Mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu là chủ đề chưa bao giờ nguội trên các diễn đànẢNH MINH HỌA: CHỤP TỪ PHIM SỐNG CHUNG VỚI MẸ CHỒNG TRÊN VTV1
Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu là chủ đề chưa bao giờ ngừng tranh cãi trên các diễn đàn, group kín của hội chị em phụ nữ. Khi lập gia đình, ai cũng mong có thể hòa thuận với mẹ chồng như với chính mẹ ruột của mình nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy... Nhiều mâu thuẫn, nhiều xung đột phát sinh từ những tình huống hằng ngày, quan điểm trong cuộc sống dẫn đến những bất đồng không hồi kết. Đáng sợ hơn, khi những mâu thuẫn đã không được giải quyết khéo léo mà chỉ có sự im lặng thì có lẽ đã đến lúc... khó cứu vãn.
Chính vì vậy, Thanh Niên khởi đăng loạt bài Mẹ chồng - nàng dâu Việt để độc giả (những người mẹ chồng, con dâu hay cả chính nhân vật khó xử: anh chồng) có thể chia sẻ, tâm sự câu chuyện về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu của mình. Khi viết bài cộng tác, độc giả có thể gửi về địa chỉ email: doisonggiadinh@gmail.com
Dưới đây là tâm sự của độc giả Hoàng Trúc Mai (TP.HCM):
Tôi thường nói vui với cô bạn gái thân thiết của mình rằng: “Ai được làm mẹ chồng của mình cũng thích nhỉ, mình sẽ thương như mẹ ruột, thi thoảng mình sẽ mua quà tặng mẹ”. Thế nhưng, đời thì vẫn không như là mơ…
Tôi gốc Bắc, về làm dâu Sài Gòn. Trước khi về, bạn bè tôi nhiều người nói: “Hình như mẹ chồng miền Nam thường không thích con dâu người Bắc, còn vì sao thì không biết”; “Người ta hay nói người Bắc là Bắc Kỳ, nghe cứ thấy tổn thương”. Tôi nghe và cười: “Mình cứ sống tốt và nhiệt tâm, rồi thì chẳng sao đâu”.
Tôi ở cùng một nhà với mẹ chồng nhưng không gian sống khá tách biệt, mẹ tôi ở tầng trệt, vợ chồng tôi ở trên lầu, bếp riêng, phòng khách riêng.
Mẹ chồng tôi nấu ăn rất ngon. Niềm vinh hạnh cũng là nỗi lòng của tôi nằm ở chỗ đó. Tôi chắc chắn không biết gì về món ăn Nam Bộ, còn chồng tôi lúc nào cũng thần tượng các món ăn mẹ nấu. Câu cửa miệng của anh là: “Sao món này không giống vị má nấu nhỉ”, “Má nấu ngon cơ, em xuống hỏi má đi”.
Nếu bạn nghe câu đó vào một ngày đẹp trời thì tất nhiên nó chỉ vui thôi, còn nếu như câu đó lặp đi lặp lại vào bất kể một ngày Sài Gòn vừa tắc đường, kẹt xe hay nắng nóng, tôi chắc chắn ít có người phụ nữ nào đủ kiên nhẫn để không gào lên: “Từ mai, anh đi mà nấu!”.
Mẹ chồng tôi không bao giờ nhận xét trình độ nấu ăn của tôi, bà im lặng. Để chiều lòng con trai, bà nhiều lần đích thân vào bếp làm những món anh thích. Tôi đứng bên cạnh học theo, nhưng để có thể nấu những món hợp khẩu vị người Nam, chắc chắn chẳng một sớm một chiều.
Một lần, trong bữa cơm có rất đông anh em họ hàng, bà vừa cười vừa nói vui: “Mọi người bảo ghét của nào trời trao của đó, mấy con trai tui từng không thích gái Bắc, giờ cưới thì ráng chịu”. Mọi người cười. Tôi lặng lẽ đi lên gác, thấy cổ họng mình nghẹn quá.
Mẹ chồng tôi không thích chăm trẻ con, vợ chồng chúng tôi gửi em bé cho một bà giữ trẻ gần nhà. Mỗi ngày bà nội và cháu gặp nhau chưa đầy 5 phút, cháu thấy bà hớn hở cười và vẫy tay, đòi bế bồng, bà gật đầu một cái rồi quay đi, làm việc riêng của bà.
Bà lúc nào cũng nói muốn cháu phải thật mập mạp, uống thật nhiều sữa công thức, người thoa thật nhiều dầu thơm. Tôi thì muốn con lớn lên khoẻ mạnh, hoạt bát, không nhất thiết phải to béo và càng không cần bôi các hóa chất lên người.
Vậy là những dịp các cô dì chú bác qua chơi, bà lại mang cháu nội 8 tháng ra so sánh với những em bé mập mạp khác, chỉ trỏ rằng tại mẹ nó không biết nấu ăn, nấu dở nên nó không ăn và “đến giờ còn cho bú, sữa mẹ giờ là nước lã, có gì đâu cứ bắt bú hoài”... Những lúc đó, tôi bế con đi siêu thị hoặc công viên chơi. Tôi quen rồi, cách để nuôi con theo ý của mình đó là “mặt dày” lên.
Mẹ chồng tôi hay nhìn tôi từ đầu tới chân mỗi khi tôi dắt xe ra ngoài đi làm, nhưng im lặng và không nói gì. Tôi biết chắc chắn khi tôi vừa đến cơ quan, ở nhà mẹ chồng tôi cũng to nhỏ với con trai… Bởi cách vài ngày, tôi lại nghe giọng chồng: “Má nói em mặc cái áo này thì bla bla….”, “Má nói em đi lại sao cứ… bla bla”.
Lần đầu tôi choáng, hóa ra mẹ chồng mình để ý từng chút một, nhưng giờ thì tôi quen. Tôi thường đi làm sớm và tránh khoảng thời gian bị nhìn từ chiếc áo đang mặc đến đôi giày đang mang.
Nhiều khi tôi rất muốn hỏi: “Má ơi, má có điều gì chưa hài lòng về con, má nói con nghe được không?”, nhưng thấy sao khó quá. Chúng tôi sống cùng một mái nhà, nhưng lúc nào tôi cũng ao ước được là một gia đình đúng nghĩa, bà bế ẵm cháu, cháu cùng bà bi bô học nói; những ngày cuối tuần, cháu được ngủ cùng bà, bà gãi lưng, kể chuyện, như chính tôi ngày thơ bé.
Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu chưa bao giờ là đơn giản, dù đó là mong ước của tất cả người trong cuộc. Sự xung đột, mâu thuẫn không ở những cuộc cãi vã, lời qua tiếng lại người ta nói với nhau, mà ở chính sự lặng im.
Tôi mở cửa ngôi nhà mình đang sống, thấy bóng dáng mẹ chồng tôi trong bếp, bà lặng im, và một chuỗi những ngày u ám của tôi nằm trong sự im lìm "đáng sợ" ấy…
** Tên nhân vật đã được Thanh Niên thay đổi vì lý do riêng tư
Theo Thanh niên