Khoảng trống dành cho mẹ
Cập nhật lúc 22:48, Thứ hai, 10/05/2021 (GMT+7)
Tưởng chừng mẹ sắp được nghỉ ngơi, lúc tôi vừa biết thương mẹ theo cách của một người đàn bà, thì mẹ ra đi...
Ảnh minh họa
Tôi từng chìm trong nỗi buồn mất mẹ suốt một thời gian dài. Sau đám tang của mẹ là những ngày thấm thía nhất. Bao nhiêu giấc mơ, bao nhiêu điều ước, bao nhiêu dằn vặt và những điều chưa kịp làm cho mẹ khiến tôi khốn khổ.
Phải mất một thời gian dài, công việc, con cái bạn bè vực tôi dậy, tôi tỉnh táo hơn khi chấp nhận nỗi đau.
Có lẽ trên đời, không có lời nào đẹp như hai tiếng “mẹ ơi”. Người ta gọi mẹ khi hạnh phúc, lúc cất tiếng nói đầu đời, gọi mẹ khi đau đớn. Tiếng gọi thốt ra, bật lên. Lúc tôi nằm trong phòng chờ sinh, vì con gái tôi quá lớn nên cơn đau kéo dài. Mẹ vuốt lưng cho tôi, dìu tôi đi lại, mẹ cũng là người quyết định ký giấy sinh mổ, đề nghị tiêm giảm đau bất chấp người khác ngăn cản. Thời gian nằm hồi sức mấy tiếng sau sinh dài đằng đẵng, người đầu tiên tôi nghĩ đến là mẹ.
Khi tôi mang thai, mẹ thường kể mẹ sinh ba đứa con khỏe lắm, vừa gánh cỏ về nhà là trở dạ sinh con. Nằm được vài ngày đã dậy băm bèo nấu cám. Những kỷ niệm hai mẹ con bắt cá đồng xa, tát nước trưa hè, những buổi tối chị em tôi ngồi học bài, mẹ bưng chậu quần áo lên hiên nhà tận dụng ánh sáng hắt ra từ bàn học để giặt giũ.
Bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu mùa mưa nắng đến lúc các con đã lớn, tưởng chừng sắp được nghỉ ngơi, lúc tôi vừa biết thương mẹ theo cách của một người đàn bà thì mẹ rời cõi tạm.
Bao nhiêu thương yêu mẹ gửi gắm lại khúc ruột trên khúc ruột dưới của mẹ. Mẹ dặn muốn báo hiếu cho mẹ thì hãy thương yêu những người mà mẹ thương yêu và phải nhớ biết thương lấy thân mình.
Nhìn các con, tôi hay nhớ lúc bà cháu quây quần. Mỗi lần con gái nói: “Mẹ ơi, bao giờ bà mới về”, “Mẹ ơi, lớn lên con sẽ kiếm thật nhiều tiền con mua tóc đen cho bà để bà trẻ mãi”, “Mẹ mắng con, bà ở trên trời đều nhìn thấy”... lòng tôi đau nhói. Tôi cũng nhận ra một phần máu thịt của mẹ đang lớn dần trong các con mình. Đấy cũng là một cách tự an ủi về sự tái sinh diệu kỳ của mẹ.
Con gái theo chồng, hẳn sẽ có không ít những lần ấm ức muốn chạy ngay về nhà mẹ để kể lể, để nghe mẹ khuyên nhủ, để ăn một bữa cơm. Cơm mẹ nấu không chắc là cơm ngon nhất nhưng luôn lành nhất, dễ ăn nhất. Những ngày tết đến một mình lụi cụi trong bếp chuẩn bị mâm cơm chiều ba mươi mà lòng buồn rười rượi. Tôi thèm được nhấc điện thoại gọi về nhà mẹ hỏi: “Mẹ ơi, tết nhà mình chuẩn bị đến đâu rồi?”. Nhiều lần chìm trong nỗi buồn tôi thấy mình là cái cây không còn gốc, sông rạch không còn nguồn…
Nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nhưng khoảng trống dành cho mẹ lúc nào cũng ở nguyên đấy. Nỗi buồn như một chiếc hộp, thi thoảng tôi cho phép mình mở ra ngắm nghía những kỷ niệm về mẹ, mường tượng ra giọng nói của mẹ rồi xếp tất cả điều đó lại. Nước mắt chảy xuôi, nếu thật sự có một thế giới nào khác, chắc chắn mẹ cũng không bao giờ muốn nhìn thấy con buồn.
Tôi cũng biết thương lấy mình vì tôi cũng đang làm mẹ. Nếu mình sống một cuộc đời tốt hơn thì các con cũng sẽ ít dằn vặt sau này. Nếu mình hạnh phúc hơn, con mình sẽ có nhiều kỷ niệm vui để mà nghĩ đến.
Tôi cũng nhận ra mẹ vẫn ở bên mình ngay khi đang nấu ăn qua cách nêm nếm thức ăn của mẹ, cách cư xử theo lời mẹ dạy, cách đối diện với những mất mát trong đời.
Theo phunuonline