Gia đình chị Phương Hảo từng sống ở Thái Lan, Kenya, Uzbekistan.
Chị Phương Hảo (quê Hà Nội), sinh năm 1979, đang sống cùng chồng là anh Andrea, người Italy và 3 con tại Cộng hòa Uzbekistan theo dự án Bác sĩ không biên giới. Anh chị kết hôn 9 năm. Cứ vài năm, anh chị lại di chuyển sang một đất nước khác. Cuộc sống đi khắp nơi, nhiều thú vị nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Mỗi đất nước đi qua, mỗi nền văn hóa được tiếp xúc để lại cho chị những trải nghiệm khó quên. Trong đó, lần chạy bom năm 2011 tại Tanzania khiến chị Hảo nhớ mãi.
Tháng 4/2011 ở thủ đô cũ Dar es Salaam của Tanzania, do có chút vấn đề về visa cư trú ở Kenya, chúng tôi phải ra khỏi địa phận của quốc gia này trong vài ngày để đợi cơ quan chồng hoàn thiện thủ tục. Nước láng giềng Tanzania là sự lựa chọn hợp lý do vừa gần lại vừa có biển để có thể tranh thủ nghỉ ngơi và vì khi đó tôi đang mang bầu bé thứ hai được năm tháng. Lúc này, Baba - con gái tôi - được 15 tháng tuổi.
Bộ phận nhân sự đã bố trí cho chúng tôi ở một khách sạn đắt tiền, chồng tôi không đồng ý vì cho rằng như vậy là lãng phí ngân sách của tổ chức Bác sĩ không biên giới. Vì thế, chúng tôi quyết định chuyển đến một khách sạn tư nhân nằm ở một nơi khá hẻo lánh nhưng sát biển.
Đang ngáp vì chán chường, tôi bỗng thấy một anh bảo vệ chạy tới để chăng dây chặn lối ra biển. Một nhóm cỡ 5-6 người mặc đồng phục cảnh sát từ bên trong khu resort tiến vào bãi nơi chúng tôi đang nghỉ, trên tay mỗi người đều cầm súng dài. Vẫn với thái độ điềm đạm, anh quản lý người Ấn Độ trấn an rằng mọi thứ đều ổn và nhà hàng vẫn sẽ phục vụ bữa tối như chúng tôi đã đặt. Hôm ấy là sáng chủ nhật, chúng tôi nghỉ ngơi trên bãi biển vắng lặng. Gia đình chúng tôi là ba trong số sáu vị khách ít ỏi có mặt tại resort. Được một lát, một nhân viên khách sạn tiến đến khuyên chúng tôi nên vào nghỉ ngơi trong khu bể bơi. Anh giải thích rằng đêm hôm trước đã xảy ra một vụ ẩu đả và nhắc đến việc một người bản địa đã chết tại bệnh viện lúc sáng nay, nhưng tôi không rõ nguyên nhân. Anh ta bảo khu resort mà chúng tôi đang nghỉ có thể sẽ gặp nguy hiểm vì người dân địa phương đang rục rịch tấn công khách sạn này để trả thù.
Đến giờ ăn tối, mấy vị khách ít ỏi cũng chẳng thấy xuống dùng bữa ngoại trừ chúng tôi. Vậy mà mới đêm qua thôi, có tới cả trăm người tiệc tùng nhộn nhịp ở đây. Khi đang thưởng thức món mực nướng kiểu Ấn thì tôi chợt nhận ra rằng chẳng còn ai xung quanh. Tất cả nhân viên của nhà hàng và khách sạn đều đã biến mất.
"Bùm!"
Một tiếng nổ lớn vang lên làm chúng tôi nhảy dựng khỏi ghế. Tiếng nổ này làm tôi nhớ tới tiếng pháo cối trong đêm giao thừa ở Hà Nội mà tôi từng được nghe khi còn nhỏ. Tiếng nổ dường như mới xảy ra ở đâu đó rất gần, có lẽ là chỉ ở ngay ngoài cổng khu resort thôi.
- Cái gì thế? Ai đó đang đốt pháo à? Tôi hỏi anh xã.
- Bom đấy! Chạy mau! Chồng tôi la lớn.
Qua vẻ mặt thảng thốt và giọng của chồng, tôi biết là anh đang không đùa vì anh từng công tác ở vài nơi có chiến sự trước khi đưa tôi và con đi theo. Chắc chắn, anh phân biệt được pháo và bom giỏi hơn tôi. Anh giục tôi: "Cầm lấy túi của em ngay! Mình phải chạy vào chỗ nào đó an toàn, anh chắc chắn đó là bom".
"Đoàng!" Chồng tôi vừa thì thào, vừa đẩy vội chiếc xe nôi mà Baba đang ngồi vào một góc tối. Tôi chạy theo anh, hai chân như tê dại vì choáng váng. Tôi vẫn chưa hình dung được điều gì đang xảy ra. Chúng tôi khom người sau một rặng cây trong bóng tối. Tôi nói với chồng rằng tôi muốn về phòng vì ở đây nhỡ trúng tên rơi đạn lạc thì sao, nhưng anh bảo lúc này rất nguy hiểm vì muốn về phòng, chúng tôi phải chạy qua một hành lang rỗng, theo anh chúng tôi không thể liều mạng ôm con chạy trong khoảng không gian mở tối om như vậy.
Tiếng nổ thứ hai vang lên. Tôi thấy mình sắp khuỵu xuống vì hoảng hốt. Baba bắt đầu khóc, tôi không rõ liệu có phải con bé đang sợ hay quá buồn ngủ nên quấy hay không. Anh xã bảo tôi cố gắng trấn an Baba để anh đi tìm người quản lý. Tôi răm rắp làm theo những gì anh bảo như một cái máy, đầu óc trống rỗng vì không nghĩ được điều gì. Thật khó tưởng tượng được rằng tôi, cô tiểu thư đến từ Hà Nội - một thành phố vốn thanh bình - và đang mang bầu lại phải ôm con nấp trong bụi rậm để tránh bom ở một đất nước xa lạ trên một châu lục xa lạ.
Cùng lúc này, chồng tôi cúi người lao vào bóng tối. Ba phút chờ anh dài như thế kỷ, tưởng như dài hơn cả những lần mà tôi chờ đợi anh trở về sau những dự án cứu trợ kéo dài hàng tháng trời ở những nơi nguy hiểm. Còn lại một mình trong bóng tối với cô con gái bé nhỏ đã thiu thiu ngủ trong vòng tay, tôi mường tượng đủ thứ trong đầu. May thay, cuối cùng thì anh cũng quay lại để thông báo tình hình:
- Người quản lý nói với anh rằng khu resort bị tấn công bằng lựu đạn, chúng ta đang gặp nguy hiểm. Cảnh sát sắp đến, họ sẽ đưa chúng ta đi sơ tán.
Một nhân viên khách sạn người Phi đi ngang qua, bộ đồng phục mà anh ta mặc ướt đẫm mồ hôi. Bằng chút tiếng Anh bập bẹ, anh trấn an chúng tôi rằng những người ở ngoài kia không thù hằn gì với khách đến nghỉ tại resort mà họ chỉ đến với mục đích trả thù ông chủ Ấn Độ của khách sạn này. 10 ngày trước đó, một thanh niên địa phương say rượu đã mò vào làm loạn tại một bữa tiệc trong resort mà không mua vé nên ông chủ khách sạn đã đánh, khiến anh này phải nhập viện. Đêm hôm trước, chàng trai bất hạnh đã chết do vết thương quá nặng.
Chồng tôi nhờ cậu nhân viên ở lại để bảo vệ hai mẹ con tôi rồi một mình chạy về phòng lấy đồ đạc. Tôi chẳng thể làm gì ngoài việc cố gắng ôm chặt cho con gái khỏi giật mình. Tôi không dám cho con bé vào xe đẩy vì sợ chạy không kịp, nhưng bé quá nặng và quá lớn đối với cái bụng tròn vo của tôi nên tôi chỉ còn cách ngồi thụp xuống, vừa ôm con vừa cầu nguyện cho cơn ác mộng này chóng qua.
Chúng tôi được yêu cầu ngồi vào cabin phía trước chung với người lái. 4 nhân viên cảnh sát tay vác những khẩu súng lớn ngồi ở thùng xe trống phía sau để hộ tống. Chiếc xe lao vào màn đêm tối đen như mực, xung quanh không một ánh đèn. Tôi nắm chặt lấy tay chồng, điều duy nhất khiến tôi cảm thấy được an ủi là nếu có bị tấn công, ít ra chúng tôi vẫn ở bên nhau. Nhóm cảnh sát đưa chúng tôi tới một khách sạn khác do chủ người Phi sở hữu. Trong sân, một đám khách người Ấn Độ đang đứng với đống hành lý ngổn ngang, họ sắp sửa được chuyển đi để tránh cho những khách khác bị vạ lây. Cuối cùng thì cảnh sát cũng tới, họ hộ tống chúng tôi sang một khách sạn gần đó an toàn hơn. Chúng tôi cùng khom người chạy theo anh quản lý khách sạn và cậu nhân viên người Phi về phía chiếc xe bán tải của cảnh sát một cách nhanh nhất. Tôi thấy đám nhân viên khách sạn cả Ấn và Phi đang co cụm lại thành một nhóm, tất cả trông đều hoang mang. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên những ánh mắt sợ hãi của họ, đặc biệt là vẻ mặt đầy lo lắng của những người Ấn Độ làm việc cho resort này.
Trong suốt phần đêm còn lại, tôi còn nghe thêm vài tiếng nổ nữa. Đó cũng là đêm cuối cùng của chúng tôi ở Dar es Salaam. Dù đã trải qua nhiều trải nghiệm đặc biệt khi đi theo những dự án của chồng, lần chạy bom này khiến tôi bất ngờ và ám ảnh nhất. Tôi không ân hận vì đã quyết định rời bỏ cuộc sống bình yên ổn định ở Italy để lên đường theo tổ chức Bác sĩ không biên giới, vì nhờ vậy mà tôi được tận mắt thấy rằng thế giới này không bình yên và tôi cũng biết trân trọng cuộc sống hơn.
Theo VNExpress