leftcenterrightdel
 Dù biết bố vợ nhắc nhở cũng chỉ muốn tốt cho mình nhưng Hoàng thấy không thoải mái. Ảnh minh họa

Từ ngày lấy vợ, Hoàng rất ngại tham gia những buổi liên hoan của anh em trong công ty, vì sau khi ăn uống, đồng nghiệp luôn rủ về nhà nhau chơi. Nhiều lần, mọi người gợi ý về nhà Hoàng nhưng anh đều tìm cách từ chối. Chẳng phải Hoàng sợ tốn kém hay phiền phức, mà mỗi lần có người đến nhà chơi, chuyện anh ở rể lại được đem  ra  bàn tán.

Hoàng là dân tỉnh lẻ lên thành phố học rồi ở lại lập nghiệp, vợ Hoàng là người Sài  Gòn, hai người chung trường đại học. Trước khi cưới, Hoàng dự định thuê nhà nguyên căn để hai vợ chồng ở rồi tích lũy dần để mua nhà. Nhưng cưới xong, vợ Hoàng mang thai và sức khỏe yếu, ba mẹ vợ không đồng ý cho đi ở trọ.

Hoàng chạy qua chạy lại giữa nhà vợ và nhà trọ rất vất vả. Đúng lúc đó anh trai vợ quyết định ở nước ngoài chứ không về nước sau khi du học. Mẹ vợ thuyết phục Hoàng chuyển về ở chung để tiện chăm sóc vợ.

Hoàng ở rể vì dự tính mua nhà không dễ thực hiện khi thu nhập của anh chỉ hơn 10 triệu đồng một tháng, vợ anh làm cơ quan nhà nước cũng  chỉ có lương cơ bản. Ở với ông bà ngoại, các con được chăm sóc chu đáo, vợ chồng Hoàng không phải lo lắng nhiều. Dù  vậy, trong lòng Hoàng luôn chất  chứa nỗi niềm riêng khó tả.

Mỗi lần vợ chồng giận nhau, Hoàng không dám to tiếng vì sợ ba mẹ vợ nghe thấy. Nhiều mâu thuẫn nảy sinh trái ngược, anh đều nín nhịn cho trong ấm ngoài êm. Mẹ vợ là người thoáng tính nên dễ sống, nhưng bố vợ ngược lại.

Trước đây, ông làm giám đốc của một cơ quan lớn nên nghiêm khắc. Ông luôn đòi hỏi cao ở con rể. Đi làm về muộn, Hoàng phải hầu chuyện bố vợ đến tận khuya. Dù biết ông nhắc nhở dặn dò cũng chỉ muốn tốt cho con, nhưng Hoàng không thoải mái.

Hoàng ngại nhất khi bạn bè đến chơi, họ trầm trồ cơ ngơi nhà vợ rồi trêu chọc Hoàng như “chuột sa chĩnh gạo”, “có tầm mới chọn bố vợ xuất sắc thế”, gọi anh là “chạn vương”. Bố vợ vô tình nghe thấy những lời nói đó, ngay khi khách ra về, Hoàng lại bị giáo huấn ngay, nào là “không được khoe mẽ”, “phải tự mình gầy dựng sự nghiệp”, "chọn bạn mà chơi".

Mỗi lần nhà có việc, Hoàng đều xắn tay vào làm mọi thứ, nhưng đôi khi cũng thấy chạnh lòng. Hôm vừa rồi, nhà vợ cúng đất, thấy bố vợ đứng khấn, Hoàng phụ thắp hương lên bàn thờ thì bị ngăn lại ngay. Ông bảo: “Để đó bố làm, con không làm được việc đó đâu”. Bố vợ luôn quan niệm, rể là khách, việc thờ tự cúng bái phải do ông hoặc con trai làm.

Chẳng những khó xử với bên ngoại, mỗi lần về quê, Hoàng cũng  đau đầu với lời mỉa mai từ nhà nội khi biết chuyện anh ở rể. Đối với anh em họ hàng ở quê, Hoàng là người thành đạt khi có việc làm ổn định ở thành phố, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn.

leftcenterrightdel
Hoàng muốn có nhà riêng để khỏi ở rể nhưng "lực bất tòng tâm" vì thu nhập thấp. Ảnh minh họa 

Nhưng biết Hoàng ở nhà vợ, họ lại tỏ ra khinh ra mặt. Những lời nói “ở rể như chó chui gầm chạn”, “Sóng gió phủ đời trai, tương lai nhờ nhà vợ” cứ lặp đi lặp lại khiến Hoàng mệt mỏi. Ba mẹ Hoàng muốn lên chơi với cháu cũng ngại thông gia nên mỗi năm chỉ gặp cháu vài lần vào dịp lễ tết.

Nhiều lúc Hoàng thấy chán chường, quyết tâm tích lũy mua nhà nhưng không nhận được sự đồng tình của vợ. Vợ Hoàng luôn gạt đi với lý lẽ: “Muốn ở riêng thì lấy tiền đâu ra mà mua nhà” rồi trách chồng “sướng mà không biết hưởng”.

Hoàng hiểu, lời vợ nói không phải vô lý vì giá nhà đất tăng phi mã, với thu nhập của vợ chồng anh, đến khi về hưu chưa chắc đã mua nổi một căn nhà. Giờ vì tự ái bản thân mà đi ở trọ lại làm khổ vợ con thì không đáng. Hoàng tự an ủi, nhiều người cũng ở rể như mình mà họ vẫn vui vẻ sống đó thôi, có lẽ do anh suy nghĩ quá nhiều.

Theo phunuonline