|
|
Đàn bà chỉ quanh quẩn trong nhà có nên làm đẹp? (Ảnh minh họa) |
Đọc bài viết Lại ồn ào quanh câu hỏi "Đàn bà làm đẹp cho ai?, tôi nhớ ngay tới chị Hoài hàng xóm ngày tôi còn bé.
Chị Hoài không cao nhưng da trắng nõn nà. Mặt chị không quá đẹp nhưng đôi mắt to đen láy và má lúm đồng tiền rất duyên. Không hiểu có phải do cái câu "hồng nhan bạc phận" vận vào người không mà thấy cuộc đời chị chẳng được vui. Chị kết hôn với một anh chồng đã bất tài còn bê tha rượu chè.
Chị Hoài bán tạp hóa ở chợ. Chị hay bận áo bà ba, vấn búi tóc đen óng để lộ cái cổ cao trắng nõn. Chồng chị làm công nhân một hãng sản xuất. Dù chị chỉ ra vào mỗi ngày trên con đường từ chợ về nhà vỏn vẹn hai trăm mét trong khi chồng chị làm ở hãng, gặp gỡ tiếp xúc nhiều người nhưng anh ta vẫn ghen tuông lồng lộn.
Nhà sát vách nên tôi vẫn nghe rõ câu "Mày làm đẹp cho thằng nào?" anh hỏi mỗi khi chị bận cái áo mới hay đánh môi son đi đám cưới. Ít khi nghe chị cãi chồng nên tôi không biết chị làm đẹp để cho ai hay vì lẽ gì, chỉ thấy mắt chị sưng đỏ là biết chị đã khóc rất nhiều sau mỗi lần bị anh hạch hỏi.
Chứng kiến những trận chửi bới kiểu đó, thậm chí có mấy lần chị còn bị chồng dọa đánh chỉ vì tội "làm đẹp cho trai ngắm", tôi ấm ức giùm chị. Tôi tự nhủ khi lớn lên, tôi sẽ không cho phép người đàn ông nào đối xử với mình kiểu đó.
Câu hỏi "Mày làm đẹp là để cho ai?" của chồng chị Hoài đã ám ảnh cả tuổi thơ tôi. Nó theo tôi cho đến khi lớn lên và bắt đầu khiến tôi nghĩ ngợi khi bước vào tuổi biết làm đẹp rồi có người yêu, có chồng.
Đôi lúc, thấy tôi trang điểm hơi kỹ khi đi làm hay mặc cái áo hơi trễ cổ một chút, chồng tỏ ý thắc mắc. Dù anh không thô thiển kiểu "làm đẹp cho thằng nào?" như chồng chị Hoài ngày xưa, nhưng tôi luôn "dằn mặt" trước, để chồng khỏi "thái độ".
Tôi nói rằng tôi thích ngắm mình đẹp trong gương, đó là một kiểu "tự sướng" khiến tôi lên tinh thần như một liều endorphin hiệu nghiệm. Rằng diện mạo tươi tắn khiến tôi tự tin chứ tôi "chẳng vì thằng Tây nào hết", kể cả chồng.
Nói vậy nghe hơi phũ phàng, nhưng để chồng khỏi nghi ngờ vô cớ, cũng là khẳng định để chồng hiểu rõ quan điểm của tôi: tôi thích gì là tôi làm, bao gồm cả làm đẹp. Dĩ nhiên mọi việc tôi làm không ảnh hưởng đến ai hay hạnh phúc gia đình, tôi cũng không để mọi việc đi quá lố, việc làm đẹp phải phù hợp tuổi tác, công việc tôi đang làm, không ảnh hưởng đáng kể đến ngân sách gia đình và trái ngược thuần phong mỹ tục.
Không phải ngẫu nhiên khi phụ nữ được gọi là phái đẹp. Các trẻ em gái biết điệu đà làm đẹp từ khi còn rất nhỏ, từ cái tuổi còn chơi búp bê, bán đồ hàng, chứ các bé nào đã biết yêu đương gái trai hay vì người khác giới.
Ngày nay, quan niệm "hồng nhan bạc triệu" khiến phụ nữ đẹp có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Giữa một xã hội hiện đại xem trọng hình thức hơn khiến phần "gỗ" đôi khi bị "nước sơn" đè bẹp.
Tuy nhiên, đàn bà cho rằng mình làm đẹp vì đàn ông, làm đẹp cho trai ngắm, nếu không phải tự hạ thấp mình thì bản thân họ chẳng có giá trị gì nổi bật để họ bám víu, trông cậy. Nhan sắc chính là niềm hy vọng, "kho tàng" duy nhất mà họ tin là sẽ đem lại hạnh phúc nên ra sức trau chuốt, thậm chí chỉnh sửa, "trùng tu" bằng mọi cách.
|
|
Mọi bé gái đã thích tô son, dù bé không hề có... bạn trai. Vậy, làm đẹp có phải là để cho đàn ông ngắm? (Ảnh minh họa) |
Còn đàn ông có suy nghĩ đàn bà làm đẹp là vì họ, suy cho cùng chỉ là những gã xem thường phụ nữ, không hơn không kém. Nói cách khác, đó chỉ là những kẻ coi nhan sắc phụ nữ như một món quà. Đã là quà thì ai có tiền sẽ được sở hữu. Bằng lối nghĩ đó, đàn ông cũng tự hạ thấp giá trị của mình.
Gió tầng nào gặp mây tầng đó. Đàn ông háo sắc sẽ gặp phụ nữ tận dụng nhan sắc như vũ khí, một cách cân bằng như mô-típ "kiều nữ và đại gia". Khi một bên xem nhan sắc là "vũ khí tối thượng", bên kia thì xem nhan sắc như một món hàng, anh hay ả chẳng chóng thì chầy cũng sẽ đón nhận hậu quả khi đã xem nhẹ các giá trị cốt lõi khác như đạo đức, tiết hạnh hay cách đối nhân xử thế mà thôi!
Theo phunuonline