
Lâm Bích Xuân (sinh năm 1950) đến từ Đài Loan có đôi mắt lá liễu, miệng nhỏ, da trắng và vóc dáng thắt đáy lưng ong. Tại vùng đất nơi Lâm sinh ra, cô được coi là mỹ nữ.
Năm 1968, Jean Bedel Bokassa - khi đó là tổng thống của Cộng hòa Trung Phi - trong một lần công du đến Đài Loan đã gặp Lâm Bích Xuân. Khi đó Lâm mới 18 tuổi và đang làm nhân viên bán rượu tại một khách sạn ở thành phố Cao Hùng. Vừa gặp Lâm, Bokassa đã đứng hình vài giây và quyết tâm phải lấy bằng được cô gái này làm vợ.
Trước khi rời Đài Loan, Bokassa ngỏ ý với các quan chức đảo này về việc muốn lấy Lâm Bích Xuân. Khi đó gia cảnh Lâm rất nghèo, nghe tin một người giàu có, quyền lực muốn lấy mình làm vợ nên cô nhanh chóng đồng ý.
Một điều kiện khác đi kèm trong đề nghị của Bokassa gửi đến người đứng đầu Đài Loan khi đó: Lâm Bích Xuân phải là trinh nữ. "Nếu cô gái đó không phải trinh nữ thì các ông tìm cho tôi một cô gái trong trắng khác người Đài Loan để kết hôn. Nếu các ông không đồng ý, quan hệ giữa chúng ta chỉ gói gọn trong hai từ ‘tan vỡ'", Bokassa viết.
Làm thế nào để biết Lâm còn trinh tiết hay không cũng khiến nhà lãnh đạo Đài Loan cảm thấy đau đầu. Tuy nhiên thời điểm này, xã hội Đài Loan vẫn còn bảo thủ, việc quan hệ trước hôn nhân là điều cấm kỵ. Vì thế sau vài lần điều tra người nhà và ngay cả bản thân cô Lâm, Đài Loan đã gửi thư cho Bokassa khẳng định "Những đòi hỏi của ông đều được đáp ứng".
Vui mừng, Bokassa lập tức gửi một thư mời Lâm đến Trung Phi và tổ chức hôn lễ với cô gái 18 tuổi này. Sau ngày cưới, Lâm được chồng tặng cho một biệt thự xa hoa với rất nhiều đồ đạc quý giá. Lúc này Lâm là vợ thứ 9 của vị tổng thống độc tài.
Bức thư Bokassa gửi cho Lâm Bích Xuân mời cô sang Trung Phi. Ảnh: sohu.
Để vợ vui, Bokassa còn đón cả anh trai và em gái của Lâm sang sinh sống cùng. Hai người này được Bokassa tạo điều kiện tối đa để kinh doanh, kiếm tiền. Được chồng sủng ái, trong vòng 3 năm, Lâm đã hạ sinh cho chồng 2 người con gái, cuộc sống vô cùng viên mãn.
Vài năm sau khi kết hôn, Bokassa tấn phong Lâm Bích Xuân danh vị cao sau khi tự nhận mình là "hoàng đế". Nhiều người ví rằng, Lâm chẳng khác gì Từ Hy Thái Hậu với quyền lực đầy mình, cả đời được hưởng vinh hoa phú quý mà không phải lo nghĩ gì.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, Bokassa bắt đầu cưới thêm vợ bé trên các quốc gia ông ta đi qua. Biết tính chồng đào hoa, Lâm không thể phản đối, cô âm thầm chịu đựng "chăn đơn gối chiếc" trong một thời gian dài.
Mấy năm liền chồng không thèm ngó ngàng tới cộng thêm những quy định nghiêm ngặt trong cung điện khiến cuộc sống của Lâm Bích Xuân không khác gì ngục tù. Đỉnh điểm là khi Bokassa đề nghị lấy em gái của Lâm làm vợ, cô đã thẳng thừng từ chối.
Biết rằng phản đối Bokassa có thể phải lãnh hậu quả nặng nề, Lâm Bích Xuân đã gọi điện cầu cứu người đứng đầu Đài Loan sắp xếp cho cô và gia đình được trở về quê hương. Sự việc gây bối rối bởi có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ ngoại giao. Về phần Lâm, ngày nào cô cũng gọi điện và gửi thư khẩn thiết.
Lâm Bích Xuân sau cùng được trở về quê, cùng anh trai, em gái, với lý do "chữa bệnh ngoài da và kiết lị" - những bệnh khi đó phía Trung Phi chưa chữa được, tuy nhiên hai con gái cô phải ở lại.
Bokassa từng đảo chính để được làm tổng thống Trung Phi vào năm 1960, sau đó tự xưng là hoàng đế năm 1976, và bị lật đổ năm 1979. Ảnh: sohu.
Ngày chia tay, Bokassa ôm chầm lấy Lâm Bích Xuân khóc to, dặn dò cô yên tâm chữa bệnh, khi nào khỏi thì quay về với chồng và các con. Không những thế, Bokassa còn chuyển rất nhiều tiền vào tài khoản cho Lâm để chữa bệnh. Tuy nhiên đó là lần cuối họ gặp nhau và Lâm không bao giờ quay trở lại quê chồng nữa.
Năm 1979, Bokassa bị đảo chính lật đổ, phần lớn tài sản bị tịch thu và phải đi tị nạn cùng 15 đứa con. Những năm cuối đời, vị cựu hoàng này sống trong nghèo khổ, túng quẫn và chết vào năm 1996 trong tình cảnh xa quê hương.
Hiện nay nhiều phụ nữ Đài Loan, Trung Quốc kết hôn với đàn ông đến từ lục địa đen. Tuy nhiên tỷ lệ ly hôn của những cặp đôi này rất cao, bởi khác xa nhau về lối sống và văn hóa.
Một nhà xã hội học tại đất nước này cho rằng cuộc hôn nhân của những cặp đôi da vàng - da đen đang trở thành hiện tượng do làn sóng đầu tư vào lục địa đen. "Dẫu gọi là phát triển kinh tế và hội nhập nhưng vấn đề màu da vẫn còn nặng nề. Ở Trung Quốc, chỉ đếm được đầu ngón tay những cặp đôi kiểu này hạnh phúc", nhà xã hội học này cho hay.
Theo
vnexpress