Sự khác biệt giữa vợ chồng là điều bình thường, thậm chí còn bổ trợ cho nhau - ảnh mang tính minh họa: shutterstock

Nhiều người cho rằng, vợ chồng càng có nhiều điểm chung thì càng hạnh phúc, hòa hợp. Tôi lại nghĩ con người ta thường có khuynh hướng đi tìm cái mình thiếu, hoặc không có. Vốn dĩ, đàn ông và đàn bà luôn có sự khác biệt về suy nghĩ, sự thể hiện tình cảm hay thói quen, sở thích… Thì sự khác biệt, nếu có, cũng là điều rất đỗi bình thường.

Một ông chồng vốn đã ưa nói nhiều, nếu gặp phải một bà vợ nói nhiều nữa thì liệu có hòa hợp được chăng, khi ai cũng tranh nhau “cướp đài phát thanh”? Trường hợp này, một người ít nói, để dành cho sự lắng nghe… hẳn sẽ là mảnh ghép tương thích cho một nửa thích chia sẻ và hay nói, nên chăng?

Cũng như, một ông chồng ăn to xài lớn, tiêu tiền như nước, lại gặp phải một bà vợ “xả láng”, thì đến một lúc nào đó cũng tan nhà nát cửa, hoặc sẽ có lúc đổ tội cho nhau khi rơi vào cảnh túng bấn. Phải chăng, nếu có sự khác biệt trong tính cách và quan điểm về phương diện này, gia đình mới mong được yên ấm và nên cửa nên nhà?

Tôi có anh bạn tính tình rất phóng khoáng. Một năm anh đổi điện thoại đến vài lần, hễ có cái nào mới ra là phải “săn” cho bằng được, còn xe cộ cũng thay mới thường xuyên. Với bạn bè anh rộng rãi vô cùng, ai nói cần tiền mà đang có dư là anh cho mượn, không cần tìm hiểu nguyên do. Hồi anh mới quen vợ anh bây giờ, nhiều người cứ khen sao mà cả hai “hợp cạ” đến thế, khi lúc nào cũng thấy họ vui vẻ, tung tăng bên nhau đi ăn uống, mua sắm. 

Vợ anh cũng vô tư hồn nhiên trong khoản chi tiêu không kém chồng. Chị cũng thích tiêu pha vào các khoản quần áo, giày dép, túi xách, điện thoại… Họ thường tặng nhau và tự tặng cho bản thân những thứ mà cả hai yêu thích. Gần như thu nhập hằng tháng của vợ chồng anh đều chi xài hết, không dư được bao nhiêu.

Cho đến khi có con, họ vẫn duy trì thói quen cũ, vì nó đã là tính cách mất rồi.
Mãi đến lần con anh bị bệnh nặng về mắt, bác sĩ đề nghị gia đình đưa bé sang Singapore điều trị, anh chị mới quáng quàng hỏi nhau tiền trong tài khoản dư được bao nhiêu? Cả hai giận dỗi, đổ thừa cho nhau vì “không biết chừa hậu”.

Anh hỏi bạn bè những khoản đã cho mượn trước đây, nhưng không chút hy vọng. Chị đem hết vàng vòng tư trang đi bán, cũng chỉ thu lại một ít, vì khi mua thì giá cao, nhưng lúc bán đâu được bao nhiêu. May mà vài người bạn và gia đình hai bên cùng chung tay giúp đỡ. Sau lần ấy, chị cũng hiểu ra rằng sự khác biệt đôi khi lại tốt cho một cuộc hôn nhân. 

Ba mẹ tôi cũng khác biệt về nhiều khía cạnh, thậm chí có khi tưởng xung khắc nhau, nhưng rồi họ vẫn ở bên nhau đến trọn đời. Ba tôi tính cộc, ít nói và không thích đùa. Mẹ tôi thì ngược lại, hay đùa tếu và thích chọc cho ba quạu. Thế nhưng, ba có thể ngồi yên lặng hàng giờ nghe mẹ kể đủ thứ chuyện trên đời. 

Ba tính “liều mạng”, ít quan tâm đến sức khỏe và ghét thể dục thể thao. Mẹ thì lại rất chăm lo sức khỏe và yêu thích thể dục. Thực ra cũng chẳng ảnh hưởng gì! Sáng ra ba ngồi đọc báo, mẹ đi tập thể dục với hội bạn, đến khi mẹ về ghé chợ mua ít rau củ thì cả hai cùng ngồi nhặt rau, ba mẹ kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện.

Mẹ lãng mạn, thích nhạc Trịnh và trồng hoa. Ba thì chỉ cặm cụi vào chuyên môn, những con số, và coi nó là thú vui, môn giải trí. Cũng chẳng hề gì! Mẹ cứ vui với nhạc và làm những điều mẹ thích, ba vẫn ngồi đó nghe ké vài bản nhạc hay ngắm mấy chậu hoa, dù lòng chẳng ưa thích gì chúng.

Tôi biết, ba vẫn luôn tìm kiếm sự cân bằng cho tâm hồn, thông qua nét tính cách trẻ con, tếu táo và lãng mạn của mẹ. Còn mẹ cũng học từ ba tính thực tế, sự chín chắn và chừng mực. Họ đã trải qua bao tháng năm bên nhau như thế, có sóng gió nhưng vẫn rất êm đềm.

Ba được hỏa táng cùng với chiếc nhẫn cưới - món trang sức duy nhất của cuộc đời ông. Mẹ tôi ở lại với chiếc nhẫn cưới ba đã lồng vào tay mẹ từ mấy chục năm trước. Sau tất cả, những khác biệt hay thậm chí là dị biệt, đều là những kỷ niệm đẹp vô ngần. Mà thực ra, ngay từ những ngày đầu về với nhau, cho đến khi nói lời tạm biệt, trong họ, khác biệt chưa bao giờ là trở ngại. 

Theo phunuonline